Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Vĩnh biệt nghệ sĩ Lê Vũ Cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Những nén hương tiễn biệt Lê Vũ Cầu của đông đảo bạn bè, giới nghệ sĩ - Ảnh: G.Tiến 4g40 sáng 23-9-2008, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đã từ giã cuộc đời tại Bệnh viện Quân dân miền Đông sau gần một tháng chống chọi với căn bệnhxơ gan cổ trướng tái phát.

Không gia đình, không người thân, ở bên cạnh Lê Vũ Cầu phút cuối đời là những người bạn thân thiết nhất của anh: đạo diễn Thế Ngữ và nghệ sĩ Lê Tuấn Anh.

Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu (tên thật là Lê Bửu Cầu) sinh năm 1956 tại Cà Mau. Cuộc đời của anh được bạn bè ví như câu thơ “giang hồ mê chơi quên quê hương”. Từ một đứa trẻ mồ côi, anh bắt đầu cuộc sống lang thang phiêu bạt, làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Có lúc anh trôi dạt ra tận miền Trung làm nghề đánh giày, bảo kê, ăn xin…, thậm chí sa vào con đường nghiện ngập. Nhưng rồi một giọng hò miền Nam trong những bài vọng cổ đã kéo anh ra khỏi quãng đời tăm tối. Tấm màn nhung của sân khấu mở ra với Lê Vũ Cầu bằng những công việc nhỏ nhặt nhưng lương thiện: kéo micro, hậu đài, soát vé, đóng vai phụ… Rong ruổi theo đoàn hát đi đây đó để thỏa chí giang hồ, từ chính những thăng trầm của mình, Lê Vũ Cầu đã đưa những khắc nghiệt của cuộc sống vào các vai diễn trên sân khấu.

Khán giả vẫn không thể quên hình ảnh của Lê Vũ Cầu trong những vai diễn hay: Vũ Như Tô, Chí Phèo, “Ông mất nết” trong tiểu phẩm hài nổi tiếng Bà mất gà, ông mất nết, chùm hài kịch Vợ thằng Đậu… Lê Vũ Cầu từng thẳng thắn tâm sự: “Chính sân khấu đã cứu đời tôi, nếu không có nó tôi đã chết vì chiến tranh, ma túy hay đâm chém”. Những năm cuối đời, căn bệnh xơ gan đã khiến Lê Vũ Cầu phải rời xa sân khấu, xa những buồn vui vay mượn dưới ánh đèn, xa những vở kịch đang ấp ủ…

Trước khi linh cữu Lê Vũ Cầu được đưa về quàn tại nhà truyền thống Hội Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM (133 Cô Bắc, quận 1), bạn bè quyết định để anh được nằm ngay tại nhà mình một ngày. Nhà Lê Vũ Cầu chính là quán cơm chay từ thiện ở Thủ Đức, nơi mỗi ngày có hàng trăm người nghèo được anh đãi cơm chay miễn phí suốt ba năm nay. Ngày 23-9, họ vẫn đến rất đông vào giờ phát cơm mỗi ngày nhưng không ăn mà để thắp lên những nén nhang đưa tiễn một tấm lòng về với cát bụi. Nhiều anh chị em nghệ sĩ cũng đến đây, gương mặt ai cũng trầm ngâm nghĩ ngợi dẫu nỗi buồn này đã được báo trước từ lâu. Giữa hương khói và những bài thánh ca dìu dặt, mọi người đi quanh quan tài và nhìn anh lần cuối. Lê Vũ Cầu nằm đó, những phong trần của một đời người, những buồn vui của một đời nghệ sĩ dường như cũng nén lại ở đó.

Lễ viếng nghệ sĩ Lê Vũ Cầu bắt đầu từ 10g30 ngày 24-9-2008 tại nhà truyền thống Hội Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM. Lễ truy điệu được tổ chức lúc 10g ngày 27-9, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp, TP.HCM. 

HOÀNG OANH 

Lê Vũ Cầu - Ảnh tư liệuMột người rất đỗi từ tâm đi rồi!

Tháng trước, dịch giả Cao Tự Thanh, nhà báo Võ đắc Danh và tôi cùng đến quán Vợ Thằng Đậu thăm anh. Quán cơm từ thiện dành cho người cơ nhỡ, nghèo khổ nhiều năm nay ai cũng biết, chỉ tôi chưa đến tận nơi lần nào. Nay đã thấy nó, sạch sẽ, đàng hoàng, những người phục vụ tử tế lắm.

Hôm ấy trông Lê Vũ Cầu tuy gầy và sạm đen nhưng anh nói: “Thấy khá hơn mọi ngày”. Tiệc bày ra nhưng Cầu không uống, chỉ thỉnh thoảng cầm ly của tôi nói: “Cho mượn chút nhé!”. Anh đưa ly rượu lên mũi: “Rồi! Coi như đã uống”, anh nói với nụ cười hết sức hiền lành. Cơn mưa lớn đột ngột khiến bàn rượu ngoài sân phải chuyển vào bên trong, tôi vào trước sắp ghế cho anh ngồi. Cầu xua tay: “đừng!”. Tôi cũng xua tay: “Tôi chỉ xin mang ghế cho những người như anh, cứ để yên tôi làm!”.

