Hội nhậpThế giới 24h

Virus Nipah chết người gây ra cuộc khủng hoảng y tế ở miền nam Ấn Độ?

Tạp Chí Giáo Dục

Đài CBC hôm nay 15.9 đưa tin virus Nipah chết người đã khơi mào một cuộc khủng hoảng y tế ở miền nam Ấn Độ, với gần 800 người đã được xét nghiệm.

Cũng theo CBC, bang Kerala đang phải chống chọi với đợt bùng phát virus Nipah lần thứ tư kể từ năm 2018, với 2 người chết và gần 800 người đã được xét nghiệm trong 48 giờ qua tại quận Kozhikode của bang. Hiện có hai người lớn và một trẻ em đang nằm viện để theo dõi sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính.

Trước đó, chính quyền bang Kerala tối 13.9 cho hay ít nhất 706 người, trong đó có 153 nhân viên y tế, đang được xét nghiệm để kiểm tra sự lây lan của virus Nipah, theo Reuters.

Cũng theo Reuters, kể từ ngày 30.8 đã có 2 hai người chết do nhiễm Nipah, buộc chính quyền phải tuyên bố những khu vực cần ngăn chặn dịch bệnh tại ít nhất 8 ngôi làng trong quận Kozhikode.

Chính quyền bang Kerala đã đóng cửa một số trường học, văn phòng và không cho các phương tiện giao thông công cộng lưu thông trong ngày 13.9 nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Nipah.

Bang Tamil Nadu lân cận cũng đã thông báo rằng du khách đến từ Kerala sẽ phải kiểm tra y tế và những người có triệu chứng cúm sẽ bị cách ly.

Virus Nipah chết người khơi mào cuộc khủng hoảng y tế ở miền nam Ấn Độ? - Ảnh 1.

Các nhân viên gắn tấm biển ghi "Khu cách ly Nipah, nghiêm cấm vào" tại một bệnh viện ở quận Kozhikode thuộc bang Kerala (Ấn Độ) ngày 12.9. Reuters

"Chúng tôi đang tập trung vào việc truy tìm các mối liên lạc của những người bị nhiễm bệnh và cách ly bất kỳ ai có triệu chứng", Trưởng Cơ quan Y tế bang Veena George cho hay. Bà George cho biết thêm virus Nipah được phát hiện ở Kerala giống loại virus được tìm thấy trước đó ở Bangladesh và đó là một chủng lây lan từ người sang người với tỷ lệ tử vong cao nhưng có lịch sử ít lây nhiễm hơn.

Nipah là một loại virus lây truyền từ động vật sang người. Người bệnh bị nhiễm virus này khi tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm virus. Tuy vậy, nhiều trường hợp virus Nipah lây từ người sang người cũng đã được ghi nhận.

Dơi ăn quả thuộc họ Pteropodidae (thường được gọi là dơi quạ) là loài mang virus Nipah. Chúng có thể truyền virus cho các động vật khác như lợn, chó, mèo, dê, ngựa và cừu.

Người nhiễm bệnh thường có các triệu chứng như sốt và đau đầu trong khoảng từ 3 ngày đến 2 tuần. Sau đó, bệnh nhân có thể bị ho, đau họng và gặp các vấn đề về hô hấp. Bệnh tình diễn tiến nhanh có thể làm bệnh nhân bị phù não, gây buồn ngủ, lú lẫn, sau đó có thể hôn mê và tử vong. Hiện vẫn chưa có thuốc chữa hay vắc xin phòng ngừa virus Nipah.

Một số người bị nhiễm virus Nipah có thể không có triệu chứng và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay một biến chứng có thể cản trở việc chẩn đoán và gây ra "thách thức trong việc phát hiện ổ dịch, các biện pháp kiểm soát sự lây nhiễm một cách hiệu quả và kịp thời cũng nhưc việc ứng phó tình trạng bùng phát của dịch bệnh", theo CBC.

Trong đợt bùng phát virus Nipah đầu tiên ở Kerala vào năm 2018, có 21 trong số 23 người nhiễm bệnh đã tử vong, và có 2 người chết trong các đợt bùng phát vào năm 2019 và 2021, theo Reuters.

Theo Văn Khoa/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)