Ở SEA Games 24, Nguyễn Thanh Quyền hẳn là VĐV đen đủi nhất trong đoàn TTVN. Thi đấu đủ từ vòng loại, thắng oanh liệt VĐV Indonesia trong trận tranh HCV, nhưng vì một lỗi của BTC mà không được trao huy chương.
> Phó Vụ trưởng Vụ TTTTC – Tổng cục TDTT Nguyễn Ngọc Anh: Đang xây dựng chế độ sau nghỉ thi đấu cho VĐV
Khi ấy, lãnh đạo đoàn TTVN, vì nhiều lý do tế nhị đã yêu cầu đội silat đang rất bức xúc không kiện cáo, vì thành công của ĐH, kèm theo lời hứa, khi về nước sẽ đề nghị xét thưởng cho Quyền như những VĐV giành HCV khác. Thế nhưng, 9 tháng sau SEA Games 24, Quyền vẫn đang mòn mỏi chờ đợi lời hứa ấy được thực hiện. Bản thân anh thì vì chấn thương ở SEA Games 24 đã phải giải nghệ, bị cắt hết mọi chế độ và phải sống nhờ vào gia đình.
Giá đắt
Tôi rùng mình khi Quyền cho xem vết thương ở chân. Lấy tay đẩy nhẹ, chỗ đầu gối nối đùi và cẳng chân của anh lủng liểng như chỉ còn dính vào nhau bởi lớp da bên ngoài. “Đứt đây chằng chéo sau, tổn thương sụn chêm, có tái tạo cũng chỉ 1-2 năm là đứt lại, mà mổ còn nguy hiểm hơn. Chỉ còn mỗi cách là nghỉ luôn” – lời tuyên bố của tiến sĩ Moss – vị ân nhân của các VĐV VN, đặt đấu chấm hết cho sự nghiệp của Quyền chỉ 2 tháng sau khi từ Thái Lan trở về. “Trước SEA Games mấy tháng, em nó đã tự bỏ tiền đi chụp cắt lớp, bác sĩ bảo dây chằng chéo đã đứt bán phần, tốt nhất là không thi đấu nữa. Nhưng rồi các thầy động viên, mà chẳng hiểu làm thế nào với nó vẫn thắng được cơ chứ” – mẹ Quyền kể.
Nhưng cái giá Quyền phải trả cho nỗ lực ở SEA Games 24 quá đắt. Chẳng những cái phần dây chằng chưa đứt nốt, mà cả gia đình còn chịu nỗi ấm ức vì tấm HCV hụt của Quyền. “Cả nhà đã ngồi xem trận chung kết của Quyền qua tivi, hàng xóm cũng chạy sang chúc mừng tới tấp, nên khi cô em từ quê gọi điện báo tin chuyện trao HC có trục trặc, tôi không tin. Đến giờ, tôi vẫn còn giữ tờ báo có đăng lời hứa của ông Hoàng Vĩnh Giang sẽ thưởng cho Quyền khi về nước đấy. Cuối cùng không được gì. Không có một lời an ủi gọi là có” – bà Đoàn Thị Hảo – mẹ của Quyền ngậm ngùi.
Hơn thế, sau khi về Hà Nội với kết luận của tiến sĩ Moss, Quyền còn bị HLV trưởng đội silat Hà Nội Trần Thu Hương kết tội là “lừa dối” để sang thi đấu cho đơn vị khác. Mọi chế độ bị cắt, sau 7 năm cống hiến cho thể thao thủ đô, Quyền tay trắng. Chỉ có các thầy ở ĐTQG – thương cho cậu học trò tài năng – là cố gắng chạy khắp nơi xin cho Quyền được chút bảo hiểm, nhưng đến giờ là 9 tháng sau SEA Games vẫn chưa có kết quả. “Tôi nghe nói đoàn TTVN có mua bảo hiểm, nhưng chỉ đến 31.12.2009 là hết hạn. Mà tôi cũng không rõ đó là bảo hiểm gì? Quyền là số 1 của silat VN ở hạng cân 85kg nam, giờ phải giải nghệ thế này, tôi chỉ mong ít ra em cũng có chút tiền bảo hiểm” – HLV trưởng ĐT silat Nguyễn Xuân Hải bất lực chia sẻ với cậu học trò.
Con 25 tuổi, mẹ vẫn phải nuôi
Nhờ Nhà nước mở rộng đường, nhà Quyền được ra mặt đường và quán bia vỉa hè là kế sinh nhai của cả gia đình. Nhưng, nhà cũng chỉ có 7m2 toen hoẻn mà những 5-6 khẩu, quán chỉ bán được vài tiếng buổi tối mà tất cả chi phí thuốc thang cho hai ông bà già bệnh tật và tiền ăn học cho Quyền đều trông cả vào đó. “Em đang học ĐH TDTT Từ Sơn, hy vọng sau này ra trường xin dạy ở đâu đó, chứ đường trở lại silat thì hết rồi. Là VĐV mà hôm rồi thi điền kinh chỉ được có 5 điểm thôi, vì cứ chạy là đầu gối lủng lẳng” – Quyền buồn rầu cho biết.
25 tuổi, cậu con trai duy nhất đáng nhẽ là chỗ dựa của bố mẹ, bây giờ lại phải để bố mẹ nuôi. Bà Hảo xót xa: “Quyền ngày xưa học giỏi lắm. Nhưng vì mê học võ, vào ngành thể thao mà đi vụng, đi trộm, bố mẹ can thế nào cũng không được. Vừa học hết lớp 11 thì các thầy đến xin cho vào ĐT trẻ quốc gia. Học hành dở dang…”. Theo học ở Từ Sơn, không có tiền mua xe máy, cuối tuần Quyền phải đi nhờ xe của bạn bè về nhà bên Hà Nội. Mọi chi tiêu ăn, uống đều phải tằn tiện trong khoảng 200.000 đồng/tuần bố mẹ cho – Quyền cho biết.
Thế nhưng, hỏi Quyền và mẹ, có hối hận vì theo nghề thể thao bạc bẽo này không, bà Hảo nói thay con: “Tôi chỉ mong ngành thể thao làm cách nào đó cho em nó đỡ thiệt thòi. Dù không có tiền thưởng, nhưng nếu được một lời động viên thì cũng thoải mái. Đừng có xong là phủi tay luôn. Như thế thì sau này cha mẹ nào dám cho con theo nghề thể thao nữa?”.
Cùng cảnh ngộ với Nguyễn Thanh Quyền, võ sĩ từng nhiều lần giành HCV SEA Games Trịnh Thị Ngà cũng bị chấn thương đứt dây chằng chéo trước và phải giải nghệ. Cô gái xinh đẹp này rất đáng thương khi gặp phải tình trạng “chân to, chân nhỏ” sau giải phẫu và hiện cũng chẳng có bảo hiểm. |
Quang Minh (theo laodong)
Bình luận (0)