Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vĩnh Long tổ chức Festival Gạch gốm đỏ – Kinh tế xanh lần thứ nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều ngày 28-10-2024, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp Sở Thông tin – Truyền thông tổ chức họp báo định kỳ quý III năm 2024.

Bà Phạm Thị Nở – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long, báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh  

Thông tin về tình hình kinh tế – xã hội quý III/2024 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quý III/2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, bà Phạm Thị Nở – Chánh Văn phòng UBND tỉnh, người phát ngôn của UBND tỉnh, cho biết: Trong 9 tháng năm 2024, Vĩnh Long tiếp tục đạt nhiều thành quả trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, trong đó tổng thu ngân sách thực hiện 5.055 tỷ đồng, đạt 85% dự toán giao. Tổng chi ngân sách thực hiện 7.076,3 tỷ đồng, đạt 60,5% dự toán năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.064,7 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 2.973,5 tỷ đồng, giảm 13,58%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.178,4 tỷ đồng, tăng 37,28% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 12,75% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,98%. Thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đạt 52.021 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Quang cảnh buổi họp báo

Hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh chuyển biến tích cực; các thị trường xuất khẩu chủ lực được duy trì và đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 738,7 triệu USD, tăng 37,82% so với cùng kỳ năm trước.

Với nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, tổng lượt khách đến tỉnh 9 tháng năm 2024 đạt 1.350.000 lượt khách, đạt 107% kế hoạch năm; trong đó, khách quốc tế khoảng 33.000 lượt. Doanh thu du lịch 684 tỷ đồng, đạt 140% kế hoạch năm.

Tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nhất là thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, khoản vay đối với doanh nghiệp theo quy định; cải thiện môi trường kinh doanh; phát triển mới doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong 9 tháng, tỉnh đã cấp mới chủ trương đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án (4 dự án trong nước, 2 dự án FDI), với tổng số vốn đăng ký tương đương 266,5 tỷ đồng và 1,72 triệu USD; có 8 dự án đầu tư mở rộng (3 dự án trong nước, 5 dự án FDI) với số vốn đăng ký tăng thêm 139,05 tỷ đồng và 3,92 triệu USD. Cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 308 doanh nghiệp và 79 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại; phát triển mới 8 hợp tác xã (đạt 57,14% kế hoạch). Các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và một số lĩnh vực khác được tích cực triển khai với các đối tác như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Phan Văn Giàu – Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Long, thông tin về kế hoạch tổ chức Festival Gạch gốm đỏ – Kinh tế xanh

Tỉnh thực hiện tốt, kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Thăm, tặng quà và hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 458 căn nhà ở cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Thăm, tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em và đối tượng khác, với số tiền 30.464 triệu đồng…

Vĩnh Long là một trong các địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo rất cao: Đạt 70,43%. Tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 22.989 lao động, đạt 115% kế hoạch, trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 1.287 lao động, tỷ lệ 75,7%.

Ngành giáo dục và đào tạo triển khai đồng bộ các đề án, kế hoạch nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đẩy mạnh công tác rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. Thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, phổ thông; triển khai nhiều biện pháp bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Trong quý 4-2024, Vĩnh Long tiếp tục phấn đấu đạt vượt mức các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm, đặc biệt, tỉnh sẽ tổ chức Festival Gạch gốm đỏ – Kinh tế xanh lần thứ nhất. Dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến 23-11, tại đường Võ Văn Kiệt, phường 9, TP.Vĩnh Long và tại làng nghề sản xuất gạch, gốm tại kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít. Sự kiện nhằm tôn vinh những người làm gốm và nghề gốm đỏ ở Vĩnh Long, một nghề truyền thống có lịch sử hơn 100 năm; đồng thời cũng nhằm chào mừng ngày truyền thống ngành nông nghiệp – phát triển nông thôn Việt Nam (14-11); kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11); kỷ niệm 102 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922/ 23-11-2024).

Sản xuất gốm tại Vĩnh Long

Tại ĐBSCL Vĩnh Long là tỉnh có số lượng làng nghề, số lượng hộ gia đình sản xuất gạch, gốm nhiều nhất, và là một nghề truyền thống rất nổi tiếng. Làng gạch gốm trải dài 30km thuộc TP.Vĩnh Long, huyện Long Hồ và huyện Mang Thít. Trong đó xã Nhơn Phú và Mỹ An, huyện Mang Thít, là nơi tập trung rất nhiều cơ sở sản xuất. Lò gạch, gốm Mang Thít là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất miền Tây, sản phẩm xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, và rất được ưa chuộng ở thị trường châu Âu. Người dân thường hay gọi nơi đây là “vương quốc gạch ngói/lò gạch”.

Ông Phan Văn Giàu – Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Để góp phần tôn vinh và phát triển, đưa sản phẩm gốm Vĩnh Long ngày càng vươn xa, Festival Gạch gốm đỏ 2024 diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá những tiềm năng, lợi thế khai thác du lịch của làng nghề sản xuất gạch, gốm Mang Thít; kết hợp xúc tiến phát triển du lịch mang tính liên kết vùng, tìm kiếm cơ hội lan tỏa đến các thị trường trong và ngoài nước. Liên hoan đờn ca tài tử 3-4 thế hệ. Tổ chức Hội thi ẩm thực và xác lập kỷ lục Việt Nam 102 món ăn từ tàu hũ ky và dùng kèm tàu hũ ky đầu tiên tại Việt Nam (với nguyên liệu chính từ tàu hũ ky Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Tổ chức các khu triển lãm theo từng chủ đề với nhiều lĩnh vực, dự kiến có từ 700-800 gian hàng; trong đó có các gian hàng trưng bày, giới thiệu những sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP của ĐBSCL, TP.HCM và các tỉnh thành trong cả nước.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và hội nông dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL sẽ tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có triển lãm với chủ đề “Nông nghiệp xanh – Nông sản sạch”; Nông nghiệp thông minh và các giải pháp, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống xâm nhập mặn, dự trữ nước ngọt… Giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn xanh – sạch – an toàn và thân thiện với môi trường…

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)