Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Vở “Khúc tráng ca thành Gia Định”: Thêm yêu những trang sử hào hùng

Tạp Chí Giáo Dục

Vở cải lương "Khúc tráng ca thành Gia Định" (tác giả Phạm Văn Đằng, đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ) là điểm nhấn đầu năm của Đoàn 2 Nhà hát Trần Hữu Trang

Đoàn 2 Nhà hát Trần Hữu Trang đã đưa vào lịch biểu diễn tháng 1 vở cải lương sử Việt "Khúc tráng ca thành Gia Định". Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của đơn vị nghệ thuật công lập khi nỗ lực tăng cường các tác phẩm sử Việt.

Cảm xúc trong từng lời thoại

Trước hết phải ghi nhận sự tâm huyết với nghề của đạo diễn Hoa Hạ. Cùng với soạn giả Hoàng Song Việt, bà luôn tạo điều kiện tốt nhất cho lực lượng trẻ tham gia khâu sáng tác, đặc biệt là những sáng tác về đề tài sử Việt. Lần này bà bỏ ra nhiều công sức chỉnh sửa, thêm thắt để phù hợp với tư duy dàn dựng mới cho kịch bản "Khúc tráng ca thành Gia Định" của tác giả trẻ Phạm Văn Đằng.

Vở cải lương "Khúc tráng ca thành Gia Định" kể về tấm gương anh hùng yêu nước của nhân vật Võ Duy Ninh – người được triều đình nhà Nguyễn thăng chức Tổng trấn Định Biên, quản nhiệm 2 tỉnh Gia Định và Biên Hòa. Qua bàn tay của đạo diễn Hoa Hạ, vở "Khúc tráng ca thành Gia Định" đã được kể bằng sự giản dị, cảm xúc trong từng lời thoại, ánh mắt, cử chỉ của các nhân vật được khai thác triệt để những ưu thế vốn có của nghệ thuật cải lương.

Câu chuyện lịch sử trở nên hấp dẫn, có điểm nhấn, đặc biệt là dành hẳn đất diễn cho các nghệ sĩ trẻ thể hiện khả năng chuyên môn, rèn luyện kỹ năng sân khấu. Nếu trước đây ở tác phẩm "Trung thần" nói về Tả quân Lê Văn Duyệt, đạo diễn Hoa Hạ đã dốc hết công sức để nâng diễn xuất của NSƯT Lê Trung Thảo lên vị thế mới thì với "Khúc tráng ca thành Gia Định", một loạt diễn viên trẻ đã được tạo điều kiện đảm đương vai diễn khó, nhằm hướng đến lực lượng kế thừa đủ tầm vóc của một nhà hát đẳng cấp.

Theo những người trong cuộc, thế hệ nghệ sĩ trẻ của Đoàn 2 Nhà hát Trần Hữu Trang đã đảm trách phần lớn các vai diễn nặng ký trong "Khúc tráng ca thành Gia Định" và cho thấy tràn trề năng lượng. Vấn đề còn lại là cần tăng cường đầu tư, tìm tòi kịch bản hay, mà việc đặt hàng sáng tác nhằm tạo cơ hội giới thiệu tác giả trẻ là một cách làm hay cần được phát huy.

Vở "Khúc tráng ca thành Gia Định": Thêm yêu những trang sử hào hùng- Ảnh 2.

Một cảnh trong vở cải lương sử Việt “Khúc tráng ca thành Gia Định”. Ảnh: Thanh Hiệp

Phải tạo ra thế hệ khán giả trẻ

Để tạo sức sống và mang hơi thở đương đại cho kịch bản sử Việt, NSND Trần Minh Ngọc cho rằng cần phải nói không với cách dàn dựng cũ khiến tiết tấu vở vừa chậm vừa dài. Không nên quá lệ thuộc vào hình thức, tạo cảm giác rườm rà từ trang trí đến trang phục. Cần phải nâng cao giá trị thẩm mỹ của vở diễn và nghệ sĩ phải sáng tạo trên cơ sở kịch bản được đầu tư nghiêm túc.

Tuổi thọ của một vở sử thường ngắn hơn vở hiện đại, vì thế thời lượng vở diễn để khán giả không chán là mấu chốt quan trọng. Ở vở "Khúc tráng ca thành Gia Định", các sự kiện cứ nối kết nhau, tiết tấu nhanh, gọn, thay đổi bối cảnh và không gian hợp lý đã tạo hiệu ứng đồng bộ cho diễn xuất của nghệ sĩ.

Một nghệ sĩ lão thành lưu ý: "Dựng một vở lịch sử hay đã khó, giữ nó sống bằng những đêm diễn trong dàn kịch mục thường xuyên ở đơn vị nghệ thuật càng khó hơn". Dù biết vậy, các nghệ sĩ trẻ đã không thờ ơ với đề tài lịch sử, họ lao vào cuộc, thậm chí NSƯT Võ Minh Lâm cũng hăng hái muốn xin được gia nhập nhưng vở không còn vai nào phù hợp với anh. Chính điều này đã làm cho cách nhìn về lịch sử tươi mới hơn, cùng với những sáng tạo nghệ thuật được đầu tư hiệu quả đã giúp khán giả hiểu hơn, yêu hơn và trân trọng lịch sử dân tộc.

"Hiện nay phần lớn giới trẻ – nhất là học sinh, sinh viên – ít có cơ hội được tiếp cận với sân khấu, nên để tiếp cận họ, những người làm nghệ thuật phải tạo ra thế hệ khán giả trẻ có nhu cầu xem vở sử Việt" – NSND Trần Minh Ngọc đề xuất. 

Theo các nhà chuyên môn, những nghệ sĩ của Đoàn 2 Nhà hát Trần Hữu Trang như: NSƯT Trọng Nghĩa, nghệ sĩ Điền Trung, Nguyễn Văn Mẹo, Hoàng Hải, Hiền Linh, Thanh Hải, NSƯT Tú Sương, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Thy Trang, Trúc Phương… đã thể hiện rất tốt các nhân vật sử Việt. Họ thể hiện được cái thần và chất lửa của mỗi nhân vật trong vở không thua kém gì các nghệ sĩ đàn anh, đàn chị đi trước.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)