Dù chính sách visa mới đã có hiệu lực hơn 1 tuần, nhưng nhiều doanh nghiệp và du khách muốn xin visa vào VN vẫn hoang mang vì chưa thể áp dụng.
Luật mới, thông tin vẫn cũ
Chờ sau khi luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 lên 90 ngày chính thức có hiệu lực vào 15.8, bà Trish Thompson (80 tuổi, người Mỹ) mới quyết định đặt vé đến VN vào ngày 30.8 này. Liên tục đi lại giữa Mỹ – VN từ năm 2005 đến nay, bà Trish đã quá quen thuộc với việc xin e-visa vào VN và cũng có rất nhiều người Việt thân thiết thường xuyên cập nhật các quy định, chính sách mới, phục vụ việc di chuyển của bà. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên từ năm 2019 đến nay, bà mới quay lại VN.
Được hướng dẫn vào đường link mới cho người nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký thị thực điện tử theo thông tin của Bộ Công an, bà Trish hoang mang khi trang web vẫn hiển thị rằng thị thực điện tử VN chỉ có giá trị tối đa 30 ngày, nhập cảnh một lần. Tìm đỏ mắt bà cũng không thấy mục đăng ký visa thời hạn 90 ngày, nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới như thông báo về quy định mới được áp dụng.
Chính sách visa mới vẫn chưa sẵn sàng để hút khách quốc tế tới VN. Ảnh: H.Mai
"Thủ tục khai thông tin cũng có nhiều thay đổi hơn so với hồi trước dịch. Tôi phải gọi điện nhờ người thân ở VN cùng hoàn thiện chi tiết từng mục, vướng đến đâu nhờ hướng dẫn tới đó. Tôi được báo tin rằng chính sách thị thực mới đã được Chính phủ VN thông qua từ hồi tháng 6 và sẽ có hiệu lực vào ngày 15.8 nên thay vì đi đầu tháng 8 như kế hoạch, tôi đã dời lịch tới ngày 30.8 nhưng không ngờ vẫn chưa được. Vì đã lỡ mua vé máy bay rồi nên tôi đành chấp nhận loại visa single giá trị 30 ngày và hy vọng lần tới sẽ được áp dụng chính sách mới. Vấn đề là chỉ mới hôm qua thôi (20.8), một người bạn của tôi ở Mỹ lại có thể đăng ký visa thời hạn 45 ngày, cũng trên đúng website mà tôi sử dụng. Vì kênh làm thủ tục của VN không theo dõi được quá trình xử lý hồ sơ nên tôi cũng không biết giờ hồ sơ của tôi đang ở bước nào rồi, tôi có nên khai lại không, vì sao cùng một địa chỉ website mà người làm được, người không?…", bà Trish đặt ra hàng loạt thắc mắc.
Khảo sát trên trang web evisa.xuatnhapcanh.gov.vn chiều qua (22.8), đúng như phản ánh của bà Trish Thompson, hệ thống vẫn hiển thị thông tin "Thị thực điện tử VN có giá trị tối đa 30 ngày, nhập cảnh một lần". Các mục xin cấp visa multiple 90 ngày và danh sách công dân của nước được VN đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) theo luật mới hoàn toàn chưa được cập nhật.
Xử lý hồ sơ xin cấp e-visa cho một số đoàn khách chuẩn bị vào VN, giám đốc một doanh nghiệp (DN) lữ hành lớn tại TP.HCM cũng phản ánh tốc độ xử lý thông tin của trang web làm thủ tục xin thị thực điện tử của VN chậm, rất hay xảy ra tình trạng không truy cập được, không "nhả" hẹn ngày nào sẽ cấp visa cho khách để họ chủ động lên lịch trình. Ngoài ra, cũng vì đã dự trù trước độ trễ của chính sách nên thực tế, các DN mới chỉ thông báo chính sách mới, chủ động xây dựng chương trình tour mới dài ngày hơn để thông tin đến khách hàng, chưa vội triển khai chi tiết.
"Trước giờ vẫn vậy, chính sách từ khi được ban hành đến lúc áp dụng được, có khi phải kéo dài vài tháng mới ổn định. Chính sách thông qua từ tháng 6, có hiệu lực từ ngày 15.8 nhưng sáng 15.8 mới có hội nghị hướng dẫn tới các địa phương và DN. Như vậy làm sao mà dám nhận khách áp dụng chính sách mới ngay được? Đưa khách vào rồi phát sinh đủ khó khăn thì rất phiền phức. Chính phủ cần nghiêm túc xem lại độ chênh giữa chủ trương tới chính sách và triển khai. Đáng ra, ngay từ khi Quốc hội thông qua luật thì các bộ ngành đã phải chuẩn bị sẵn nghị định, thông tư hướng dẫn, đồng bộ cùng hệ thống hạ tầng, công nghệ. Làm đến đâu sẵn sàng tới đó. Không thể cứ để DN phải bảo khách "lên TV/lên báo mà hỏi" như hiện nay", vị doanh nhân này bức xúc.
