Ngày 7-6, tin từ Sở GD-ĐT TPHCM, nhà giáo Đàm Lê Đức đã từ trần ngày 6-5, hưởng thọ 91 tuổi. Nhà giáo Đàm Lê Đức sinh ngày 9/1/1932, quê quán tại Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Bà được biết đến là người thầy đã gắn bó, dìu dắt, thậm chí là cảm hóa rất nhiều thế hệ học sinh TP.HCM qua những bài giảng về Đức Dục – dùng tình yêu thương để giáo dục học sinh.
Bà cũng được xem là người thầy đầu tiên đưa phương pháp đức dục – giáo dục bằng tình yêu thương, nền nếp vào trong từng bài học.
Năm 13 tuổi bà từng phải nghỉ học do nhà nghèo, đến năm 18 tuổi bà trở thành chủ cửa hàng may đông khách, nhưng khao khát mãnh liệt vẫn luôn là được đi học lại. Và cuối cùng ở tuổi 23, bà đã quay lại với sách vở. Hai năm học nhảy hai cấp lớp, đến năm 1956 bà là sinh viên khoa Toán khóa đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp. Trở thành cô giáo dạy toán theo đúng mơ ước từ bé, nhà giáo Đàm Lê Đức đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học.
Với tình yêu thương, nhà giáo Đàm Lê Đức đã sáng lập hệ thống bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng và Trường THCS và THPT Đức Trí. Phương châm của bà là rèn luyện học sinh cả đức dục, trí dục, chuẩn bị hành trang sẵn sàng cho thế hệ trẻ bước vào đời.
Hình ảnh người giáo viên già ở tuổi “xưa nay hiếm” với tà áo dài vẫn miệt mài đứng lớp, bền bỉ với những bài giảng dạy học sinh về đạo đức, nhân cách đã trở thành hình ảnh đẹp mà không bút mực nào tả được về sự hy sinh thầm lặng và tình yêu thương, trách nhiệm của nghề giáo dành cho học sinh.
Bằng sự mộc mạc, ân cần và cái tâm trong mỗi bài giảng, nhà giáo Đàm Lê Đức đã không chỉ cảm hóa và giáo dục học sinh mà còn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ giáo viên thành phố.
TS. Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, Phân viện TP.HCM) cho biết, bản thân bàng hoàng khi nghe tin nhà giáo Đàm Lê Đức đã ra đi. TS. Thuý từng tin tưởng gửi gắm cả hai con theo học THCS tại Trường THCS- THPT Đức Trí.
“Đến bây giờ, các con vẫn nhắc hoài về những bài học đạo đức mà nhà giáo Đàm Lê Đức kể vào mỗi sáng thứ 2 chào cờ đầu tuần. Những bài giảng của nhà giáo Đàm Lê Đức không chỉ dạy học sinh về tri thức, nhân cách mà còn truyền cảm hứng cho tôi và rất nhiều người làm giáo dục khác. Giáo dục bằng chính tình yêu thương, nghiêm trị bằng tình yêu thương, từ đó giúp học sinh nhận ra sai lầm của mình và sửa sai”, TS. Phạm Thị Thúy rưng rưng.
Kể lại câu chuyện giáo dục bằng tình yêu thương, cô Nguyễn Thu Hường (giáo viên một trường THCS tại huyện Hóc Môn) cho hay, cách đây nhiều năm trong một lần tình cờ xem được trên youtube về bài giảng đức dục của nhà giáo Đàm Lê Đức, cô đã bật khóc và nhận ra rằng bản thân mình phải thay đổi trong phương pháp giáo dục của mình.
“Làm giáo dục nhưng đôi khi tôi thiếu kìm chế cảm xúc cá nhân của mình và mang những cảm xúc tiêu cực đó vào trong tiết học, nghĩ rằng điều đó là tốt với học sinh, giúp các em tiến bộ, học tập tốt hơn. Dù vậy, phương pháp giáo dục này khiến tiết học trở nên trầm lắng, học sinh thì sợ sệt. Sau khi xem được video bài gảng của nhà giáo Đàm Lê Đức tôi đã tự ngẫm lại và thay đổi hoàn toàn. Mỗi lần học trò chưa ngoan tôi lại nhớ đến bài giảng của cô Đức và áp dụng. Qua bao nhiêu năm, nhưng giá trị bài giảng của cô Đàm Lê Đức vẫn con nguyên giá trị, giúp tôi trở thành một nhà giáo đúng mực nhất”, cô Hường bày tỏ.
Yến Hoa
Bình luận (0)