Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

VN-Italy thỏa thuận hợp tác khoa học và công nghệ

Tạp Chí Giáo Dục

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 2/10, phiên họp Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Khoa học và Công nghệ và Lễ ký “Chương trình Hợp tác lần thứ 5 về Khoa học và Công nghệ” giữa Việt Nam và Italy đã được tổ chức tại trụ sở Bộ Ngoại giao Italy.

Đại diện cho phía Việt Nam tham dự phiên họp là Đoàn đại biểu Bộ Khoa học và Công nghệ gồm 4 thành viên do ông Lương Văn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế làm trưởng đoàn cùng với Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Hoàng Long.

Về phía Italy có ông Andrea Melodi, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Xúc tiến Quốc gia Bộ Ngoại giao Italy cùng một số nhà nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý đến từ các trường đại học, cơ sở đào tạo, nghiên cứu Italy.

Quang cảnh Lễ ký “Chương trình Hợp tác lần thứ 5 về Khoa học và Công nghệ.” (Nguồn: baotintuc.vn)

Tại phiên họp, hai bên đã kiểm điểm lại các chương trình hợp tác song phương trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giai đoạn 2009-2013, thảo luận về chính sách, nhu cầu các lĩnh vực khoa học và công nghệ cần hợp tác của Việt Nam, cũng như lắng nghe các nhà khoa học, các nhà quản lý về khoa học và công nghệ của Italy trình bày những khả năng, dự án hợp tác song phương mới trong thời gian tới.

Hầu hết các nhà khoa học, nhà quản lý Italy đều bày tỏ vui mừng khi nhận thấy sự quan tâm của Việt Nam trong hợp tác về khoa học và công nghệ, đánh giá đây là mảng hợp tác rất tiềm năng trong quan hệ hợp tác song phương vì Italy có thế mạnh về lĩnh vực này và sẵn sàng cộng tác với Việt Nam.

Cuối phiên họp, đại diện hai bên đã ký văn kiện “Chương trình hợp tác lần thứ 5 về Khoa học và Công nghệ giữa Việt Nam và Italy” giai đoạn 2014-2016. Theo văn kiện mới này, hai bên nhất trí cùng ghi nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của khoa học và công nghệ đối với các mối quan hệ kinh tế, văn hóa và xã hội giữa hai nước; hai bên cũng đạt được sự đồng thuận về một số dự án nghiên cứu chung.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Lương Văn Thắng cho biết chuyến công tác lần này của Đoàn là dịp để tìm kiếm cơ hội, chương trình hợp tác mới, đa dạng hóa các nguồn hỗ trợ từ phía Italy.

Trong giai đoạn tới, bên cạnh việc trao đổi các nhà nghiên cứu khoa học như trước đây, hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Italy sẽ mở rộng sang các nội dung như nhu cầu về sử dụng thiết bị nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thực hiện công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Đây là những vấn đề không thuộc chức năng của Bộ Ngoại giao Italy, do đó phía Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ mở rộng hợp tác với các bộ, ngành hữu quan của bạn.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, ngoài việc tham gia Phiên họp, Đoàn cũng đã làm việc với Bộ Giáo dục, Đại học và Nghiên cứu, Bộ Phát triển Kinh tế của Italy (hai cơ quan phụ trách vấn đề quản lý khoa học và công nghệ, tài chính và thúc đẩy đổi mới khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp); đồng thời làm việc với một số trường đại học, viện nghiên cứu của nước sở tại đã và đang hợp tác với Việt Nam để trao đổi các nhu cầu hợp tác.

Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Hoàng Long cho hay trong thời gian qua, quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ song phương đã có nhiều tiến triển. Tuy nhiên, trong thời gian tới, quan hệ hợp tác song phương về khoa học và công nghệ cần được thúc đẩy để đi vào chiều sâu với nhiều kết quả cụ thể hơn, nhất là khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành “đối tác chiến lược” sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Italy của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng Một năm nay.

Hơn nữa, hợp tác về khoa học và công nghệ là nội dung được ưu tiên trong chiến lược hợp tác chung Việt Nam-Italy vì đây là lĩnh vực mà Italy có thế mạnh trong khi Việt Nam cần hợp tác để phục vụ cho nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Việc tổ chức phiên họp Ủy ban Hỗn hợp về Khoa học và Công nghệ lần này chính là một trong những bước đi nhằm cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước./.

(TTXVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)