Ký hợp đồng lao động tại Bulgaria với thời hạn 2 năm song 25 lao động chỉ làm việc được gần 1 năm đã phải về nước với lý do hết hợp đồng lao động
“Tiền của chúng tôi phải trả cho chúng tôi!”, “Lãnh đạo công ty phải nói chuyện với người lao động (NLĐ)!”. Đó là phản ứng của 25 lao động vừa từ Bulgaria về nước trước hạn tại Trung tâm Phát triển việc làm và XKLĐ của Công ty Cổ phần XNK Vật tư thiết bị đường sắt (Virasimex) (số 132 Lê Duẩn, Hà Nội) để đòi quyền lợi vào ngày 5-5.
Anh Đinh Xuân Cơ (SN 1976, ngụ Sóc Sơn, Hà Nội), đại diện cho tập thể NLĐ, trình bày: “Tháng 7-2008, chúng tôi sang Bulgaria làm việc qua Công ty môi giới Virasimex. Hai bên ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn 2 năm với mức lương cơ bản là 450 leva/tháng (tương đương 320 USD). Song chúng tôi chỉ mới làm việc được gần 1 năm đã phải về nước với lý do hết HĐLĐ”.
Ngày 23-4, theo thông báo của công ty, 25 lao động về nước đã đến công ty để thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, họ chỉ được nhận lại số tiền đặt cọc là 8 triệu đồng cùng với 3,4 triệu đồng- gọi là tiền công ty “hỗ trợ” cho NLĐ.
Người lao động tập trung tại Công ty Virasimex ngày 5-5 để phản ứng việc họ phải về nước sớm
|
Ngoài 4 lao động chịu nhận số tiền này, số còn lại đều không đồng ý với lý do: “Chúng tôi không cần nhận tiền “hỗ trợ” của công ty mà chỉ đòi lại một phần tiền môi giới do công ty không thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký”. Giải thích về sự việc trên, ông Lê Mai An, Phó Giám đốc Virasimex, cho rằng do suy thoái kinh tế nên phía bạn cắt giảm lao động. “Đây là rủi ro mang tính khách quan. Chúng tôi đã có ý định tìm việc khác nhưng do thủ tục quá phức tạp và kéo dài nên quyết định đưa NLĐ về nước” – ông An nói.
Anh Phạm Văn Hùng (SN 1981, ngụ Quảng Trạch, Quảng Bình) khẳng định: “Không có chuyện công ty nước bạn cắt giảm lao động do suy thoái kinh tế như phía Virasimex giải thích”. Anh Cơ cho biết công ty mà các anh sang làm việc chuyên sản xuất sơn đã có lịch sử 106 năm với hàng ngàn lao động và vẫn có nhu cầu tuyển dụng.
Điều đáng nói là trong cả hai hợp đồng mà Virasimex ký với phía Bulgaria và với NLĐ đều không có điều khoản về trách nhiệm của Virasimex cũng như quy định bồi thường nếu NLĐ bị về nước trước hạn. Hợp đồng nêu chung chung “Trong trường hợp chủ sử dụng lao động gặp tình huống bất khả kháng như bị phá sản, sản xuất kinh doanh bị đình đốn thì hợp đồng sẽ chấm dứt tại thời điểm người sử dụng lao động thông báo. NLĐ phải về nước và sẽ được người sử dụng lao động giải quyết quyền lợi theo Luật Lao động của Bulgaria”.
Theo các lao động trên, tổng số tiền mỗi người phải chi để sang Bulgaria làm việc là 2.500 USD. Trong đó, 500 USD tiền ký quỹ, 400 USD phí dịch vụ XKLĐ tại VN, phí dịch vụ môi giới là 1.440 USD… Số lao động này đều có chung mong muốn được trả lại một phần phí môi giới đã nộp cho công ty, theo tỉ lệ tương ứng thời gian chưa được làm việc (15 tháng).
Thế nhưng khi đề cập đến vấn đề này, ông Lê Mai An cho rằng: “Làm gì có số tiền này”. Bức xúc vì cách trả lời của lãnh đạo công ty, một số NLĐ đã có sự phản ứng như trên. Song họ chỉ nhận được sự im lặng của các nhân viên kèm theo lời khuyên giải: “Các anh cứ bình tĩnh, rồi lãnh đạo sẽ giải quyết cho mọi người”.
Bài và ảnh: Nguyễn Quyết (nld)
Tin liên quan
Tối 11-1-2025, Hội Nữ doanh nhân TP.Cần Thơ (CAWE) tổ chức tổng kết và Giao lưu Chúc mừng năm mới 2025. Ông...
Sáng 13-1, đoàn công tác Bộ Công thương do Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng làm Trưởng đoàn đã có...
Chiều 7-1, Sở Công thương TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2024, triển khai chương trình công...
Sáng 7-1, UBND phường 14 quận 5 đã tổ chức Lễ ra mắt “Phố vải - Soái Kình Lâm”. Ông Lê Đăng...
Bình luận (0)