Đấy thì ra là buổi gặp anh lần cuối, anh trở lại bệnh viện không lâu sau đó…

Lê Vũ Cầu đi rồi! Cuộc chống chọi với bạo bệnh của anh dù ly kỳ đến mấy, chết đi sống lại mấy lần rồi cũng phải đến hồi kết thúc. Có ai thắng được cái chết? Tôi biết rõ nay mai trong dòng người đến tiễn đưa anh sẽ có rất nhiều nhân vật tên tuổi, danh tiếng lẫy lừng trong giới nghệ thuật. Nhưng tôi tin trong dòng người ấy, nhiều hơn cả những người tên tuổi chính là vô số kẻ vô danh, những người cùng khổ lâu nay được anh cưu mang, nuôi sống…

Lúc sinh thời anh thường tự sự mình là kẻ mang ơn nhiều người mới sống được như bây giờ, nay anh chỉ đáp trả lại những ân tình ấy khi có điều kiện mà thôi. Những ai chịu ơn anh đừng trả anh, hãy giúp đỡ cho những ai cùng khổ khác. Chỉ thế thôi!

Con người có số phận tận cùng xã hội, lưu lạc, mồ côi thật sự đã sống và chết như một con người – chữ Người viết hoa khiêm nhường và thật đẹp. Con người ấy nay đã mãn hạn trần gian.

Nhưng tin rằng anh thanh thản lắm anh Lê Vũ Cầu ạ!

ĐỖ TRUNG QUÂN

Người em ngang tàng của tôi

Tôi từng nói với Lê Vũ Cầu một câu thế này: “Chú em là người sống bản năng chứ không bản lĩnh”. Cầu cũng ngậm ngùi vì câu nói này lắm nhưng vẫn không thể khác được.

Đã gần 30 năm kể từ lần đầu tiên tôi gặp Lê Vũ Cầu. Lúc đó Cầu vừa thôi mộng cải lương vì không có hơi hát và bắt đầu chuyển sang đoàn kịch Bông Hồng. Tôi quý mến ngay con người ngang tàng nhưng vô cùng chân thành ấy. Tôi làm gì cũng rủ Cầu theo, rất nhiều vở kịch “Trong nhà ngoài phố” trên truyền hình của tôi đều có vai cho Cầu. Thấy Cầu hay uống rượu, tôi đã viết vở Người uống rượu để Cầu diễn. Các vai kịch, phim của Cầu đều tạo cho khán giả lòng tin với cuộc đời. Có lẽ bởi những nỗi truân chuyên đeo đẳng, buồn nhiều, vui ít nên anh đã đem cả nước mắt trong đời thường, vị chát của những phận người vào sân khấu.

Đối với tôi, Lê Vũ Cầu là một người em quý. Ở người em đó tôi có thể nhìn thấy những nét ngang ngạnh, bộc trực, thẳng thắn của một người giang hồ lương thiện. Tôi vẫn còn nhớ những năm đói kém, hai anh em chia nhau ba gói mì để ăn cho qua hai bữa cồn cào. Rồi lúc con tôi sinh ra không đủ sữa để bú, Cầu đã lặn lội bắt thịt cóc bằm ra cho nó ăn khỏi còi xương. Thân đến nỗi đến bây giờ các con tôi vẫn không gọi “chú Cầu” mà là “bạn Cầu”. Rồi Cầu theo tôi đi mua bán đất làm kinh tế cho bớt lãng tử. Trong tình bạn ngần ấy năm, chỉ có một lần duy nhất Cầu khiến tôi phát cáu là trong vở Vũ Như Tô, anh không chịu mặc áo quan mà cứ đòi mặc áo dân cho ngang tàng, lực lưỡng.

Có dạo Cầu còn sống lang thang trên một chiếc xe tải nhỏ, tôi và Phước Sang phải nói mãi anh mới chịu về nhà. Về nhà nằm trong phòng, anh lại sợ bóng tối và sự im lặng nên lúc nào cũng để đèn và bật tivi cho có tiếng người. Đôi lúc tôi thấy anh cả tin như một đứa trẻ, ai nói gì cũng nghe, rủ đi đâu cũng theo, bày cho thuốc gì cũng uống. Anh không để cuộc đời mình bị cột chặt vào bất cứ một quy tắc nào dẫu đã nhận đủ lắm những cay đắng từ cái tính “lãng tử, giang hồ, bản năng” đó.

Cầu từng bảo sẽ sống để lo đám tang cho tôi, nhưng giờ đây tôi lại phải lo cho Cầu trước. Tôi chỉ đau nhất một điều: Cầu đã ra đi vào cái tuổi chín nhất của nghề, suy nghĩ sâu sắc nhất về cuộc đời nhiều dâu bể này.

Đạo diễn THẾ NGỮ

(theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)