12 giờ ngày 29/5, khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân Huỳnh Thị Bích Chi, 17 tuổi do trước đó ăn thịt cóc. Sau gần 5 giờ cấp cứu bệnh nhân đã tử vong.
Sáng 1/6, Bác sĩ La Văn Phương, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Khi nhập viện, bệnh nhân huyết áp ổn định, nôn ói nhiều, mạch chậm. 15h40 bệnh nhân đột ngột ngưng tim. Các bác sĩ tập trung cứu chữa, tim đập trở lại. Tuy nhiên 17h50 cùng ngày bệnh nhân đã tử vong.
Chị Phan Thị Trinh (1971, ở ấp Phú Thành, Tân Phú, Tam Bình, Vĩnh Long) mẹ của nạn nhân Huỳnh Thị Bích Chi sau đó cũng cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ, và em gái Chi là Huỳnh Thị Trúc Mai (24 tháng tuổi) cũng được cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Do Trúc Mai còn nhỏ tuổi, chỉ ăn chút nước cháo, mức ngộ độc thấp. Sau 4 ngày điều trị cả hai mẹ con đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn ở lại bệnh viện để các bác sĩ theo dõi.
Chị Phan Thị Trinh đang điều trị tại bệnh viện ĐKTW Cần Thơ
Chị Trinh kể lại, tối 28/5, con gái lớn là Huỳnh Thị Bích Chi bắt được 3 con cóc, sáng hôm sau đem làm thịt nấu cháo cả nhà cùng ăn. Do không biết cách làm thịt cóc và không hiểu về độc tố trong trứng cóc, mủ cóc nên Chi đã lấy cả trứng cóc cho vào nấu cháo. Vài giờ sau khi ăn, Bích Chi bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy…
Biết là đã bị ngộ độc thịt cóc nên Chi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Minh, Vĩnh Long. Hai giờ sau tình trạng sức khỏe nguy cấp thêm, các bác sĩ ở đây đã chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, nhưng không qua khỏi.
Thịt cóc ngon, bổ, chứa nhiều đạm. Nhưng ở da, gan, trứng cóc chứa nhiều độc tố nguy hiểm. Nếu không biết cách làm, để lẫn, sót và dính các độc tố vào thịt thì khi ăn sẽ bị ngộ độc. Đây không phải là trường hợp đầu tiên cấp cứu và chết vì ăn thịt cóc.
Phạm Tâm (dantri)
Bình luận (0)