Ngành giáo dục chúc mừng GS.TS Nguyễn Thiện Thành thượng thọ 95 tuổi. Ảnh: A.Tú
|
Với bằng tú tài loại ưu, học sinh Nguyễn Thiện Thành được cơ quan điều hành giáo dục Đông Dương chọn cấp học bổng sang Pháp du học nhưng ông đã từ chối. Vì “nếu học về sẽ làm tay sai của bọn tư bản” – ông đã viết như vậy trong sổ lý lịch cán bộ đang được lưu giữ tại Bệnh viện Thống Nhất.
Giáo Dục TP.HCM xin trích đăng một phần trong sổ lý lịch để bạn đọc phần nào hiểu được những cống hiến của ông đối với nền y học nước nhà…
Từ 1925 đến 1932 (6 đến 13 tuổi): Học ở trường tỉnh, thị xã Trà Vinh.
Từ 1932 đến 1936 (13 đến 17 tuổi): Thi tuyển vào Trường Trung học Collège Mỹ Tho, học theo chế độ có học bổng.
Từ 1936 đến 1939 (từ 17 đến 20 tuổi): Học tại Trường Trung học Lycée Pétrus Ký Sài Gòn (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM – PV), cũng theo chế độ học bổng.
Khi thi đỗ tú tài, tôi được bọn thực dân Pháp đề nghị sang Pháp học, hứa cấp cho học bổng nhưng với điều kiện là phải học xong một trường mà chúng yêu cầu chọn: Hoặc trường võ bị, hoặc trường thương mại cao cấp (Hautes Étude Commerciales), hoặc Trường Thú y CĐ Alfort. Lúc đó, tôi thấy những trường đó không hợp với nguyện vọng của tôi và cảm thấy nếu học về sẽ làm tay sai của bọn tư bản, tôi trả lời: “Tôi muốn học y khoa, tôi muốn trở thành bác sĩ”. Bọn thực dân Pháp trả lời: “Ở Đông Dương (Hà Nội) có trường thuốc, khỏi phải sang Pháp”. Tôi trả lời: “Tốt”. Và như vậy tôi quyết định học thuốc tại Hà Nội.
Từ năm 1939 đến năm 1945: Học tại Trường ĐH Y khoa của Pháp ở Hà Nội. Tôi được học bổng và lần lượt thi đỗ các cuộc thi tuyển ngoại trú của bệnh viện, rồi đậu nội trú của bệnh viện… Tháng 6, tháng 7-1945, tôi có liên lạc với Mặt trận Việt Minh qua đồng chí Lê Văn Ngươn – lúc ấy là sinh viên Trường Luật khoa. Theo đề nghị của đồng chí Ngươn, tôi có làm giấy vay nợ (300 đồng Đông Dương) để lấy tiền của Hội Nam kỳ tương tế ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Tôi có nhiều lần kê đơn thuốc để đồng chí Ngươn mua thuốc gửi lên chiến khu. Cũng trong thời gian đó, đồng chí Ngươn có gợi ý hỏi tôi có đi chiến khu được không, tôi trả lời là sẵn sàng đi nếu có yêu cầu. Đồng chí Ngươn nhận sẽ phản ánh ý kiến của tôi…
Khi được tin thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Nam bộ, tôi có dự một khóa huấn luyện quân sự. Khi học xong, tôi làm đơn tình nguyện vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Nhưng lúc đó ở Hà Nội có dịch tả, tôi công tác ở khoa bệnh truyền nhiễm nên cấp trên không chấp thuận cho tôi đi chiến đấu.
Từ tháng 10-1945 đến tháng 4-1946: Tôi được biết sắp sửa vào Nam mà còn thiếu thầy thuốc. Tôi đến tìm đồng chí Vũ Văn Cẩn (Cục trưởng Cục Quân y) để xin gia nhập vào đơn vị Nam tiến. Đồng chí Cẩn giới thiệu tôi đến Bộ Quốc phòng, tôi được gặp đồng chí Hoàng Văn Thái, đồng chí đã ký quyết định cho tôi nhập ngũ (ngày 12-10-1945).
Tôi phụ trách Quân y Khu 5, tự lực đào tạo cán bộ nhân viên, tổ chức phòng mổ, đội phẫu thuật đầu tiên của Khu 5, phục vụ cho các trận đánh của bộ đội Quân khu 5.
Từ tháng 5-1946 đến tháng 5-1947: Tôi công tác tại Quân y viện Trung bộ (Mang Cá, Huế). Tôi phụ trách một khoa ở đó, đồng thời tham gia đào tạo khóa y tá đầu tiên của Quân y Trung bộ.
Từ tháng 5-1947 đến cuối năm 1949: Vào công tác ở chiến trường Nam bộ theo lệnh của Cục Quân y. Sau đó làm Vụ trưởng Quân y Khu 9 (Nam bộ) kiêm Hiệu trưởng Trường Hộ sinh Trưng Trắc, kiêm kiểm sát viên dân y miền Tây Nam bộ. Theo đó đã đóng góp xây dựng các trường lớp đào tạo cán bộ quân y, dân y đầu tiên ở Nam bộ.
Kim Anh (lược ghi)
PGS.TS Nguyễn Đức Công – Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất: “Khi tôi vào công tác tại Bệnh viện Thống Nhất thì GS. Thành đã nghỉ hưu. Dấu ấn ông để lại là một đội ngũ y, bác sĩ có nề nếp, tác phong làm việc của quân đội. Và bệnh viện là một trung tâm điều trị, nghiên cứu, giảng dạy về lão khoa lớn nhất… Tôi thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 5 của bệnh viện nhưng vẫn thường được nghe các đồng nghiệp nhắc đến ông. Họ nói ông rất nghiêm túc trong sinh hoạt, trong công việc – ông hẹn ai là phải đúng giờ. Bác sĩ nào trong bệnh viện viết chữ xấu là ông yêu cầu lên phòng giám đốc ngồi tập viết đến khi chữ đẹp mới thôi. Tuy không phải là học trò của GS. Thành nhưng ngày 20-11 tôi vẫn theo đồng nghiệp (là học trò của GS) đến chúc mừng. Những lần như vậy, tôi cảm nhận GS. Thành còn là một người rất hóm hỉnh. Đặc biệt, ông rất thương yêu cụ bà. Mấy lần GS nhập viện, nếu không thấy cụ bà là ông đòi về nhà. Hay những lần bệnh viện mời ông tới tham dự Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), ông đều đưa bà đi cùng và yêu cầu bà phải ngồi cạnh ông”. |
Bình luận (0)