Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vĩnh Phúc: Từ chối nhận giáo viên vì cái mác “lò đào tạo”

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh và người nhà bức xúc tại Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc vì bị từ chối nhận hồ sơ

Hàng chục sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi các trường ĐH sư phạm đang có nguy cơ không được xét tuyển biên chế vào dạy tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Nguyên nhân do Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc chỉ quy định xét tuyển đối với một số trường. Số còn lại chỉ được dạy THCS.

Quy định oái oăm
Gần trưa 25-8, chúng tôi có mặt tại TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dù đã sắp 12 giờ, nhưng vẫn còn rất nhiều bạn đến nộp hồ sơ xét tuyển biên chế vào ngành giáo dục chưa về. Ai cũng lo lắng nhưng không giấu nổi bức xúc.
Thí sinh N.T.D (nguyên là sinh viên Khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội – ĐHQGHN) cho biết: Những năm trước, khi xét tuyển giáo viên vào dạy THPT, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc chỉ yêu cầu có bằng sư phạm ĐH chính quy hoặc có chứng chỉ sư phạm các trường khác và có hộ khẩu tại Vĩnh Phúc là được nộp hồ sơ. Nhưng năm nay, sở không nhận hồ sơ của ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Cũng là ngành tiếng Anh nhưng sở lại lấy bằng của ĐH Hà Nội mà không tuyển chúng tôi. Trong khi chúng tôi có bằng sư phạm chính quy còn ĐH Hà Nội chỉ có chứng chỉ sư phạm?
Không chỉ có Trường ĐH Ngoại ngữ bị cho ra “rìa” mà sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Giáo dục thuộc ĐHQGHN cũng bị sở từ chối. Thí sinh N.T.N khẳng định: Khi chúng tôi lên Sở GD-ĐT nộp hồ sơ, họ không nhận, bảo chúng tôi về phòng nộp nhưng năm nay Phòng Giáo dục không có chỉ tiêu nào. Chúng tôi biết nộp đơn vào đâu?
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 21-7-2011 Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc có văn bản hướng dẫn tuyển dụng giáo viên số 796. Trong văn bản có nói rõ:
Năm nay Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc tuyển giáo viên vào các trường trực thuộc sở (các trường THPT) gồm những người có bằng tốt nghiệp chính quy ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm Thái Nguyên (ngành sư phạm), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), ĐH Hà Nội (Khoa Tiếng Anh) và ĐH Thể dục thể thao chuyên ngành giáo dục thể chất (không tuyển người học theo chương trình liên thông lên ĐH).
Còn đăng ký vào các hội đồng tuyển của phòng thì mở rộng cho tất cả các đối tượng.
Như vậy, “chủ ý” của văn bản này những sinh viên tốt nghiệp hai trường ĐH Giáo dục và ĐH Sư phạm ngoại ngữ (ĐHQGHN) chỉ được phép dự tuyển vào các trường trực thuộc Phòng Giáo dục (mầm non, tiểu học và THCS), còn những trường trực thuộc sở, những thí sinh này ra rìa. Tuy nhiên, oái oăm ở chỗ, năm 2011 các phòng giáo dục lại không có chỉ tiêu cho các ngành của hai trường nói trên. Như vậy, khác gì Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc “cố tình” gạt những sinh viên tốt nghiệp hai trường đó ra?
Điều khiến nhiều thí sinh băn khoăn nhất đó là tại sao, bằng sư phạm “xịn”, sở không tuyển lại chấp nhận chứng chỉ sư phạm? Hơn nữa, cùng trong hệ thống ĐHQGHN, ĐH Giáo dục được thành lập trên Khoa Sư phạm của Trường ĐH Tự nhiên nhưng năm nay, Sở GD-ĐT lại tuyển thí sinh học Trường ĐH Tự nhiên, không chấp nhận bằng của ĐH Giáo dục?
Thí sinh L.T.L (tốt nghiệp ĐH Giáo dục) băn khoăn: “Không hiểu Sở GD-ĐT căn cứ trên tiêu chí nào để đánh giá chất lượng đào tạo giữa các trường. Nếu tính chất lượng đầu vào thì rõ ràng Trường ĐH Giáo dục hay ĐH Ngoại ngữ đều ổn định hơn so với ĐH Thái Nguyên. Bên cạnh đó tôi cũng tốt nghiệp hệ sư phạm hẳn hoi. Còn đầu vào, năm tôi thi, khoa của tôi lấy 23,5 điểm (chưa nhân hệ số)”.
Nhà trường cũng bức xúc
Khó hiểu trước cách tuyển dụng của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, ngày 16-8-2011 đích thân Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc có công văn số 400/ĐHGD-ĐT gửi đơn vị này cùng Sở Nội vụ Vĩnh Phúc. Trong văn bản, GS. Lộc khẳng định trường thực hiện mô hình đào tạo giáo viên trung học phổ thông trong ĐH đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao ở trình độ cử nhân với các ngành sư phạm toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và lịch sử. Trong đó, phần kiến thức khoa học cơ bản được các trường ĐH thành viên của ĐHQGHN đào tạo (ĐH Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Ngoại ngữ) và phần kiến thức khoa học giáo dục, khoa học sư phạm, nghiệp vụ sư phạm do Trường ĐH Giáo dục đảm nhiệm. GS. Lộc cũng cho rằng, hướng dẫn về việc tuyển dụng giáo viên năm 2011 của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đã gây hoang mang, nguy cơ bất ổn không chỉ cho sinh viên có hộ khẩu tại tỉnh đã tốt nghiệp nói riêng mà còn đối với các sinh viên khác đang theo học tại Trường ĐH Giáo dục.