Cái mất không chỉ là uy tín của DN
Theo dõi sát sao từng động thái mở cửa chính sách visa, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB), nhận xét: Thực trạng chính sách và thực thi thiếu đồng bộ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng thu hút khách du lịch của VN. Các DN đã rất chủ động thông báo với đối tác, khách hàng chính sách mới để hút nhiều khách càng sớm càng tốt. Song đến khi luật đã có hiệu lực mà thực tế không triển khai được, DN sẽ mất uy tín.
Phân tích thêm về thị trường, ông Lương Hoài Nam nhận xét: Phục hồi về lượng khách quốc tế dù đã rất nỗ lực mới đạt khoảng 60% giai đoạn trước dịch. Trước đại dịch, chúng ta có nhiều thị trường lớn, mang lại nguồn khách "khổng lồ" là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Mỹ. Trong đó, thị trường Trung Quốc được đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng đến nay gần như vẫn chưa thể khai thác. Nguồn khách châu Âu cũng khó tăng trưởng mạnh do tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine cùng khủng hoảng kinh tế, lạm phát, bất ổn xã hội… Các DN du lịch vẫn chưa thoát khó, DN hàng không càng chật vật hơn, ngày càng lỗ nặng.
Mặt khác, sau đại dịch Covid-19, hành vi du lịch của du khách đã thay đổi rất nhiều. Các đoàn khách lớn đi tour đã không còn phổ biến, thay vào đó là đối tượng khách đi từng nhóm nhỏ theo gia đình, bạn bè, đi lẻ tự túc. Với những đối tượng khách này, chính sách visa càng quan trọng hơn vì khách đi tour theo đoàn sẽ có công ty du lịch lo làm thủ tục, còn khách đi cá nhân phải tự lo.
Từ mục tiêu cụ thể, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho từng cấu phần của ngành du lịch. Nếu chính sách cứ kiểu xin đến đâu xét đến đó, kêu chỗ nào xử lý chỗ đó như hiện nay thì DN bị động, khách hàng bị động, cả ngành du lịch cũng sẽ cứ mãi loay hoay bị động như hiện nay. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group |
"Với họ, điểm đến nào càng dễ đi, chính sách càng thoáng thì họ sẽ ưu tiên lựa chọn. Bởi vậy, chính sách visa mở, thủ tục nhanh gọn, đơn giản vốn luôn quan trọng, nay lại càng mang tính quyết định. Chính sách visa phải đi vào cuộc sống càng sớm càng tốt, tạo cơ hội thu hút khách ở càng nhiều thị trường càng tốt", TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐQT Vietravel Group Nguyễn Quốc Kỳ cũng bày tỏ nhiều tiếc nuối khi ngành du lịch tiếp tục bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để phục hồi sau đại dịch, chỉ vì sự chậm trễ và không đồng bộ của chính sách. Dù đã mở cửa 1 năm rưỡi nhưng các DN hầu hết vẫn phải tự lực cánh sinh trong công tác quảng bá, xúc tiến, chào bán sản phẩm ở thị trường nước ngoài. Công tác này chi phí rất cao nhưng DN du lịch lại gần như không thể tiếp cận được các nguồn vốn từ ngân hàng. Nguồn khách lớn nhất hiện nay của nước ta là Hàn Quốc thì gần như bị "bỏ ngỏ", không ai quản được khách đến qua nguồn nào, DN dẫn khách tới có nộp thuế không, nộp thuế bao nhiêu cho Chính phủ VN…
Do đó, ngoài việc cấp bách thúc đẩy mạng lưới hệ thống công nghệ đồng bộ với chính sách mới về thị thực, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề nghị Chính phủ cần đánh giá một cách tổng quan về định vị ngành du lịch. Trong đó, xác định ngành du lịch đóng vai trò thế nào trong cấu phần để phục hồi kinh tế. Phải đặt KPI, để kinh tế bật dậy bao nhiêu phần trăm thì du lịch phải tăng trưởng bao nhiêu phần trăm, lượng khách là bao nhiêu, bao nhiêu cơ sở lưu trú phải được sáng đèn, bao nhiêu công ăn việc làm phải được tạo ra từ du lịch…
Theo Hà Mai/TNO
Bình luận (0)