Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vợ chồng sinh viên “lục đục” vì giá cả tăng vùn vụt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những tưởng rằng cưới chỉ dành cho những cặp đôi đã có công ăn việc làm ổn định hay chí ít cũng xong xuôi việc học hành, nhưng thực tế cho thấy một trào lưu trong cộng đồng sinh viên, đó là vừa lấy chồng vừa đi học.
Những cảnh đời… “cô dâu sinh viên”
“Tùng ơi, bắc cơm đi”, tiếng Hoa từ sau khu vực bể nước vọng ra phía mấy cậu sinh viên. Chàng trai tên Tùng đáp: “Mày bắc đi, tao đang bận”. Ai không biết cứ tưởng họ là bạn nhưng thực ra họ là một cặp “vợ chồng” sinh viên.
Thời gian đầu về sống cùng nhau, đôi bạn trẻ tình cảm lắm, cứ ríu rít suốt ngày, tối lại cùng nhau “xe đạp ơi” đi dạo phố. Tùng đã từng hùng hồn lập luận: “Ở chung, vừa đỡ tiền nhà, tiền ăn, lại được đầy đủ về mặt tinh thần cho cả hai, vẹn cả đôi đường”.
Nhưng những ngày gần đây, khi "bão giá" đang hoành hành, ai nấy cũng lo ngay ngáy về vấn đề “cơm áo gạo tiền”, thì đôi “vợ chồng trẻ” cũng lo không kém. “Ở trong khu Nhổn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) này, cứ tưởng giá cả không tăng mấy, ai ngờ cái gì cũng leo thang, tiền nhà cũng sắp tăng rồi chứ”, Hoa thở dài nhăn nhó.
Cả hai hiện đều đang là SV năm cuối. "Lấy chồng rồi nhưng vẫn phải "xin viện trợ" từ gia đình. Nhiều lúc cuối tháng hết tiền lại cuống cuồng lên chạy vạy, vay mượn bạn bè, làm thêm…", “cô vợ sinh viên" giãi bày.
Hay như Lan, cứ sau mỗi buổi tan trường các bạn trong lớp lại thấy cô bạn vội vã đạp xe tạt qua chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) Bởi vì phải lo "đi chợ, thổi cơm cho ông xã".
Làm mẹ – làm vợ vẫn tới trường (nguồn ảnh: vietbao)
Lan tâm sự do gia đình gặp khó khăn về kinh tế, bố ốm nặng, một mình mẹ làm ruộng nuôi mấy chị em ăn học, số tiền vay ngân hàng không đủ để bạn trang trải cuộc sống. Có người yêu từ hai năm nay, người yêu lại lớn hơn nhiều tuổi và đã đi làm nên gia đình cũng gợi ý việc tổ chức đám cưới luôn khi bạn còn đang học năm hai để chồng chu cấp việc ăn học.
“Từ khi lấy chồng phải lo việc đối nhân xử thế với hai bên họ hàng. Số tiền hai gia đình chu cấp eo hẹp, cuộc sống trở nên chật vật trước những lo toan hàng ngày. Mỗi khi nấu ăn, gạo hết, ga hết, chồng đôi khi lại không tiếc lời cằn nhằn cô là người lười biếng, vô tích sự và những cuộc cãi vã cũng bắt đầu nảy sinh từ đó", Lan chia sẻ.
Còn Thu cũng đang là SV một trường CĐ chấp nhận lên xe hoa khi bạn bè vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường vì may mắn yêu được anh “đại gia” ở cách nhà không xa, vậy là mặc dù mới quen và yêu được mấy tháng nhưng Thu đã vội vàng về nhà chồng vì nơm nớp lo anh đại gia đi lấy người khác.
“Với lại nhà anh ấy có hứa ra trường sẽ xin việc cho mình, gia đình bố mẹ mình nghèo, nên thấy con được trao thân vào một gia đình tử tế. Bên nhà cũng có hứa sẽ không làm ảnh hưởng đến chuyện học hành của mình. Mọi việc cưới xin mọi người lo cả. Mình chỉ về làm cô dâu thôi. Thế là cưới", Thu bộc bạch.
Và thế là sau khi cưới, các cô lại gánh trên vai một trách nhiệm nặng nề hơn, vừa làm sinh viên, vừa làm vợ.
“Vợ chồng sinh viên” ngày… “củ ấu thôi tròn”.
