Cô giáo Lê Thị Nhung |
Luôn tâm huyết với nghề, nặng lòng với những học trò thân yêu của mình, họ – những “kỹ sư tâm hồn” không chỉ biết có giảng dạy trên bục giảng mà còn “sát cánh” với từng học trò như người thân trong gia đình để tìm ra phương pháp dạy tốt, mang lại hiệu quả cao nhất. Và họ đã vinh dự được ngành GD-ĐT trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản năm 2009.
Không chỉ dạy chữ mà còn hướng nghiệp
Ngay từ nhỏ, cô học trò Lê Thị Nhung luôn khao khát được làm kỹ sư hóa, nhưng vì điều kiện cô đành “rẽ ngang” và trở thành giáo viên. Từ đó đến nay, cô giáo họ Lê (Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh) vẫn “nặng lòng” với những đứa học trò của mình như một cái duyên với nghề. Tốt nghiệp ra trường, được phân công về dạy tại Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi (Q.2). Dạy được 3 năm, cô Nhung được chuyển về Trường THCS Lê Văn Tám cho đến nay. Công tác được 26 năm trong ngành, cô Nhung được nhiều người biết đến không chỉ vì tình yêu nghề mà còn “nổi tiếng” trong trường với những giờ sinh hoạt chủ nhiệm khác lạ đem lại sự hứng thú trong học tập cho học trò mình.
Một lần xem chương trình giáo dục của Mỹ trên truyền hình, cô Nhung trăn trở với một câu hỏi của chính mình: “Làm thế nào để học trò năng động, tìm thấy đam mê thực sự trong mỗi tiết học?”. Suy nghĩ mãi, cuối cùng cô cũng tìm ra được “phương pháp” cho riêng mình: Tạo cho HS sự hứng thú trong học tập bằng cách phân công từng nhóm đọc báo trong tuần. Đến cuối tuần trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm, HS sẽ tự nêu lên vấn đề nào đang được chú ý sau khi đọc báo và đưa ra thảo luận với nhau, sau đó cho từng HS phát biểu cảm nhận về vấn đề đó rồi cô gút lại và đúc kết những điều mà HS đọc được.
Vì là giáo viên chủ nhiệm năm cuối cấp (lớp 9/6) nên ngoài việc thảo luận, cô Nhung dành ra khoảng thời gian để lắng nghe học trò tâm sự về chuyện học của mình và từ đó cô hướng cho từng em theo nghề nào trong tương lai.
26 năm không ngừng phấn đấu, sáng tạo phương pháp giảng dạy, cô đã vinh dự nhận được bằng khen của bộ về bồi dưỡng giáo viên đạt loại xuất sắc (chu kỳ 1); Huy hiệu TP.HCM. Trước đó cô cũng đạt giải giáo viên giỏi cấp quận và là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền… Thế nhưng, niềm vui lớn nhất của cô giáo Lê Thị Nhung lúc này là được “sát cánh” cùng những “đứa con” trong tập thể lớp 9/6 chuẩn bị thi cuối cấp.
Trăn trở với học trò GDTX
Thầy giáo Nguyễn Trần Bảo Long |
Có thể nói thầy Nguyễn Trần Bảo Long – Phó giám đốc TTGDTX Phú Nhuận là niềm tự hào của ngành GDTX quận và thành phố. Thầy được đồng nghiệp, bạn bè kính trọng, phụ huynh, học trò tin yêu không chỉ là một giáo viên dạy giỏi, có nhiều kinh nghiệm mà hơn hết là 10 năm trong nghề thầy luôn luôn sống chan hòa với tất cả những thế hệ học trò đến với trung tâm.
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM Khoa Sử năm 1998, thầy giáo trẻ Nguyễn Trần Bảo Long không về quê ở Vũng Tàu mà “quyết” ở lại với sự nghiệp trồng người ngay trên mảnh đất đã đào tạo thầy. Được phân công về TTGDTX Phú Nhuận, ngay từ buổi đầu thầy giáo Long đã gặp không ít “chướng ngại vật” bởi “học trò ở trung tâm có nhiều đối tượng: HS có đầu vào thấp, HS quậy, công nhân viên chức lớn tuổi…”. Nhưng với lòng nhiệt huyết, thầy Long đã đặt ra phương châm: “Mỗi HS không chỉ là học trò của mình, mà còn là người bạn, người con… nên ngoài việc truyền đạt kiến thức trên bục giảng tôi còn là người bạn luôn chia sẻ, động viên và đôi lúc lại hóa thân vào một người anh rất nghiêm khắc với từng HS của mình”.
Dù có nhiều giải thưởng cấp thành phố và quận nhưng với thầy Long niềm hạnh phúc, vinh dự lớn nhất là đã có nhiều thế hệ HS được thầy dày công chăm sóc, vun trồng nay đã trưởng thành với nhiều nghề nghiệp khác nhau.
