Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vình Long: Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sáng 13-9-2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa (13-9-1913/ 13-9-2023) – người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà khoa học lỗi lạc đã cống hiến trọn đời  cho khoa học và cách mạng.


Ông Bùi Văn Nghiêm – Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Minh Triết –  nguyên Chủ tịch nước; ông Nguyễn Tấn Dũng – nguyên Thủ tướng Chính phủ; ông Trương Hòa Bình – nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Thiện Nhân – nguyên Bí thư Thành ủy TP. HCM; ông Trần Văn Rón – Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Võ Minh Lương – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; cùng lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL; Mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân gia đình Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Bùi Văn Nghiêm – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Theo đó, Thiếu tướng tên là Phạm Quang Lễ, xuất thân trong một gia đình nhà giáo đạo đức, giàu lòng nhân ái, tại làng Chính Hiệp, quận Tam Bình (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Cha là ông Phạm Văn Mùi, mẹ là bà Lý Thị Diệu.


Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm

Từ mái ấm này đã hình thành cậu Phạm Quang Lễ không chỉ là học sinh xuất sắc ở mọi cấp học mà còn rất giàu lòng yêu nước, thương dân. Do vậy sau khi đậu vào Trường Đại học Quốc gia Cầu đường Paris, trong quá trình học tập nơi xứ người, Phạm Quang Lễ đã quyết tâm học tập để sau này giúp ích cho quê hương, đất nước. Ngoài chương trình học tập trên lớp, người thanh niên yêu nước còn  nghiên cứu, học thêm về chế tạo vũ khí và hàng không quân sự. Sau khi tốt nghiệp, Phạm Quang Lễ được giữ lại làm việc tại Pháp và Đức.


Sáng cùng ngày, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương – tưởng niệm tại Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Năm 1946, Kỹ sư Phạm Quang Lễ và một số nhà trí thức yêu nước được gặp Bác Hồ và cùng với Bác Hồ cập bến Ngự – Hải Phòng về nước tham gia kháng chiến chống Pháp; từ bỏ con đường công danh, phú quý rộng mở để gắn bó với cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên mới cho Phạm Quang Lễ là Trần Đại Nghĩa và giao nhiệm vụ làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới. Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, kỹ sư Trần Đại Nghĩa lên chiến khu Việt Bắc trực tiếp chỉ đạo sản xuất các loại vũ khí như: Lựu đạn, súng phóng lựu đạn, cối 80,8mm, Ba-dô-ca, SKZ…


Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long

Năm 1948, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa trở thành 1 trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và cũng là Thiếu tướng đầu tiên của ngành quân giới ở tuổi 35. Năm 1952, tại đại hội thi đua toàn quốc lần thứ nhất, Thiếu tướng  được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”. Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam. Được phân công đảm nhiệm các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Chuyên nghiệp Bách Khoa, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng…


Ban tổ chức trao giải cho những tác giả đạt giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa lần thứ 9, năm 2022 – 2023

Năm 1966, đồng chí Trần Đại Nghĩa giữ các chức vụ: Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng phụ trách về kỹ thuật quốc phòng; được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Năm 1983, đồng chí được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam… Những cống hiến của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã để lại dấu ấn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, những sản phẩm của ngành quân giới Việt Nam; đặc biệt là súng Ba-dô-ca, đạn hỏa tiễn OF, đạn chống tăng AT, súng không giật SKZ, được sản  xuất. Đồng chí còn nghiên cứu tìm ra các giải pháp kỹ thuật khắc phục thủ đoạn gây nhiễu của địch trên rađa, giúp phát hiện rõ máy bay B-52 để điều khiển tên lửa SAM-2 bắn trúng mục tiêu… Cùng với việc tổ chức và trực tiếp tham gia sáng chế, cải tạo nhiều vũ khí tiên tiến, đồng chí còn dành thời gian nghiên cứu, biên soạn nhiều tác phẩm, tài liệu về vũ khí quốc phòng và các công trình có giá trị khoa học khác. Với những đóng góp to lớn cho ngành quân giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa danh hiệu “Ông Phật làm súng”.


Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan “Con đường nghệ thuật gốm đỏ” Vĩnh Long năm 2023

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm  cho biết:  Thực hiện những lời dặn dò chân tình của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng,  AHLĐ Trần Đại Nghĩa lúc sinh thời, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã phát huy truyền thống yêu nước đoàn kết, quyết tâm phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.  Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát  nền kinh tế thấp, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng  yếu kém, đời sống người dân rất khó khăn; đến nay, Vĩnh Long đạt tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh,  KT-XH có nhiều chuyển biến tích cực: Đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra; nền kinh tế tăng hơn 33% so năm 2020, GRDP tăng bình quân 6,18%/năm (Nghị quyết đề ra 6%); đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người  đạt gần 77 triệu đồng (Nghị quyết đề ra đến năm 2025 đạt 82,6 triệu đồng). Hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới trước 2 năm (giai đoạn 2020 – 2025), bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Các chỉ tiêu quan trọng về thu ngân sách, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, kim ngạch xuất khẩu tăng khá…

Với những thành tựu đạt được, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động hạng Nhất: “Những thành tích đạt được là nhờ  sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của BCH/TW Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị; sự ủng hộ của người dân, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp… Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi xin trân trọng cám ơn và mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của BCH/TW Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; sự ủng hộ của người dân, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp; và quyết tâm nhiều hơn nữa của các cấp uỷ đảng, chính quyền và cán bộ, chiến sĩ tỉnh nhà để đưa Vĩnh Long ngày càng phát triển” – Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long xúc động bày tỏ.

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, AHLĐ Trần Đại Nghĩa, những ngày qua tỉnh Vĩnh Long  đã tổ chức nhiều sự kiện như: Hội thảo khoa học “Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa: Nhà khoa học – quân sự tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; trao học bổng cho học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc; tổng kết cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Trao 35 giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa;  đặc biệt là  khai mạc “Con đường nghệ thuật gốm đỏ” Vĩnh Long năm 2023, tọa lạc trên tuyến đường nối Võ Văn Kiệt và Phạm Hùng, thuộc phường 9, TP Vĩnh Long Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Festival Nông sản Việt Nam – Vĩnh Long năm 2023 diễn ra từ ngày 11 đến 17-9, nhằm quảng bá sản phẩm, tác phẩm gốm, bảo tồn và khai thác các lò gạch truyền thống trên địa bàn huyện Mang Thít – nơi là điểm nhấn để phát triển du lịch, cũng như bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng. Được thiên nhiên ưu đãi khi nằm ở ngã ba giữa 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu, thuộc hạ nguồn sông Mê Kông – con sông  mang theo phù sa  đã đem đến cho vùng đất và người dân  nơi đây những mỏ đất sét quý giá, tạo thành nghề sản xuất gạch gốm  với màu sắc đặc trưng đã có trên 100 năm. “Con đường nghệ thuật gốm đỏ” là tâm huyết của thế hệ đi sau mong muốn giữ gìn một làng nghề truyền thống  chỉ có trên vùng đất này, và những sản phẩm từ “vương quốc gốm đỏ”  mang nền văn hóa Vĩnh Long này sẽ ngày càng đi xa và phát triển.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)