Y tế - Văn hóaThư giãn

Vĩnh biệt tác giả Em đến thăm anh một chiều mưa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
 Nhạc sĩ Tô Vũ, một trong những cây đại thụ của tân nhạc Việt Nam, vừa qua đời lúc 3g30 sáng 13/5/2014, hưởng thọ 91 tuổi.
Theo lời con gái nhạc sĩ, ông đã phải nhập viện điều trị chứng xuất huyết bao tử và các chứng bệnh tuổi già từ cuối tháng Hai. Dù các bác sĩ của Bệnh viện quân dân Miền Đông lẫn Bệnh viện Thống Nhất đã tận tình cứu chữa nhưng bệnh tình của ông liên tục chuyển biến xấu. Đến ngày 12/5, ông được đưa về nhà, qua đời trong vòng tay của người thân.
Nhạc sĩ Tô Vũ tên thật là Hoàng Phú, sinh ngày 9/4/1923 tại phủ Lạng Thương (Bắc Giang). Mẹ mất sớm, cha đi làm ăn xa, nên từ khi còn nhỏ, ông đã cùng bốn người anh em ruột chuyển đến sinh sống tại Hải Phòng. Trong số các anh em, ông và anh trai Hoàng Quý (tác giả ca khúc Cô láng giềng nổi tiếng) đặc biệt say mê âm nhạc nhưng vì nhà nghèo, chỉ được học lóm nhạc từ bà Leprêtre, chủ cửa hiệu nhạc cụ Orphée. Sớm nhận ra khả năng của học trò, thầy giáo Ngô Đình Hộ (nhạc sĩ Lê Thương) đã khuyến khích ông đi theo “âm nhạc cải cách”.
Năm 16 tuổi, ông tham gia nhóm Đồng Vọng do anh trai Hoàng Quý sáng lập, cùng với những người bạn như Phạm Ngữ, Canh Thân, Văn Cao tập hợp thanh niên, cổ xúy tân nhạc Việt Nam qua những sáng tác ca ngợi quê hương đất nước, truyền thống anh hùng của dân tộc.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông cùng anh trai tham gia Việt Minh, tiếp tục sáng tác những khúc ca yêu nước, cổ động toàn dân tham gia kháng chiến. Năm 1946, nhạc sĩ Hoàng Quý qua đời ở tuổi 26 vì bệnh nan y, Hoàng Phú quyết định ở lại Hải Phòng chăm sóc các em và tiếp tục hoạt động cách mạng dù ông được học bổng du học tại Pháp.
Năm 1947, ông viết ca khúc để đời Em đến thăm anh một chiều mưa để tặng người nữ chiến sĩ cứu thương. Về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, ông từng cho biết, năm đó đơn vị của ông tiếp nhận ba nữ chiến sĩ cứu thương bị lạc đơn vị. Sau vài tháng, các cô phải trở về đơn vị cũ. Khi chia tay, hai bên hẹn sẽ thăm nhau vào mỗi Chủ nhật. Một chủ nhật trời mưa, ông không thể sang thăm. Mãi đến chiều, trời vẫn mưa nhưng người nữ cứu thương ấy đã đội mưa đến thăm ông, “Mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu”.
Ngoài nhạc phẩm trên, ông từng có nhiều sáng tác in dấu trong lòng công chúng nhiều thế hệ như Tạ từ, Cấy chiêm, Tiếng chuông chiều thu… nhưng sự nghiệp âm nhạc của ông lại chủ yếu là các hoạt động nghiên cứu, lý luận, giảng dạy.
Ông từng là Thư ký Đoàn nhạc sĩ Liên khu III, đại biểu giới Văn nghệ Khu III. Năm 1952, ông cùng nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lê Yên, Thế Lữ xây dựng Đoàn văn công nhân dân Trung ương. Ông là một trong những người đầu tiên xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện nay), xây dựng hệ thống giảng dạy môn âm nhạc cho Trường Sư phạm Nhạc Họa rồi trở thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc tại TP.HCM.
Tuy học nhạc Tây, khởi đầu với cây đàn violin và tích cực hoạt động trong việc khuếch trương tân nhạc, nhưng Tô Vũ chưa bao giờ quên âm nhạc dân tộc. Ông đã dành thời gian nghiên cứu, tự học và viết nhạc cho sân khấu cải lương, tuồng, chèo, múa rối, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về chèo, cồng chiêng, đàn đá, âm nhạc dân gian Việt Nam.
Năm 2001, Giáo sư, nhạc sĩ Tô Vũ đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật.
Lễ viếng nhạc sĩ Tô Vũ bắt đầu từ 8g – 15g, ngày 14/5/2014 tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ truy điệu diễn ra lúc 17g cùng ngày, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Theo PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)