“Yêu nhau củ ấu cũng tròn”, cuộc sống khi đang yêu của Tùng và Hoa đầy những ước mơ đẹp đẽ và lãng mạn. Tuy nhiên, về chung sống vợ chồng một thời gian thì những gánh nặng kinh tế, sức ép công việc, học tập khiến điểm yếu của hai bên bắt đầu lộ ra.
Trong khi đó càng tới năm cuối thì cả hai đều cần nhiều tiền hơn cho việc học tập. Nhiều sức ép cũng khiến Hoa hay cằn nhằn hơn. Mỗi lần như vậy, Tùng lại chửi Hoa là loại ăn bám, tiêu quá nhiều tiền của anh mà không biết tiếc. Nhiều lần Hoa còn bị Tùng đánh té tát kêu la thất thanh khiến cả khu trọ phải chạy ra can thiệp.
Còn Lan từ ngày lấy chồng, cô luôn tới lớp muộn. Khi thầy giảng bài thì cô luôn tranh thủ “ngủ bù”. Cô bạn thân gặng hỏi cô mới dám bộc bạch: “Đi học về phải nấu ăn, sáng ra thì phải chuẩn bị bữa sáng cho anh ý, rồi còn học bài, chẳng bao giờ mình dám đi ngủ sớm…”. Rồi cô buông tiếng thở dài: “Giá mình đừng lấy chồng sớm thì chắc đỡ phải lo. Bây giờ tiền đóng học phí mình vẫn phải xin tiền bố mẹ đẻ…”.
Thu thì chỉ sau khi về nhà chồng được đúng một tháng, người chồng “đại gia” lộ đúng bản chất ham chơi và hám gái. Những cuộc tụ tập nhậu nhẹt suốt ngày, kết thúc bằng màn đi hát karaoke và nhà nghỉ khiến Thu cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, cuộc sống trở nên bức bối.
Bố mẹ chồng cũng tỏ ra coi thường khi cô con dâu không mang được đồng nào về nhà thì chớ, còn phải nuôi thêm khoản học hành tốn kém. Cuộc hôn nhân chóng vánh sau mấy tháng tìm hiểu đã phải trả giá đắt bằng tờ đơn li dị.
Đủ đường thua thiệt
Sống trong môi trường xa người thân, thiếu thốn tình cảm, sinh viên bước chân vào tình yêu trong sáng là lẽ thường, nhưng không ít cử nhân tương lai đến với nhau và “sống thử” công khai như cặp vợ chồng. Hay với nhiều nữ sinh viên khác thì lại do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Họ đã vội bước lên xe hoa, trở thành những “cô dâu sinh viên” khi đang dở dang sự học, khiến không ít người xót xa. Nhiều ông bố bà mẹ đã sửng sốt vì kỳ vọng vào sự học của con đã “nửa đường đứt gánh”. Và cái gì tới, sẽ tới…
Tùng – Hoa dù đã chuẩn bị tinh thần “chấp nhận khổ cực để được sống bên nhau”, nhưng những lo toan cơm áo gạo tiền không ít lần làm lung lay hạnh phúc. Từ khi đôi sinh viên sống thử này chuyển đến xóm trọ, mọi người thường phải chứng kiến cảnh họ chủi bới, đánh đập nhau đều đặn như cơm bữa. Việc học hành của hai người ngày càng sa sút.
Còn Lan , kỳ vừa rồi phải xin bảo lưu kết quả để sinh con. Cô dấm dứt: “Mình chỉ muốn học xong rồi sinh em bé. Thế nhưng mẹ anh ấy cứ muốn có cháu bế. Anh ấy cũng muốn chiều ý mẹ… Có con rồi khiến cho chuyện sách vở trở thành cực hình với mình…”.
Biết bao cặp “vợ chồng” đã phải chia tay vì nhận ra không hòa hợp, bao cuộc tình đẹp do ảnh hưởng của lối sống gấp, choáng ngợp vì cơ may làm giàu nhanh chóng, đã “đốt cháy giai đoạn”, bỏ dở học hành để lên xe hoa. Không ít người trong số họ sa cơ lỡ bước, chịu cuộc sống cay đắng, chịu bạo hành trong cuộc sống gia đình.
Hiện nay, hiện tượng nữ sinh viên kiêm thêm thiên chức là vợ, là mẹ không còn là chuyện hiếm. Đằng sau cuộc sống của những gia đình quá trẻ ấy là bao nỗi niềm trăn trở…
Theo Lê Nho Việt
Vietnamnet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)