Những năm gần đây, tại xã Đạ Nhim – vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa của huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt, kinh doanh homestay, kết hợp quảng bá các sản phẩm văn hóa bản địa đến với du khách của vợ chồng cô giáo trẻ Trần Thị Giang và chồng Nguyễn Thư Bính (tại thôn Đạ Blah) đang là “điểm đến” thú vị…
Khách du lịch nước ngoài yêu thích homestay Đạ Blah của vợ chồng cô giáo trẻ. Ảnh: Thanh Dương Hồng
Đứng từ tầng 2 căn nhà gỗ được chủ nhân làm homestay, có thể nhìn bao quát thôn Đạ Blah của người K’Ho-cil. Bởi căn nhà của đôi vợ chồng trẻ Trần Thị Giang (sinh 1990) và chồng Nguyễn Thư Bính (sinh 1986) nằm lưng chừng trên một ngọn đồi có vị trí cao nhất thôn. Lẫn khuất dưới táng những cây hồng, đu đưa những chùm quả ngọt và cà phê, các loại cây ăn trái… xen canh xanh tít tắp là 2 dãy homestay nằm yên tĩnh, thoáng đãng; bên cạnh là lối đi nhỏ được chủ nhân thiết kế để đi lại trong vườn.
Để có được cơ ngơi (đất rộng, vị trí đẹp) làm nhà ở vừa sản xuất và kinh doanh homestay như bây giờ, đôi vợ chồng trẻ này đã trải qua những năm tháng đầy khó khăn, gian nan trong quá trình mưu sinh, lập nghiệp.
Thư Bính chia sẻ, vợ chồng anh đều người Hà Tĩnh. Năm 2007, anh thi đậu và theo học ngành lịch sử Trường ĐH Đà Lạt; năm 2011 tốt nghiệp, chàng cử nhân xin về công tác tại Văn phòng UBND huyện Lạc Dương, sau đó được chuyển sang phòng lao động – thương binh và xã hội, rồi phòng văn hóa – thông tin huyện… Còn Trần Thị Giang, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Đà Nẵng (năm 2014), cô cũng xin vào giảng dạy (môn tiếng Anh) tại trường THCS xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương). Sau khi cưới nhau, đôi vợ chồng trẻ làm việc và sống cách xa nhau trên 30km (từ huyện vào xã). Theo nguyện vọng, đầu năm 2016, Thư Bính đã được chuyển công tác từ huyện Lạc Dương vào làm việc tại Văn phòng thống kê xã Đạ Nhim…
Tại đây, đôi vợ chồng trẻ đã dành dụm (vay mượn thêm bạn bè), sang được 5.000 m2 đất của người dân để làm nhà ở và trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài công tác, đôi vợ chồng trẻ tranh thủ ngày nghỉ trồng cà phê, các loại cây ăn quả và nuôi gà thả vườn.
Riêng việc đầu tư kinh doanh homestay, ông chủ trẻ “bật mí”, đó là câu chuyện rất tình cờ. Bính kể, một chiều giữa năm 2017, có một vị khách nước ngoài vào thôn Đạ Blah tìm thuê nhà nghỉ (khi đó cả xã Đạ Nhim chưa có nhà nghỉ, nhà trọ); vị khách được anh mời về nhà mình ở tạm. Tối đó, vợ chồng Thư Bính đã đưa vị khách đi thăm các gia đình người DTTS trong thôn sản xuất rượu cần, dệt thổ cẩm… vị khách “thắc mắc”: Nơi đây có cảnh quan, khí hậu, núi đồi đẹp; người DTTS còn lưu giữ các sản phẩm văn hóa độc đáo; sao không có ai khai thác?…
Từ sự “gợi ý” của vị khách, vợ chồng cô giáo trẻ đã nảy ra sáng kiến và “đồng tâm” làm homestay tại vườn nhà mình. Ngại không có khách, nên ban đầu đôi bạn trẻ làm một căn nhà gỗ (vài phòng); sau đó thấy khách du lịch, nhất là khách nước ngoài tìm đến lưu trú ngày càng đông, đã làm thêm căn thứ hai; hiện có tất cả 6 phòng (mỗi phòng từ 2 người ở trở lên); giá thuê khá “mềm”, 150.000 đồng/khách/đêm (phòng tập thể); nếu 2 khách ở chung phòng thì giá 200.000 đồng/đêm…
Chủ nhân cho biết, đa số khách lưu trú là khách trẻ, (có khi một gia đình); chiếm 70% là du khách nước ngoài. Đặc biệt, bà chủ nhà – cô giáo trẻ dạy tiếng Anh, đã “kiêm” luôn thông dịch viên nên rất thuận lợi trong giao tiếp, hỗ trợ mọi thắc mắc và yêu cầu của khách. Khách lưu trú ở homestay Đạ Blah ngoài được chủ nhà nấu ăn phục vụ (buổi trưa và tối), còn trực tiếp tham gia sinh hoạt, cùng ra vườn chăm sóc, hái trái cây, cà phê, trải nghiệm cuộc sống lao động với chủ nhà… với cách ứng xử thân thiện, cởi mở đã tạo sự thoải mái đối với khách du lịch.
