Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua và đại diện ngành Điện ảnh VN thăm nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn khi ông nằm trên giường bệnh. Ảnh: AN DUNG |
Bây giờ, xem các phim tài liệu trong nước và nước ngoài về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người đều yêu quý những thước phim lịch sử: Bác tập võ, cưỡi ngựa, tắm bên suối, thăm nông dân… và tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 tại Việt Bắc. Những thước phim đó do nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn thực hiện.
Cuối năm 1950, từ Khu 9 (miền Tây Nam bộ) ông được điều ra Việt Bắc để quay phim Đại hội Đảng toàn quốc. Trước ngày lên đường, Nguyễn Thế Đoàn được các đồng chí lãnh đạo dặn dò rất kỹ: ngoài nhiệm vụ được giao, ráng xin quay một số cảnh sinh hoạt của Bác Hồ để đồng bào Nam bộ thấy rõ Người.
Từ Cách mạng Tháng Tám đến lúc đó, đồng bào Nam bộ chỉ thấy một tấm hình Bác trông gầy và không được khỏe. Bây giờ bà con muốn thấy rõ Người đi lại, hoạt động để yên lòng. Thế là Nguyễn Thế Đoàn lại nhận thêm một nhiệm vụ không kém phần quan trọng: quay phim về Bác để phục vụ đồng bào Nam bộ.
Nguyễn Thế Đoàn (tên thật là Nguyễn Văn Nghiệp) sinh vào năm Bác Hồ rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (1911) tại xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ngay từ lúc đi học, ông thích vẽ và chụp hình. Được gia đình khuyến khích ông lên Phnôm Pênh (Campuchia) vừa học nghề, vừa tham gia cách mạng.
Ngày 10-6-1930, ông được kết nạp Đảng tại Đặc ủy lâm thời của Đảng tại Phnôm Pênh. Hai tháng sau ngày vào Đảng, ông tham gia treo cờ búa liềm và bị bắt đưa về Khám lớn Sài Gòn. Tháng 3-1931 ông được thả và buộc rời khỏi Campuchia.
Trở lại Châu Đốc, Nguyễn Thế Đoàn tìm bắt liên lạc với Đảng, hoạt động ở Rạch Giá. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được giao nhiệm vụ làm công an và là huyện ủy viên lâm thời. Sau khi học lớp chính trị cùng đồng chí Võ Văn Kiệt, năm 1947 Nguyễn Thế Đoàn được điều về Chắc Băng mở lớp dạy chụp ảnh cho bộ đội và các tỉnh Khu 9.
Nguyễn Thế Đoàn là một trong những người cầm máy quay phim đầu tiên ở Khu 9. Chính ủy Bộ chỉ huy Khu 9 Phan Trọng Tuệ lúc đó rất ngạc nhiên khi được xem một đoạn phim “Trận Mộc Hóa”. Ông gặp Nguyễn Thế Đoàn và quyết định cấp kinh phí lập “Tổ xi-nê Khu 9”. Ngày 2-4-1949 tổ ra mắt, Nguyễn Thế Đoàn được cử làm tổ phó phụ với người tổ trưởng mới từ Sài Gòn ra căn cứ.
Trong hoàn cảnh rất khó khăn “Tổ xi-nê Khu 9” đã dũng cảm đi theo các đơn vị bộ đội ghi hình. Máy quay phim thì mua ở Sài Gòn, song in tráng, máy chiếu phim đều do sáng kiến của tổ lắp ráp để phục vụ nhân dân vùng giải phóng.
Riêng Nguyễn Thế Đoàn đã có nhiều phim như “Mặt trời lên”, “Con vịt bơi”, “Nhà in kháng địch”, “Xưởng dệt Ngan Trâu”, “Trại bổ túc quân sự”, “Binh công xưởng Khu 9”, “Trận Bố Thảo”, “Chiến dịch Sóc Trăng”, “Đoàn quân xuyên Tây”…
Cuối năm 1950, Trung ương chuẩn bị mở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 ở Việt Bắc. Một bộ phận của “Tổ xi-nê Khu 9” được điều ra Việt Bắc để ghi hình Đại hội Đảng – trong lúc ở Việt Bắc chưa có người quay phim. Đoàn gồm nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn, họa sĩ Lê Minh Hiền và Nguyễn Thế Dân (sau đó bệnh phải ở lại).