Ngày 22-8, sở Vĩnh Phúc cũng đã có văn bản trả lời Trường ĐH Giáo dục. Theo đó, ông Hoàng Minh Quân, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho rằng các sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy sư phạm của Trường ĐH Giáo dục có hộ khẩu tại Vĩnh Phúc hoặc tỉnh ngoài (có bằng tốt nghiệp loại giỏi hoặc xuất sắc) thuộc đối tượng dự xét tuyển làm giáo viên phù hợp với môn học cần tuyển của ngành giáo dục Vĩnh Phúc. Do điều kiện đội ngũ giáo viên THPT và THCS của tỉnh không thiếu nhiều nên chỉ lựa chọn tuyển ở một số ngành học. Tuy nhiên, năm học 2011-2012 có nhiều giáo viên đi học sau ĐH hoặc được nghỉ hưu, Sở GD-ĐT sẽ xem xét nhận một số sinh viên đã tốt nghiệp về dạy hợp đồng. Những sinh viên đã tốt nghiệp của Trường ĐH Giáo dục, ĐH Ngoại ngữ có thể nộp hồ sơ về sở để được xem xét hợp đồng giảng dạy trong năm học này.
Không tuyển vì cái tên
14h chiều ngày 25-8, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Bằng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc. Ông Bằng “né” tất cả các câu hỏi “tại sao” lại xảy ra thực trạng trên. Đến 17h chiều cùng ngày, tiếp chúng tôi, Giám đốc Sở GD-ĐT Hoàng Minh Quân cho biết: Số lượng giáo viên THCS tính tổng thể trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc đang thừa khoảng hơn 400. Riêng giáo viên tiểu học và THPT (THPT thiếu ít hơn) thiếu khoảng 238 chỉ tiêu. Việc tuyển giáo viên, do điều kiện như thế nên đối tượng vào trường nào thì chúng tôi đã có trao đổi với anh em trong hội đồng để có sự lựa chọn trên thông tin, điều kiện thực tế các trường ĐH và theo thực tế việc giảng dạy ở các trường ĐH hiện đại. Do vậy, chúng tôi có lựa chọn từng đối tượng để tuyển chỉ tiêu theo từng trường. Hiện tại, giáo viên ở cấp THCS có trên 50% là trình độ ĐH. Như năm vừa rồi tuyển các em ở ĐH Hùng Vương, ĐH Tây Bắc, theo đánh giá chất lượng giáo viên qua một năm thì thấy lượng kiến thức rất yếu, thực hiện yêu cầu của các trường thì số sinh viên này không đáp ứng được.
“Ngoài ra, khi trao đổi với lãnh đạo Trường ĐH Giáo dục (Phó hiệu trưởng, TS. Vũ Đình Giáp), tôi có nghe về chương trình đào tạo của trường này. Trường đào tạo theo mô hình 3+1 (3 năm đào tạo các môn khoa học cơ bản toán, lí, hóa, sinh và 1 năm đào tạo phương pháp sư phạm)”, ông Quân nói.
Theo ông Quân, đào tạo giáo viên (3+1) như các thầy ở Trường ĐH Giáo dục nêu chưa thật đảm bảo. Thứ nhất, về vấn đề kiến thức chung so với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và ĐH Khoa học Tự nhiên thì thiếu mất một năm về đào tạo kiến thức, sau đó học mấy tháng chứng chỉ sư phạm, như vậy là lượng kiến thức của hai trường Khoa học Xã hội và Nhân văn và Khoa học Tự nhiên nhiều hơn lượng kiến thức của các môn đó ở ĐH Giáo dục.
Về mặt kiến thức sư phạm ở ĐH Giáo dục, ông cũng giao cho cấp dưới nghiên cứu nhưng chưa có đánh giá. Nhưng cứ coi như kiến thức sư phạm của Trường Giáo dục như các trường sư phạm khác, như vậy thời gian sẽ bị dồn nén một năm, so với các trường sư phạm truyền thống (SPHN, SPHN 2, SP Thái Nguyên).
Còn lý do vì sao không cho thí sinh tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội xét tuyển, ông Quân không trả lời.
Ông Quân cũng cho biết, Sở GD-ĐT sẽ làm việc với Sở Nội vụ, đi đến thống nhất. Trước mắt, tạm thời Phòng Tổ chức cán bộ vẫn nhận hồ sơ của các em, kèm theo có thêm một đơn xin được dạy hợp đồng. Việc xét tuyển hay không thì sở không quyết định được, mà phải thống nhất với Sở Nội vụ báo cáo UBND tỉnh để UBND tỉnh cho chủ trương. Nếu UBND tỉnh đồng ý cho bổ sung đối tượng thì hồ sơ đó được xét bình thường, nếu tỉnh không cho thì sở xem xét những môn còn thiếu để cho vào dạy hợp đồng với sở và được hưởng chế độ như giáo viên biên chế.
Như vậy, “cửa” vẫn không thể mở đối với sinh viên đã tốt nghiệp 2 trường ĐH Giáo dục và ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

 

Đối với sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Giáo dục, ông Quân khẳng định đây là một ngôi trường mới, cả tên cũng mới. Trong chữ “Giáo dục” thì đã có Học viện Giáo dục họ cũng đào tạo.

 

Bình luận (0)