Gần 20 năm say mê giáo án và bục giảng
Ngay từ khi mới bước chân về Trường TH Phan Chu Trinh, Q.Gò Vấp, TP.HCM công tác, cô giáo Hoàng Thị Minh Nguyệt đã bắt đầu tỏa sáng khi tham gia các hội thi giáo viên giỏi cấp quận và TP. Gần 20 năm qua, niềm say mê từ giáo án và bục giảng vẫn cuốn hút cô để đến hôm nay cô Nguyệt lại như càng tỏa sáng hơn khi “viết tên mình” vào danh sách các giáo viên đoạt giải Võ Trường Toản do Sở GD-ĐT TP.HCM khen tặng năm 2009.
Năm 1992, mới về Trường TH Phan Chu Trinh nhận công tác dù biết trường đang có phong trào bồi dưỡng giáo viên giỏi nhưng cô giáo sinh trẻ vẫn chưa đủ tự tin để tham gia. Thế nhưng không phải đợi lâu, ngay năm sau Minh Nguyệt bắt đầu thử sức. Nào ngờ năm đầu tiên dự thi cũng là năm đầu tiên cô đoạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp quận. Đã có đủ tự tin, vài năm sau Minh Nguyệt đã đoạt thêm danh hiệu giáo viên giỏi cấp TP.
Có gia đình và hai con nhỏ tuy vài năm bị gián đoạn trong phong trào thao giảng, hội thi nhưng cô giáo dạy khối 3 vẫn không bỏ quên chuyện “rèn giũa” nâng cao trình độ. Dù dạy theo phương pháp truyền thống hay hiện đại, cô khối trưởng khối 3 vẫn tìm tòi những ý tưởng sáng tạo để thổi hồn vào trong bài giảng của mình. Những giờ học của cô Minh Nguyệt cuốn hút các em bởi lời giảng thường kết hợp với lời kể, không còn khoảng cách biệt giữa người truyền thụ và người tiếp nhận tri thức. Sự thân thiện đó đã giúp các em dạn dĩ và tích cực hơn trong giờ học.
Niềm đam mê đã giúp đứng vững với nghề
Cô Hoàng Thị Minh Nguyệt cùng các em HS |
Gặp cô, tôi hỏi: “Hơn nửa đời người làm nghề “đưa đò” đã cho cô được gì?”. Cô cười rồi đáp lại với niềm hãnh diện: “Nghề giáo đã cho tôi nhiều lắm! Một công việc cao quý với mức lương đủ sống, được làm việc với những đồng nghiệp hàng ngày ươm mầm cho thế hệ tương lai và hơn hết là tôi được sống với niềm đam mê dạy học của mình”, cô Trần Thị Lài, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp) tâm sự.
Ra trường năm 1982, cô bắt đầu bước vào nghề giáo tại Trường cấp I, II Trần Văn Ơn (Gò Vấp), đến năm 1995 tách trường, cô được chuyển về Trường THCS Nguyễn Du và công tác ở đó cho đến nay. Cuộc sống khó khăn nhưng cô vẫn bám nghề và dạy tốt. Với chuyên môn là dạy địa lý, cô luôn ý thức phải mang lại những bài học sinh động nhất cho lớp học. Vì vậy, phương pháp của cô là dạy lý thuyết xen với những bài giảng bằng trực giác quan sát trên bản đồ, biểu đồ. Song song đó, cô luôn cung cấp cho học sinh của mình tiếp cận với những tài liệu liên quan đến bài giảng mà cô sưu tầm được. Không ít học sinh từ chỗ chán học môn địa lý trở nên thích thú. Kết quả là môn địa lý của cô phụ trách luôn có trên 90% học sinh đạt học lực khá giỏi. Đánh dấu cho những cố gắng đó, cô đã được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp quận nhiều năm liền; năm học 2009-2010 cô đoạt giải thưởng Võ Trường Toản. Và, hơn hết cô đã góp phần xây dựng được tinh thần học tập của các học sinh đưa nhà trường ngày càng đi lên. Đến bây giờ, cô thừa nhận: “Cách đây hơn 20 năm về trước, có những lúc tôi muốn bỏ nghề vì cuộc sống khốn khó của đồng lương giáo viên. Nhưng rồi, bằng niềm yêu nghề đã giúp tôi chiến thắng tất cả những cám dỗ của cuộc sống để đứng vững trên bục giảng. Hiện tại với công việc của một giáo viên, tôi chỉ biết cố gắng hết mình vì lũ học trò. Và chỉ có lớp học mới là niềm vui chính của tôi”.
Nguyên hải – Ngọc Quang – Văn Mạnh
Bình luận (0)