Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vỡ mộng giá ô tô

Tạp Chí Giáo Dục

Từ năm 2014, thuế nhập khẩu ô tô được hạ thấp dần theo lộ trình cam kết của khu vực ASEAN cũng như Tổ chức Thương mại thế giới. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam đang vỡ mộng được sở hữu một chiếc ô tô giá thấp, ngay cả khi thuế nhập khẩu bằng 0% vào năm 2018.

Giá cao do thuế dày

Bước sang năm 2014, khi thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN giảm từ 60% xuống còn 50% đối với dòng xe dưới 25 chỗ ngồi, nhiều người tiêu dùng trong nước nuôi mộng sẽ sớm được sở hữu một chiếc ô tô với giả cả hợp lý. Tuy nhiên, khi nhìn vào hàng rào thuế, phí giăng chằng chịt, bao quanh mỗi chiếc ô tô mới nhận ra không dễ dàng gì sở hữu được, đặc biệt đối với đa số những người có thu nhập trung bình hiện nay. Còn đối với những đối tượng cấp thiết cần ngay ô tô để giao dịch làm ăn, đành phải “cắn răng chịu đựng”, dẫu giá xe trong nước đang cao gấp 1,5 lần trong khu vực và gấp 3 lần ở Mỹ!

Sau thời gian suy tính, anh Nguyễn Trung Quang, làm nghề kinh doanh tự do, ngụ quận Tân Phú TPHCM hạ quyết tâm tậu một ô tô 4 chỗ để thuận tiện trong việc làm ăn. Sau khi được một số bạn bè trong và ngoài nước tư vấn, anh chọn chiếc Toyota Camry 2.5Q nhập khẩu. Người bạn ở Mỹ điện thoại về báo cho anh Quang biết, chiếc xe này ở Mỹ có giá khởi điểm hơn 22.000 USD. Sau đó, anh Quang thông qua một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu ô tô để “rước” chiếc Camry 2.5Q về Việt Nam với giá 60.000 USD, trong đó gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và các loại phí như: trước bạ, đăng kiểm, đường bộ, cấp biển số xe, bảo hiểm… “Lúc đầu mình tính toán, nhập khẩu ô tô về chỉ phải chịu 3 loại thuế, cao lắm cũng tăng khoảng 100%, nào ngờ sau đó công ty nhập khẩu báo đóng thêm gần 10 loại phí nữa nên giá mới đội lên đến vậy”, anh Quang chia sẻ.

Nhiều người tiêu dùng trong nước cũng cho biết, thông qua báo chí thấy các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan và Indonesia tung ra hàng loạt các mẫu xe giá rẻ, chỉ trên dưới 10.000 USD/chiếc với động cơ 1.0L đến 1.5L như Mitsubishi Mirage, Daihatsu Ayla, Honda Brio Satya… Tuy nhiên, khi khách hàng liên hệ để mua xe, đại diện các công ty nhập khẩu ô tô giải thích khi xe về đến Việt Nam sẽ cao hơn 100 – 300 triệu đồng tùy loại. Đơn cử, tại Thái Lan, chiếc Toyota Yaris phiên bản E có giá bán 17.700 USD, khoảng 400 triệu đồng, nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam giá lên tới 661 triệu đồng. Hay chiếc Suzuki Swift lắp ráp tại Việt Nam có giá bán 550 triệu đồng, nhưng tại Thái Lan giá bán ra chỉ 15.000 USD, tương đương hơn 300 triệu đồng. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp – Bộ Công thương, lý do giá ô tô ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực do chi phí sản xuất lớn hơn, thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam đối với dòng xe dưới 9 chỗ cũng cao hơn.

Cơ hội sở hữu ô tô giá rẻ khó thành hiện thực.

Trên thực tế, ngoài thuế, phí dày đặc, thì lợi nhuận khá cao tại các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũng góp phần đẩy giá ô tô đến tay người tiêu dùng tăng cao chót vót. Đơn cử, một mẫu xe hạng sang có giá nhập khẩu theo khai báo hơn 33.000 USD, nhưng giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng khoảng 121.000 USD và doanh nghiệp nhập khẩu tự nhận “ăn” chênh lệch 12.394 USD, tương đương 260 triệu đồng. Với mẫu xe hạng sang khác có giá khai báo hơn 40.000 USD, nhưng giá bán lên tới gần 3 tỷ đồng, doanh nghiệp thu chênh lệch 11.805 USD, khoảng 250 triệu đồng/xe.

Khó giảm giá

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chính sách thuế, phí sẽ được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, có xe chở người từ 9 chỗ trở xuống kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân. Để thực hiện chiến lược này, Bộ Công thương đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với loại xe có dung tích xi lanh từ 1.2L – 1.5L và 15% với xe có dung tích xi lanh dưới 1.2L so với mức hiện hành là 45%. Tuy nhiên, hiện các hãng sản xuất ô tô trong nước vẫn không mấy mặn mà với những dòng xe này.

Đối với ô tô dung tích xi lanh từ 1.6L trở lên đến 2.0L sẽ giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay là 45%, trong khi đó, loại xe trên 2.0L trở lên có thể bị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt vì không khuyến khích sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc những dòng xe ô tô đang thông dụng hiện nay càng khó giảm giá. Ngoài ra, còn phải kể đến yếu tố hiệu quả của sản xuất.

Theo các chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô, số xe mà các liên doanh đăng ký sản xuất hàng năm chỉ là để báo cáo. Trên thực tế, các doanh nghiệp này chưa khai thác được hết công suất của dây chuyền. “Thông thường, công suất khai thác càng thấp thì càng lỗ vì không đủ doanh thu để khấu hao của cả dây chuyền. Thế nhưng các liên doanh vẫn có lãi cao. Điều này chứng tỏ giá bán ô tô đã và sẽ bị đẩy lên rất nhiều so với giá trị thực của xe”, kỹ sư Phan Anh Dũng, Công ty TNHH SX TM Cơ khí ô tô Trường Sơn, quận Bình Tân phân tích.

Như vậy, dù đến 2018 khi thuế suất thuế nhập khẩu về 0%, nhưng với thực trạng sản xuất èo uột trong nước, trong khi đó xe nhập nguyên chiếc còn phải chịu sự ngăn cản của hàng rào phí, thuế quan như quy định tiêu chuẩn ngặt nghèo đối với các đại lý nhập khẩu về năng lực tài chính, kho bãi, hệ thống bảo hành, bảo trì, cấp quota, nâng giá tính thuế, do đó những chiếc xe giá rẻ nếu nhập về Việt Nam vẫn có giá bán không hề rẻ…

LẠC PHONG

(SGGP)

Bình luận (0)