Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Võ đường tình thương của cô giáo già

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Loan (giữa) đang hướng dẫn động tác cho trẻ khuyết tật, chậm phát triển

Võ đường ấy không có tiếng hô dõng dạc của các võ sinh, không có màn tập mạnh mẽ và đồng đều như buổi đồng diễn, nhưng lại có những đứa trẻ kém may mắn ngày qua ngày cố gắng đến sàn tập đều đặn. Đặc biệt là có cô giáo già tóc đã bạc vẫn nhiệt tình chỉ từng động tác cho môn đồ của mình…
Cô giáo già ấy chính là cô Nguyễn Thị Thanh Loan, 63 tuổi, trưởng bộ môn Aikido Hồ Xuân Hương, Q.3, TP.HCM. Tấm lòng của cô đối với trẻ em khuyết tật khiến nhiều người khâm phục…
Dạy võ, rèn người bằng tình thương
Hơn 43 năm dạy Aikido, cô Loan luôn mơ ước đến một ngày nào đó mình có thể mở lớp dạy võ cho trẻ em khuyết tật và khó khăn. Năm 2005, khi thành phố thành lập Hội Võ thuật người khiếm thị, cô Loan đã tự nguyện xin mở lớp dạy miễn phí cho trẻ khiếm thị. Mới đầu cô gặp không ít khó khăn do lớp học thiếu kinh phí cũng như kinh nghiệm dạy trẻ khuyết tật chưa nhiều.
Nhưng sau 5 năm đi vào hoạt động, được sự động viên, hưởng ứng từ nhiều phía, đến nay lớp học từ thiện của cô Loan phụ trách đã được nhân rộng với các lớp tại Nhà Thi đấu Hồ Xuân Hương, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu và Hội Người mù thành phố.
Một buổi sáng thứ hai, trên sàn tập tại Nhà Thi đấu Hồ Xuân Hương, sau nghi thức cúi chào tổ sư Aikido trên bức tranh lớn treo giữa sàn tập, các trẻ em khiếm thị, chậm phát triển bắt đầu với những động tác khởi động của buổi tập mới. Được mẹ cho đi học lớp võ gần 3 tháng nhưng Hà Thanh, 21 tuổi lại tỏ ra lười trong các động tác khó. Thỉnh thoảng khi không hiểu hay chưa tập được một động tác nào đó, Hà Thanh thường cáu lên, sau đó nằm xoài ra giữa sàn. Học trước quên sau và rất bướng bỉnh, khó chiều là đặc tính của những đứa trẻ khuyết tật, chậm phát triển. Biết được điều này, cô Loan luôn tìm cách dỗ dành và hướng dẫn các em. Cô Loan quan niệm “Học võ cũng là một cách học làm người. Với trẻ em khuyết tật, chậm phát triển, chuyện lớn tiếng để các em chăm chú học chỉ mang yếu tố nhất thời. Nhẹ nhàng dỗ dành các em và từ từ hướng dẫn các động tác mới tạo nên nhiều hiệu quả. Phương châm của tôi khi dạy là làm sao để các em khi té vẫn không đau, không ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng”.
Niềm vui nho nhỏ của người “vác tù và hàng tổng”
Trong bộ đồng phục võ, sau khi cúi chào tổ sư Aikido, Bùi Tất Thành, 16 tuổi, chạy một vòng quanh phòng và nằm xuống dùng hai tay đập mạnh xuống sàn bắt đầu những bước khởi động đầu tiên. Gần đó, Lý Nhật Long, 19 tuổi, khuyết tật teo chân teo tay vẫn nghiêm túc chấp hành nội quy lớp võ. Sau khi khởi động và ôn lại bài, Long chăm chú theo dõi các động tác do cô hướng dẫn và tập luyện rất hăng say. Đôi tay, đôi chân co quắp vẫn cố gắng “nhả” từng động tác một cách khéo léo. “Học võ rất thú vị. Tập võ một thời gian em thấy mình nhanh nhẹn lên rất nhiều”, Long chia sẻ.
Nhìn thấy sự tiến bộ rõ rệt của các môn sinh qua một thời gian tập luyện, cô Loan hào hứng: “Không gian nhỏ hẹp tại gia đình có thể khiến cho những trẻ khuyết tật, chậm phát triển trở nên chậm chạp và béo phì. Vì thế, việc học võ có tác dụng giúp cho các em trở nên nhanh nhẹn, vui vẻ hơn. Nhìn bọn trẻ hăng hái tập luyện từng động tác dù không thể hoàn hảo như người bình thường, tôi có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với các em”.
Nghỉ giải lao giữa buổi tập, cô Loan đưa cho chúng tôi xem một album ảnh chụp trong các kì thi đấu, giao lưu của các môn sinh khuyết tật, chậm phát triển. Ánh mắt sáng lên niềm vui qua lời giới thiệu từng bức ảnh, cô Loan tâm sự: “Mỗi năm có giải thi đấu hay biểu diễn giao lưu tôi đều cố gắng cho các em đi để vừa học hỏi, vừa vui chơi lành mạnh và dạn dĩ hơn với cuộc sống bên ngoài”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Loan chưa bao giờ đơn độc trong việc dạy võ từ thiện cho trẻ em khuyết tật là bởi bên cô không chỉ có sự hỗ trợ từ Ban giám đốc, Ban chủ nhiệm CLB TDTT Hồ Xuân Hương mà còn có sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía gia đình học trò. Đều là những người trong nghề nên mỗi khi cô Loan bận việc hay ốm đau, chồng và các con cô liền thay nhau dạy thế. Kinh phí để mua đồng phục, mua kẹo bánh tổ chức Ngày Quốc tế thiếu nhi, Trung thu… cho các em đều được các con và bạn bè thân hữu của cô tích cực ủng hộ.
Tâm sự về dự định trong thời gian tới, cô Loan cho biết đang cố gắng vận động và kêu gọi nhiều tấm lòng nhân ái để lập thêm một lớp võ cho những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ. Ngoài ra, cô cũng đang băn khoăn về việc tạo điều kiện đi lại cho các em mồ côi, khuyết tật ở Chùa Kì Quang (Q.Gò Vấp), Chùa Linh Quang (Q.4) để các em được tập trên sàn tập đúng chuẩn ở nhà thi đấu.
Bài, ảnh: Phương Dũng

“Bạn bè vẫn thường đùa tôi là người “vác tù và hàng tổng” nhưng tôi nghĩ, mình già rồi làm được việc gì có ích cho thế hệ trẻ thì nên cố gắng. Bên cạnh tôi luôn có gia đình động viên ủng hộ. Mỗi lần đưa các môn đồ đi thi đấu, chỉ cần có “vệ sĩ” chồng hoặc các con đi cùng là tôi yên tâm rồi”, cô Loan mỉm cười chia sẻ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)