Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vĩnh Long: Tăng cường công tác bảo vệ sức khỏe cho người dân

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 25-9-2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp Sở Y tế tỉnh tổ chức Hội nghị Báo cáo viên và Dư luận xã hội tỉnh Vĩnh Long tháng 9-2024, với chuyên đề “Về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân” bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Trang – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long, phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, đại biểu được nghe các chuyên gia trình bày tham luận, chuyên đề về các nội dung: Những tiến bộ trong tiếp cận và điều trị đột quỵ hiện nay; Tầm quan trọng khám sức khỏe định kỳ trong công tác chăm sóc sức khỏe; Đột quỵ do nguyên nhân tim mạch; An toàn vệ sinh thực phẩm, những vấn đề cần quan tâm.

Đây là những chuyên đề có ý nghĩa quan trọng, cần thiết, giúp đại biểu cập nhật thông tin khoa học sức khỏe, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cơ bản, cách nhận biết, phòng bệnh cho bản thân và gia đình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm trực tiếp

Đặc biệt, BS.CKII Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Sở Y tế, đã cung cấp thông tin về vụ ngộ độc thực phẩm khiến 221 công nhân Công ty TNHH Bo Hsing (Công ty Bo Hsing – KCN Hòa Phú, H.Long Hồ, Vĩnh Long) nhập viện cấp cứu.

Cơ quan chức năng xác dịnh, hộ kinh doanh Hồng Phát thực hiện không đúng quy định về lưu mẫu thức ăn; điều kiện cơ sở không đảm bảo ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến.

Trong 14 mẫu thức ăn được gửi đến Viện Y tế công cộng TP.HCM kiểm nghiệm, mẫu thịt heo xào đậu que, cà rốt của hộ kinh doanh Hồng Phát có phát hiện chất Salmonella spp. Nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm trên là vi sinh vật (Bacillus cereus, E.Coli, Salmonella spp).

TS.BS Hồ Thị Thu Hằng – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, trình bày tham luận tại hội nghị

Chi cục ATVSTP tỉnh Vĩnh Long đang đề nghị cơ quan chức năng xử phạt Công ty Bo Hsing số tiền từ 160 – 200 triệu đồng vì chế biến, cung cấp thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên. Đồng thời đình chỉ toàn bộ hoạt động chế biến, cung cấp suất ăn do Công ty Bo Hsing thực hiện trong thời hạn 3 tháng và buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám và điều trị của bệnh nhân.

Đề nghị xử phạt hộ kinh doanh Hồng Phát do ông Lê Quí Long làm chủ hộ về 3 hành vi: Chế biến, cung cấp thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên (mức phạt từ 80 – 100 triệu đồng); không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn (mức phạt từ 1 – 3 triệu đồng) và không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn (mức từ 3 – 5 triệu đồng). Đình chỉ toàn bộ hoạt động chế biến, cung cấp suất ăn do hộ kinh doanh Hồng Phát thực hiện trong thời hạn 4 tháng và buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám và điều trị của bệnh nhân.

BS.CKII  Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế cung cấp thông tin về vụ ngộ độc thực phẩm ở Công ty TNHH Bo Hsing

BS.CKII Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết thêm: Sau vụ ngộ độc này, Chi cục ATVSTP tỉnh sẽ tăng cường hoạt động thanh kiểm tra; đẩy mạnh công tác truyền thông cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và các công ty có bếp ăn tập thể cũng như người tiêu dùng, về những quy định pháp luật và các kiến thức về ATVSTP nhằm hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Dịp này, TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, tặng ngành y tế tỉnh Vĩnh Long máy đo điện tim từ xa tele ECG để phục vụ khám và điều trị bệnh cho nhân dân

Đối với công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện, TS.BS Hồ Thị Thu Hằng – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, trình bày chuyên đề “Tầm quan trọng khám sức khỏe định kỳ trong công tác chăm sóc sức khỏe”, và nhấn mạnh: Ngành y tế tỉnh sẽ khuyến khích người dân tham gia khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm (nếu có bệnh) từ đó việc điều trị sẽ đem lại hiệu quả rất cao, chi phí thấp; đồng thời triển khai dự án “Sức khỏe đột quỵ”, theo đó sẽ tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế, tình nguyện viên về bệnh lý tim mạch và các dấu hiệu sớm cũng như biện pháp dự phòng đối với đột quỵ; góp phần phòng tránh và giúp người dân, nếu có người thân bị đột quỵ, sẽ nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa cấp cứu đột quỵ. Kết hợp nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở. Thành lập trung tâm cấp cứu tỉnh để xử lý và cấp cứu kịp thời những bệnh nhân bị các bệnh nặng, trong đó có bệnh nhân đột quỵ. Phấn đấu hạ thấp tỷ lệ bệnh nhân tử vong hoặc bị tàn phế do đột quỵ.

Theo số liệu của Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ. Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu nhưng chỉ rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu – thời gian vàng để cứu sống người bệnh.

Đan Phượng

 

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)