Cô giáo Giang đưa tôi xem “cuốn nhật ký” dày cộp những trang viết tay (cả tiếng Việt và tiếng Anh) của nhiều vị khách ghi lại cảm tưởng đã từng lưu trú, được chủ nhà đối xử thân thiện, chu đáo trước khi rời đi. Du khách T.Ý. (TP.HCM), ghi những dòng cảm tưởng, có đoạn: “Ấn tượng đầu tiên đó là nụ cười xinh xắn, thân thiện của Giang (cô giáo chủ nhà – PV), sự nhiệt tình của Giang đã làm cho gia đình mình có cảm giác như được ở chính nhà mình vậy…”. Còn du khách Phạm Nhã An (Bình Dương), viết: “Homestay này có nguyên một khu vườn thật lớn, hoa trĩu cây, trái cây cũng trĩu cành… các món ăn rất ngon, ai cũng tốt bụng. Mọi thứ ở homestay này đều tuyệt vời”…
Song, vượt lên trên niềm vui được du khách quý mến; vượt trên số tiền thu nhập mỗi tháng kinh doanh homestay từ 10-12 triệu đồng, đó là thông qua kinh doanh homestay, vợ chồng cô giáo trẻ này đã góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa của người DTTS thôn Đạ Blah, đó là các sản phẩm: Cồng chiêng, thổ cẩm, rượu cần và các loại nông sản của nhân dân đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Cũng thông qua những vị khách từng lưu trú, trải nghiệm; qua mạng xã hội, mỗi ngày có nhiều du khách phương xa biết về Lạc Dương, về xã Đạ Nhim, thôn Đạ Blah “điểm đến” thân thiện – nơi có cảnh quan yên bình và tình người cao nguyên thật đẹp.
Để vừa mở rộng kinh doanh homestay gắn với phát triển du lịch, cô giáo Trần Thị Giang đã kết nối với một công ty du lịch ở TP.HCM để phát triển lượng khách đến với homestay của mình; đồng thời, vợ chồng cô giáo cũng đã tìm tòi để sưu tầm, trưng bày, một phòng riêng, giới thiệu các sản phẩm văn hóa cồng chiêng, các nghề truyền thống của người DTTS phục vụ khách du lịch, nhằm thu hút khách đến với Đạ Blah.
Trò chuyện với chúng tôi, cử nhân lịch sử Nguyễn Thư Bính chia sẻ, hiện nay cồng chiêng, làm rượu cần, dệt thổ cẩm… vẫn tồn tại trong các đình người K’ Ho ở thôn Đạ Blah – địa bàn chiếm hơn 90% người DTTS bản địa sinh sống bao đời nay. Nhiều năm qua, các sản phẩm văn hóa của bà con không tìm được “đầu ra” nên nhiều gia đình không mấy mặn mà…
“Nếu loại hình du lịch phát triển, khách thập phương sẽ tìm về thôn Đạ Blah tham quan, trải nghiệm; chắc chắn không xa, các sản phẩm văn hóa bản địa nơi đây sẽ có cơ hội “hồi sinh”. Du lịch là đòn bẩy phát triển văn hóa và ngược lại, các sản phẩm văn hóa sẽ trở thành sản phẩm của du lịch” – đó là chia sẻ tâm huyết của chàng công chức trẻ Nguyễn Thư Bính…
Thanh Dương Hồng
Bình luận (0)