Đoàn tháp tùng cùng với đồng chí Võ Văn Kiệt, họa sĩ Diệp Minh Châu… Đoàn phải đi bộ xuyên qua đất Campuchia và Thái Lan để đến Bangkok, đi máy bay đến Trung Quốc rồi về Việt Bắc. Lúc đầu Nguyễn Thế Đoàn mang theo một máy quay phim Spécial Kodak 16 ly và 2 cuộn phim. Đến Bangkok thì có lệnh đưa máy và phim về Nam bộ để đi quay các chiến dịch, sẽ cấp máy mới và 50 cuộn phim cho đoàn khi đến Việt Bắc.
Ba ngày sau khai mạc đại hội thì Nguyễn Thế Đoàn nhận được một máy Bell Hoovell và 50 cuộn phim Kodak. Ông bắt tay vào quay ngay đại hội cho đến ngày bế mạc. Đại hội Đảng kết thúc, Nguyễn Thế Đoàn lại tiếp tục quay đại hội Mặt trận Liên Việt toàn quốc và một số hoạt động chính trị.
Sau đó theo đề nghị của đoàn quay phim và được Trung ương chấp nhận, Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền và Diệp Minh Châu được đến làm việc bên cạnh Bác Hồ. Diệp Minh Châu vẽ Bác Hồ, Nguyễn Thế Đoàn quay phim. Riêng anh Lê Minh Hiền ngoài việc giúp Nguyễn Thế Đoàn còn được chọn “làm mẫu” đóng vai đối phương để Bác chỉ cách luyện võ.
Nguyễn Thế Đoàn vác máy đi theo Bác thăm dân công, kiểm tra kho vũ khí, giảng bài, thăm Cao Bằng, nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ… Bác đi ngựa, đi bộ, lội suối, băng rừng… đều được Nguyễn Thế Đoàn ghi hình một cách cẩn thận. Sau đó, Nguyễn Thế Đoàn và Lê Minh Hiền được đi Trung Quốc tráng phim. Do ánh sáng trong rừng không tốt, Nguyễn Thế Đoàn đã tự tay pha thuốc và tráng từng cuộn phim theo phương pháp thủ công nên 50 cuộn phim đều khá rõ.
Tháng 5-1952, Nguyễn Thế Đoàn và Lê Minh Hiền đi bộ suốt 16 tháng ròng trở về Nam bộ. Những thước phim và hình ảnh ghi ở Việt Bắc được chiếu và triển lãm cho đồng bào Nam bộ xem. Lần đầu tiên nhiều bà con – trong đó có cả bà con từ nội đô ra vùng ven – mới thấy được hình ảnh Bác Hồ. Bà con rất xúc động khi thấy Bác mạnh khỏe, năng động và gần với dân, với bộ đội. Sau Hiệp định Genève 1945, Nguyễn Thế Đoàn tham gia Ủy ban Liên hợp đình chiến, được đi công tác ở Hà Nội rồi lại trở về Nam bộ, tập kết ra Bắc…
Những đoạn phim quý của Nguyễn Thế Đoàn được sử dụng trong phim Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và nhiều phim trong nước và ngoài nước. Những tấm ảnh quý của Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền, Diệp Minh Châu do Đinh Đăng Định chụp tặng Nguyễn Thế Đoàn đã được công bố. Bây giờ chúng ta mới biết rõ về thân thế và công lao to lớn của nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn. Ông là người có công lớn, là niềm tự hào của nền điện ảnh kháng chiến Nam bộ, của nền điện ảnh Việt Nam.
Gần 80 năm tham gia Đảng Cộng sản và gần 60 năm trong nghề điện ảnh, Nguyễn Thế Đoàn là một người lính cầm máy quay phim đã giữ lại cho chúng ta những hình ảnh vô giá về Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc.
Vĩnh biệt Nguyễn Thế Đoàn, chúng ta trân trọng ghi công ông – một trong những nhà quay phim đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Đinh Phong (Theo SGGP)
Bình luận (0)