Y tế - Văn hóaThư giãn

Vĩnh biệt người chị sống giản đơn, lạc quan

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyến v ngun Côn Đo ca ch Lê Ý Cơ cùng tp th Báo Giáo dc TP.HCM năm 2017

Dẫu biết sinh – tử là lẽ thường, vậy mà vẫn bàng hoàng khi hay tin chị ra đi. Đột ngột, choáng váng… là những từ trong dòng trạng thái mà đồng nghiệp, người quen biết chia sẻ khi hay tin chị Lê Ý Cơ (Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) mất sau một thời gian chống chọi với bạo bệnh.

Làm việc, họp hành cùng chị khá nhiều năm ở cơ quan, ít nhiều tôi hiểu về con người chị. Đơn giản chị là một con người đơn giản.

Ít dịp cơ quan có một kỳ nghỉ có mặt chị. Cũng dễ hiểu, bởi hết giờ cơ quan chị lại trở về cơm nước, coi sóc cho ba mẹ nay yếu mai đau, có thời gian đâu mà đi đây đi đó. Kỳ nghỉ năm 2017 ở Côn Đảo, cả đoàn trên chiếc tàu 09 mất nửa ngày. Mờ sáng, tàu chuẩn bị cập bến, hỏi chị có mệt không? Chị cười hiền: chị không mệt mà lo cho ba má ở nhà. Với đồng nghiệp, chị sẵn sàng chia sẻ, từ lời nói đến hành động đều nhẹ nhàng mô phạm. Nói vậy để thấy, chị là người đồng nghiệp mẫu mực, chân tình và là người con hiếu thảo.

Một ngày cuối năm 2018, chị gọi cho tôi bảo từ nay tạm thời em gửi tin bài online cho Tổng Biên tập duyệt. Lo sức khỏe chị có vấn đề, hỏi thăm thì chị bảo ổn, chỉ là đi Mỹ thăm người thân và nhờ chuyển lời đến mọi người rằng chị ổn lắm.

Chị đi rồi về, về rồi lại vào viện cấp cứu, phẫu thuật…

Một năm trước kể từ ngày phát hiện bệnh, chị đã tự mình chuẩn bị cho chuyến đi xa, tất nhiên không phải chuyến đi Mỹ nói trên mà là chuyến đi để rồi không về nữa.

Ngày đó, chị giấu không cho ai biết tin đồng thời tự xoay xở mọi việc. Trên trang cá nhân, thi thoảng chị có những dòng chia sẻ lạc quan, yêu đời kèm tấm ảnh với nụ cười tươi, thân thiện, khi thì một tấm hình về loài hoa nào đó, đẹp và tươi tắn lắm. Đọc những dòng chia sẻ của chị hiểu như chị đang tự dặn mình không thua cuộc trước bất kỳ cuộc chiến nào mà ở đây là cuộc chiến sinh – tử.

Sau một thời gian dài chống chọi, chịu đựng những ca phẫu thuật, cái thân hình nhỏ thóp lại thôi, thêm cái khăn chít trên đầu che đi sự tàn phá của hóa chất chứ nụ cười lạc quan thì vẫn vậy.

Một năm không quá dài nhưng 365 ngày chiến đấu với bệnh tật quả là quá sức đối với cơ thể ngày một ốm yếu như chị.

Cũng trước Tết này, chị gọi bảo để soạn ít sách văn học nhờ em gửi cho thư viện nào đó ở vùng sâu để bọn trẻ có cái mà đọc. Nghe giọng chị yếu lắm, tôi ậm ờ bảo chị cứ lo cho sức khỏe của mình khi nào khỏe hẵng làm. Chị trả lời khiến tim tôi thắt lại: Không sao đâu, trong chị giờ đã có morphine.

Giờ này, trang cá nhân của mấy đứa em đồng nghiệp trách yêu chị vì đã thất hứa, hẹn tuần nữa cà phê, vậy mà.

Lại nhớ mùa thi THPT quốc gia năm trước, tôi cùng chị lên kế hoạch cho tin bài online. Lúc đó tôi ở Phú Yên. Chị thì Sài Gòn. Trao đổi qua tin nhắn, chị em có bất đồng ý kiến vì tôi cho rằng việc chị sắp xếp tin bài giữa vùng miền như thế là chưa ổn. Chị khăng khăng mình đúng nhưng lát sau chị nhắn xin lỗi và dừng lại cách làm ấy.

Chị ơi, mùa thi nữa sắp đến rồi!

Chỉ hai ngày trước thôi, tôi biên tập bài xong gửi chị duyệt, nhắn tin không trả lời, gọi cũng không nhấc máy. Biết chuyện không lành, hỏi thì nghe tin dữ: Chắc lần này chị Cơ không qua khỏi. Thì ra trước đó, chị đã nhờ em đồng nghiệp đi làm cho tấm hình thờ. Thương xót chị mà không đành làm để rồi sáng nay em phải đi làm việc mà chẳng ai muốn.

Sáng nay đến nhà, má chị kể rằng lúc mới sinh chị đẹp như hoa. Lớn lên là hoa khôi của Trường THPT Trần Khai Nguyên. Tiếc rằng con đi ở tuổi 50, còn quá trẻ và dở dang bao dự định. “Nó lì lắm, không cho ai biết điều gì, một mình lo lấy. Hay tin nó hấp hối, má chạy vào thì nó còn cười vẫy tay chào má rồi mới đi”, bà nghẹn ngào.

Lằn ranh sinh – tử mong manh quá, thôi thì chị đi nhé. Mọi người ở đây xem như chị đang có một chuyến công tác xa.

Trn Tuy An

 

Bình luận (0)