Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Viết về biển, đảo còn yếu và thiếu

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 16-10, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo TW đã tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về biển, đảo Việt Nam đội ngũ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên báo đài khu vực phía Nam…
Tại hội nghị, ông Huỳnh Dũng Nhân – Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM khẳng định: “Thời gian qua, những biến động, tranh chấp trên biển Đông đã khiến công tác tuyên truyền biển, đảo trở nên “nóng” hơn. Các phương tiện thông tin đại chúng đã tích cực tuyên truyền về biển, đảo. Song, hiệu quả tuyên truyền chưa được như mong muốn”.
Đáng buồn hơn có những tờ báo đưa thông tin theo chiều hướng bất lợi cho quốc gia. Điển hình, tháng 9-2009, một tờ báo điện tử đã khai thác thông tin từ tờ Hoàn Cầu (Trung Quốc) đưa tin về: “Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông”. Trong đó có đoạn: “Phát biểu với binh lính trên đảo, chỉ huy đội tàu hộ tống, Phó tư lệnh hạm đội Nam Hải nhấn mạnh: “Bất kể là binh sĩ hộ tống hàng hay binh sĩ bảo vệ đảo, đều có chung một sứ mệnh là bảo vệ lợi ích quốc gia, hy vọng các binh sĩ luyện tập để bảo vệ tốt biên cương trên biển phía Nam Tổ quốc… các hoạt động huấn luyện này được bắt đầu từ một sân bay ở quần đảo Hoàng Sa…”. Đây là một sai lầm nghiêm trọng, vì từ thông tin này, người ta có thể suy luận để dẫn tới những bất lợi cho việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa.
Không chỉ vậy, không ít tờ báo còn đưa thông tin theo kiểu kích động, giật gân, thông tin theo tin đồn, thiếu kiểm chứng. Từ thực tế này, ông Lê Nghiêm – Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin & Truyền thông, lưu ý: “Khi thông tin trên báo chí về tình hình biển Đông, nhà báo cần có sự chọn lọc, kiểm chứng thông tin. Tránh những lời lẽ kích động, giật gân. Khi trích dẫn từ báo chí quốc tế phải trung thực, khách quan. Khi đưa thông tin nên tránh bình luận chủ quan, hãy để các chuyên gia bình luận…”.
Để tránh những sai sót đáng tiếc có thể xảy ra cũng như nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền về biển, đảo, yêu cầu người làm công tác tuyên truyền phải hiểu rõ những chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề này. Theo đó, ông Đỗ Hòa Bình – Phó chủ nhiệm Văn phòng Thường trực Ủy ban Chỉ đạo Nhà nước về biển Đông – hải đảo, Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh: “Là một quốc gia ven biển, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng về Dự thảo công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Sau khi công ước Luật Biển năm 1982 được thông qua, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký công ước. Nhà nước ta đã căn cứ vào quy định của công ước Luật Biển năm 1982 tiến hành đàm phán với một số nước láng giềng về các vấn đề liên quan biển Đông. Cụ thể năm 1997, ta và Thái Lan đã ký hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong vịnh Thái Lan. Năm 2000, ta và Trung Quốc ký hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc bộ. Năm 2003, ta và Indonesia ký hiệp định phân định thềm lục địa của hai nước ở phía Nam biển Đông…”.
Đặc biệt, ngày 1-1-2013, Luật Biển Việt Nam đã có hiệu lực. Đây là bộ luật đầy đủ quy định chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Trong đó, Luật Biển tái khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về vấn đề tranh chấp biển, đảo với một số nước láng giềng, Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình phù hợp với công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)