Chỉ 2 năm sau khi EURO 1996 tăng số đội tham dự từ 8 lên 16, World Cup cũng “chứng tỏ đẳng cấp” khi mở rộng từ 24 lên 32 đội (France ‘98). Năm 2016, châu Âu sẽ làm cú đột phá khi lựa chọn 24 ĐT (tương đương 50% thành viên UEFA) dự EURO. Và nếu FIFA “chịu chơi” như 10 năm trước, World Cup 2018 sẽ gồm… 64 anh tài. Nhưng đó là câu chuyện sau 10 năm nữa. World Cup 2010 vẫn chỉ có 32 ĐT, và châu Âu vẫn phải điên đảo với một vòng loại đầy bất trắc. Và trong thời buổi khủng hoảng, châu Âu trở thành sân khấu của những “diễn viên nghiệp dư” với vũ điệu tử thần mang tên “bất ngờ”!
Trong suốt chiều dài lịch sử các vòng đấu loại World Cup, châu Âu chưa bao giờ có được những đại diện mạnh nhất. Khoảng 3 thập kỷ qua, đã diễn ra rất nhiều tai nạn thương tâm với nạn nhân là những kẻ từng thống trị thế giới: Tây Ban Nha (1974), Pháp (1990, 1994), Anh (1974, 1978, 1994), Bồ Đào Nha (1990, 1994, 1998), Hà Lan (2002)… World Cup 2010 có lẽ cũng không phải ngoại lệ. Ngay từ vạch xuất phát, những bất ngờ đã nhan nhản, những pháo đài lớn đã bị đánh phá dữ dội.
Pháp, Bồ Đào Nha, Đức, CH Czech, Hà Lan… đều đã trải qua những ngày kinh hoàng, những giờ phút thót tim và những nỗi thất vọng tràn trề. Ngàn năm nữa, cũng không có người Pháp nào lý giải nổi tại sao họ thua Áo (1-3). Bồ Đào Nha dưới “triều đại” Queiroz lóe lên trong một khoảnh khắc (thắng Malta 4-0), rồi lịm tắt cũng trong một tích tắc khi thất bại trước Đan Mạch trên sân nhà (2-3) với 2 bàn thua ở những phút bù giờ. Đức chưa thua, nhưng cũng bủn rủn rời Phần Lan sau 90 phút đày đọa với 3 lần đi gỡ (3-3). Hà Lan thắng, nhưng đoàn quân của Marwijk đã có 15 phút cuối căng thẳng tại Macedonia (2-1)… Kể cả những Tây Ban Nha, Italia, cũng chưa bộc lộ hết sức mạnh, nhưng họ chưa bị số phận “sờ gáy” bởi dù sao vẫn thắng.
Latvia, Serbia&Montenegro, Hy Lạp, Slovenia… đã từng làm đảo lộn mọi quy tắc về sức mạnh và quyền lực của châu Âu. Những bất ngờ ấy đến chỉ 1 lần, nhưng nó lại tạo ra sự ám ảnh vô cùng. Và khi những cái tên kia đi vào quên lãng, đã có những kẻ “to gan” khác nổi lên thay thế. Albania đang ngạo nghễ trên đỉnh bảng 1 cùng Đan Mạch và Thụy Điển. Ba Lan lại tái hiện điều kỳ diệu ở VL World Cup 2006 với ngôi đầu bảng cùng Slovenia. Luxembourg chỉ quen với thất bại bỗng nhiên đánh bại Thụy Sỹ của Hitzfeld ngay trên sân khách (2-1). Nhưng cú sốc lớn nhất thuộc về Lithuania, ĐT xếp thứ 100 trên BXH FIFA năm 2005 và hiện tại đứng thứ 37 (tháng 10/2008). Đội bóng thua tới 53% tổng số trận đã đấu (130/246 trận) bất ngờ toàn thắng cả 2 trận đầu tiên. Đội bóng mới chỉ 4 lần ghi quá 2 bàn thắng trong 1 trận (nhưng vào lưới các “đối thủ” Malta, Estonia, San Marino) trong 10 năm qua, bỗng nhiên nã vào lưới Romania 3 bàn không gỡ. Tiếp đó, vẫn là đội bóng bị xếp vào hàng “nhược tiểu” này tiếp tục gây sốc khi hạ Áo 2-0. Sau 2 lượt, Lithuania mới là đội bóng có thành tích tốt nhất với 6 điểm, và là 1 trong 5 đội chưa thủng lưới. Những cầu thủ Lithuania làm nên 2 kỳ tích đó đều là những người vô danh, và chỉ có duy nhất 1 trong số 25 cầu thủ tham dự 2 trận vừa qua thi đấu cho CLB thuộc 5 giải VĐQG lớn của châu Âu. Đó là hậu vệ Marius Stankevicius của Sampdoria (tiền đạo đội trưởng Tomas Danilevicius khoác áo Livorno tại Serie B).
Một tháng đủ để một ngôi sao trở lại (C.Ronaldo, Ballack, Gerrard… có mặt sau khi chấn thương ở 2 lượt đầu), nhưng chưa chắc đã đủ để làm hồi sinh đẳng cấp của cả một đội bóng. Khi đó, những vũ điệu tử thần cũng chưa chắc đã chấm dứt…
CÁC CẶP ĐẤU CỤ THỂ | |
Scotland – Na Uy Đảo Faroe – Áo Phần Lan – Azerbaijan Anh – Kazakhstan Xứ Wales – Liechtenstein Thụy Sỹ – Latvia Hungaria – Albania Đan Mạch – Malta Thụy Điển – Bồ Đào Nha Ukraine – Croatia Luxembourg – Israel Serbia – Lithuania |
Ba Lan – CH Czech San Marino – Slovakia Georgia – Đảo Síp Slovenia – Bắc Ireland Đức – Nga Bỉ – Armenia Hà Lan – Iceland Thổ Nhĩ Kỳ – Bosnia&Herzegovina Bulgaria – Italia Hy Lạp – Moldova Romania – Pháp Estonia – Tây Ban Nha |
L. Trung (theo baobongda)
Bình luận (0)