Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

VNPT lo hụt vốn tại Mobifone

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Việc VNPT phải thoái vốn khỏi Mobifone và Vinaphone là tin vui cho nhiều nhà đầu tư đang thèm muốn cổ phần của 2 nhà mạng này.


 

VNPT lo lắng khi phải thoái vốn khỏi Mobifone

Theo Nghị định số 25/2011, hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2011, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ phải thoái vốn ở 2 nhà mạng di động “lớn tuổi” nhất Việt Nam là Mobifone và Vinaphone, đồng thời chỉ được phép giữ một trong hai “con cưng” này, trong khi hiện VNPT đang sở hữu 100% vốn của Vinaphone và Mobifone.

Không còn cách nào khác, VNPT phải tìm được phương án hữu hiệu nhất nhằm giữ nhiều vốn nhất ở 2 nhà mạng “khủng” để nuôi quân và phát triển. 
Chỉ còn một mạng 
Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin – Truyền thông), cho biết theo quy định của Nghị định 25, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông.
Theo ông Hải, sở dĩ nghị định đưa ra mức “sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần” để tránh tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh.  
Theo thông tin mới nhất, VNPT đã hoàn tất phương án “đối phó” với Nghị định 25 để trình Bộ Thông tin – Truyền thông thông qua. Hiện phương án cuối cùng chưa được VNPT tiết lộ nhưng trong tình thế này, VNPT buộc phải đánh mất một thương hiệu mạng di động mạnh đã tốn nhiều công gây dựng, đóng góp lớn cho doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn hoặc thoái vốn của một trong hai mạng.
Tình cảnh này thật đáng lo ngại cho VNPT khi năm 2010, tập đoàn này đạt doanh thu 101.569 tỉ đồng, tổng lợi nhuận 11.200 tỉ đồng nhưng trong đó Mobifone chiếm trên 30% doanh thu và hơn 50% lợi nhuận, còn Vinaphone thì chiếm gần 30% doanh thu và khoảng 30% lợi nhuận.
Theo giới phân tích, một phương án có thể được lựa chọn là VNPT sẽ phải nhập 2 mạng làm một, đồng thời vẫn giữ được 2 thương hiệu Mobifone và Vinaphone.
Về phương án này, ông Phạm Hồng Hải cho biết Nghị định 25 chỉ quy định về sở hữu và pháp nhân chứ không quy định về thương hiệu. Ông Hải phân tích hiện nhiều nước cũng có tình trạng sáp nhập các mạng di động nhưng vẫn duy trì các thương hiệu trên thị trường theo cách một chủ sở hữu có nhiều thương hiệu mạng di động được bán dịch vụ.
Song việc duy trì 2 thương hiệu và cùng bán dịch vụ sau khi được sáp nhập thì VNPT sẽ gặp khó khi tham gia các cuộc thi tuyển hoặc đấu giá tài nguyên, tần số vì 2 mạng này chỉ được tính là một pháp nhân chứ không thành 2 pháp nhân như việc Vinaphone và Mobifone không được cùng thi tuyển 4G trong tương lai.
Mất nguồn thu lớn 
Cũng theo Nghị định 25, VNPT có thể phải chọn phương án thứ hai, đó là cổ phần hóa một nhà mạng và thoái vốn còn không quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần nếu không muốn sáp nhập 2 nhà mạng làm một.

Nhiều doanh nghiệp “dòm ngó” cổ phần Mobifone 

Mobifone được Tập đoàn Tài chính Ngân hàng – Credit Suisse (Thụy Sĩ) định giá lên tới 2 tỉ USD và là doanh nghiệp hiếm hoi hạch toán độc lập trong VNPT.
Lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội cho biết cổ phần của Mobifone quá hấp dẫn và doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền mua khối lượng cổ phần lớn khi VNPT thoái vốn ở đây.
Song vị doanh nhân này cũng nhìn nhận việc nắm giữ cổ phần của nhà mạng đang ăn nên làm ra bậc nhất trong lĩnh vực viễn thông Việt Nam không hề đơn giản vì là “con mồi” hấp dẫn cho bất cứ một nhà đầu tư nào.
Đặc biệt, ngay cả VNPT cũng phải vạch ra nhiều “chiêu” để giảm thiểu nguồn lợi bị hao hụt từ Mobifone khi được đem ra cổ phần hóa.

Theo phân tích từ giới chuyên môn, việc cổ phần hóa Mobifone đã được bắt đầu từ 4 năm nay theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt nhiều khả năng sẽ được VNPT lựa chọn hơn so với cổ phần hóa Vinaphone.

Vì việc cổ phần hóa và thoái vốn tại Vinaphone phức tạp hơn rất nhiều do nhà mạng này vẫn đang hạch toán phụ thuộc và chưa có kế hoạch cổ phần hóa. 
Tuy nhiên, điều khó là Mobifone đang chiếm trên 50% lợi nhuận nhưng chỉ chiếm khoảng 4% lao động của VNPT.
Nếu cổ phần hóa Mobifone không khác gì VNPT tự đập nồi cơm của hàng vạn CBCNV đang làm việc ở hàng chục đơn vị trực thuộc. 
Tuy nhiên, nếu buộc phải lựa chọn “lời giải” cho “bài toán” giữ càng nhiều cổ phần của Mobifone càng tốt, VNPT có thể áp dụng “chiêu” để các công ty con mua cổ phần của Mobifone.
Nhưng giải pháp này cũng có điểm vướng là những đơn vị có tiềm lực mạnh và ăn nên làm ra của VNPT như Vinaphone, Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI), Công ty Viễn thông Liên tỉnh (VTN), Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC)… lại đang hoạt động theo mô hình hạch toán phụ thuộc nên không thuộc diện được mua cổ phần.
Còn các công ty con khác thuộc diện được mua cổ phần thì vốn lại quá nhỏ, thường là các đơn vị thuộc khối xây lắp, công nghiệp. Do vậy, VNPT phải gấp rút để xóa bỏ mô hình hạch toán phụ thuộc tại những đơn vị trực thuộc chủ lực nhằm chiếm lĩnh cổ phần của Mobifone khi cổ phần hóa.  
Hiện VNPT vẫn chưa có tuyên bố cuối cùng về giải pháp cổ phần hóa Mobifone và khẳng định cũng còn mất thêm nhiều thời gian để hoàn tất quá trình này.
Nguồn: NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)