Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Vợ chồng A Phủ” – độ chênh giữa truyện và phim

Tạp Chí Giáo Dục

“Vợ chồng A Phủ” là một trong những tác phẩm văn học được giảng dạy trong chương trình phổ thông đã được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh, thường xuất hiện trong các đề thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ trong các năm trước đây.

Học sinh Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM) học tác phẩm Vợ chồng A Phủ có minh họa phim. Ảnh: N.Tuấn

Bộ môn ngữ văn của trường chúng tôi có một bộ sưu tập các phim văn học chiếu cho học sinh xem nhằm bổ sung kiến thức cho các em về tác phẩm văn học được học trong chương trình; giúp các em có thêm tư liệu tham khảo mang tính trực quan sinh động, hỗ trợ cho các kiến thức trừu tượng đã được tiếp thu qua bài giảng. Việc làm này đã được giáo viên trong trường, đồng nghiệp ở các trường bạn đánh giá cao, học tập đưa về ứng dụng tại trường mình. Tuy nhiên, một số phim không những chưa đáp ứng được yêu cầu trên mà lại còn có vẻ như “lợi bất cập hại”, tiêu biểu là phim Vợ chồng A Phủ.

Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” có điểm đặc biệt là đã được chính tác giả Tô Hoài chuyển thể thành kịch bản và đạo diễn Mai Lộc dựng thành phim cùng tên vào năm 1961. Bộ phim nói trên đã được trao giải thưởng Bông sen bạc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973. Trong phim, nhiều chi tiết có ý nghĩa sâu sắc của truyện đã bị lược bỏ và một số chi tiết không có trong truyện đã được thêm vào, làm cho truyện và phim có một độ chênh, gây ngộ nhận trong việc cảm thụ tác phẩm văn học của học sinh. Trong truyện có chi tiết Mị thắp đèn, A Sử tắt đèn mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm. Hành động thắp đèn của Mị như muốn thắp sáng đoạn đời tăm tối đã qua, thắp sáng cõi u mê trong tâm hồn để nhận thức về thế giới, về thân phận, đốt lên ngọn lửa ham sống, yêu đời trong con tim bấy lâu đã băng giá của mình; A Sử tắt đèn đi là hành động phũ phàng dập tắt niềm khát khao tự do, bóp chết mầm sống vừa mới phôi thai trong lòng Mị, bắt Mị trở lại cuộc sống âm u, tăm tối, tù hãm, vô thức trước đây… (ý của thầy Đặng Văn Du, giáo viên Trường THPT Pleiku, tỉnh Gia Lai). Trong phim chi tiết này đã hoàn toàn bị lược bỏ. Bên cạnh đó, nhân vật Mị trong truyện chỉ phát ngôn có hai lần, một lần ở đầu truyện nói với cha mình, một lần ở cuối đoạn trích nói với A Phủ, còn suốt trong đoạn trích thì Mị không hề cất tiếng lần nào, chủ yếu là suy nghĩ, độc thoại, chi tiết này góp phần thể hiện cuộc sống nội tâm sôi động ẩn sau bề ngoài câm nín của nhân vật Mị. Còn trong phim thì ngược lại, Mị nói huyên thuyên từ đầu đến cuối đã làm mất đi ý nghĩa sâu sắc trong tính cách “câm lặng” mà Tô Hoài muốn khắc họa về nhân vật Mị.

Về quan hệ giữa hai nhân vật Mị và A Phủ. Trong đoạn trích, giai đoạn sống ở Hồng Ngài, giữa hai người chỉ có duy nhất mối quan hệ với nhau là những con người có cùng thân phận nghèo khổ, bị “gạt nợ” khi rơi vào nhà thống lý Pá Tra: Mị là con dâu gạt nợ, A Phủ là người ở gạt nợ. Cho đến đêm Mị cắt dây trói cứu A Phủ thì tình cảm giữa họ vẫn chỉ là tình thương giữa những người cùng số phận, cùng tầng lớp. Nhưng trong phim thì Mị đã thể hiện lòng thầm yêu trộm nhớ của mình, “đầu mày cuối mắt” với A Phủ ngay từ khi A Phủ xuất hiện trong nhà thống lý Pá Tra, họ “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”; và cuộc chạy trốn của họ sang Phiềng Sa không còn mang màu sắc những người cùng khổ đồng cảm giai cấp vùng lên tự giải thoát cho cuộc đời mình một cách tự phát, mà làm cho người đọc thấy đó là cuộc trốn chạy hết sức thường tình của một đôi tình nhân, sắp xếp âm mưu trốn chạy để thỏa lòng được chung sống với nhau.

Tiếp cận với phim, nhiều học sinh nhầm tưởng cốt truyện trong phim cũng chính là đoạn trích của truyện trong sách giáo khoa nên dẫn đến ngộ nhận khi làm bài, phân tích tác phẩm, phân tích nhân vật. Trong quá trình chấm thi tuyển sinh ĐH các năm, chúng tôi bắt gặp những bài làm của học sinh tóm tắt cốt truyện nguyên xi như trong phim; thậm chí có học sinh còn cho rằng Mị và A Phủ vốn yêu nhau từ trẻ, bị A Sử “chia uyên rẽ thúy” nên đã lén lút tìm cách đến với nhau, rồi hò hẹn nhau chạy trốn để cùng nhau xây dựng gia đình, thể hiện quyết tâm “không được yêu nhau thời trẻ, ta quyết sống với nhau khi góa bụa về già…”(!?)

Qua tìm hiểu học sinh sau khi xem phim “Vợ chồng A Phủ”, hầu hết các em đều cho rằng truyện hay hơn, phim “chưa tới” và ý nghĩa của phim không sâu sắc bằng truyện. Cho nên sau khi giảng dạy truyện “Vợ chồng A Phủ”, giáo viên chúng tôi mới cho học sinh xem phim và đặc biệt lưu ý các em cần nhận thức rõ ràng rằng: cảm thụ truyện là chính, còn những gì tiếp nhận từ phim chỉ mang giá trị tham khảo, không nên đưa vào trong bài làm.

Đành rằng, phim và truyện là hai loại hình nghệ thuật khác nhau, chúng có tính đặc trưng và thể hiện bằng các loại chất liệu, phương tiện khác nhau. Yêu cầu của ngôn ngữ điện ảnh xây dựng nên bộ phim tất nhiên có nhiều khác biệt so với ngôn từ hình thành nên tác phẩm văn học. Tuy nhiên phim và truyện cùng xuất phát từ một cốt truyện, nếu sự khác biệt quá lớn giữa chúng – từ chủ đề, chi tiết, hình ảnh, tính cách nhân vật… – sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình cảm thụ tác phẩm văn học của độc giả, đặc biệt là gây ngộ nhận, nhầm lẫn đối với đối tượng học sinh khi cảm thụ các tác phẩm văn học được dạy trong nhà trường.

ThS. Đỗ Thành Dương
(Trưởng bộ môn ngữ văn, Trường Dự bị
ĐH dân tộc TW Nha Trang)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)