Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Vở diễn bạc tỷ: Làm khó, diễn càng khó

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, việc thực hiện các vở diễn tốn hàng tỷ đồng không còn là chuyện hiếm nữa. Tuy nhiên, hầu như tất cả những vở diễn bạc tỷ này đều có cùng điểm chung: làm khó, công diễn càng khó hơn!

Diễn viên Ngân Khánh (phải) và Quý Bình trong vở kịch bạc tỷ “Xin lỗi, em chỉ là…”.

Cải lương: khó trăm bề

Trong năm 2010, sân khấu cải lương có sự khởi đầu không được trơn tru. Vở diễn “Hoàng đế Quang Trung” (tác giả Lê Duy Hạnh, chuyển thể Hoàng Song Việt, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) với kinh phí đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng đã phải tạm ngưng thực hiện với nhiều nguyên nhân. Đây là vở diễn từng được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ấp ủ thực hiện vừa nhằm đón năm mới 2010, đồng thời chuẩn bị để đưa ra Hà Nội biểu diễn chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Khi vở diễn này bị dừng lại, có người cho rằng đó là một quyết định đúng. Bởi nếu không, vở diễn bạc tỷ này cũng khó tránh khỏi tình trạng chung của các vở diễn bạc tỷ khác trước đây: sau vài suất diễn, phải cất kho. Trong số này, có thể kể đến vở “Lan và Điệp” do Công ty Cây và Đất của ca sĩ Minh Thuận đầu tư thực hiện và quy tụ đông đảo ca sĩ tên tuổi tham gia. Sau những suất diễn ở Nhà hát Bến Thành, ca sĩ Minh Thuận từng dự định sẽ đưa vở diễn đến với sinh viên ở các trường đại học trên địa bàn thành phố, nhưng đến nay cũng vẫn chỉ là… dự định!

Còn các vở diễn “Kim Vân Kiều” hay “Chiếc áo thiên nga” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang mặc dù đạt được nhiều kỷ lục, nhưng số suất diễn cũng khá ít ỏi và đặc biệt với những vở diễn hoành tráng này, việc lưu diễn, tái diễn là điều không tưởng!

Có thể nói, trong tình hình cải lương đang ngày càng èo uột, việc làm mới để sao cho hấp dẫn khán giả là điều cần thiết. Tuy nhiên, với những vở diễn được đầu tư bạc tỷ nhưng chỉ diễn được có vài suất rồi ngưng, ai không xót mới là chuyện lạ!

Kịch nói: mơ giữa ban ngày!

Đầu năm 2010, sân khấu TPHCM xôn xao với vở kịch “Xin lỗi, em chỉ là…” (tác giả Tào Đình, chuyển thể Trang Hạ, đạo diễn Hoàng Vũ) với kinh phí đầu tư lên đến hơn 4 tỷ đồng. Khi thực hiện vở diễn này, vị đạo diễn còn khá xa lạ với nhiều người – Hoàng Vũ, đã từng tuyên bố: “Mình làm một cú đột phá, chứ không chơi ngông. Sau khi trình diễn tại TPHCM, vở diễn sẽ được đưa đi lưu diễn ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng… và cả sang Mỹ”. Thế nhưng, giờ đây đã vào những ngày cuối năm 2010, khi nhìn lại thì rõ ràng từ lời nói đến hiện thực hãy còn là một khoảng cách quá xa. Có cảm giác như người làm kịch bạc tỷ này đang… mơ giữa ban ngày. Bởi sau vài suất diễn ở TPHCM, vở diễn “Xin lỗi, em chỉ là…” hoàn toàn biến mất và cũng chẳng ai thấy vở diễn này mang lại sự đột phá gì cho sân khấu thành phố, trừ đột phá về việc chi phí đầu tư cao.

Còn nhớ, trước đó đơn vị nghệ thuật công lập – Nhà hát Kịch TPHCM, cũng từng rơi vào tình cảnh “lực bất tòng tâm” khi thực hiện vở diễn hoành tráng “Tả quân Lê Văn Duyệt”. Một nhà hát có vỏn vẹn vài ba diễn viên, nhưng lại làm “Tả quân Lê Văn Duyệt” với số lượng lên đến vài chục người nên chi phí mỗi lần diễn rất tốn kém, chưa kể việc khó huy động lực lượng. Chính việc “không biết lượng sức mình” mà sau khi công diễn “Tả quân Lê Văn Duyệt”, nhà hát đành ngậm ngùi đem vở diễn cất kho. Bởi, nếu tái diễn “Tả quân Lê Văn Duyệt”, chắc chắn nhà hát sẽ phải đối mặt với thực tế phũ phàng: từ lỗ đến lỗ!

Có thể nói, khi nhắc lại những vở diễn bạc tỷ “làm khó, diễn càng khó hơn” như thế, có người sẽ cho rằng, biết rồi khổ lắm nói mãi. Nhưng vẫn phải nói, nói để mong sao trong năm mới 2011 sân khấu thành phố sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, hiệu quả hơn.

VÂN AN (Theo SGGP)

Bình luận (0)