Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vô tội vạ đại học quốc tế !

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chưa có quy chuẩn trường đại học quốc tế nhưng trường mang tên quốc tế bắt đầu có xu hướng tràn lan, khiến người học rất dễ…. mua nhầm hàng giả

Sau một số trường ĐH có tên quốc tế được thành lập như Trường ĐH Quốc tế (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, mới đây, Trường ĐH Dân lập Hồng Bàng cũng được chính thức đổi tên thành Trường ĐH Tư thục Quốc tế Hồng Bàng. Việc này đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, kể cả sinh viên của trường. Bởi sinh viên của trường từng phản ứng rất nhiều về điều kiện đào tạo, quản lý đào tạo… của trường.

Cổng trường Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng với rất nhiều bảng hiệu quảng bá tên tuổi là trường quốc tế
Quốc tế thật hay chỉ nhằm chiêu dụ sinh viên?
Một cán bộ Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT khẳng định việc trường ĐH Hồng Bàng đổi tên do cấp có thẩm quyền quyết định. Còn để có chữ “quốc tế”, Trường ĐH Hồng Bàng đã xây dựng đề án, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành – trong đó có Bộ GD-ĐT- thẩm định… Trong đề án, trường giải thích là chương trình đào tạo có liên kết quốc tế, chất lượng đào tạo đạt chất lượng quốc tế… vì thế đã được chấp thuận đổi tên thành trường ĐH quốc tế!
Theo GS Phạm Phụ, Bộ GD-ĐT lý giải việc “có yếu tố liên kết đào tạo ĐH quốc tế” nên cho thành lập ĐH quốc tế như ĐH Quốc tế Hồng Bàng thật là chuyện khôi hài. Thật ra, không có mô hình ĐH quốc tế. Cũng chẳng ở đâu trên thế giới này có chuẩn mực để gọi tên ĐH quốc tế.
Còn TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng từ “quốc tế” không phải là một tên khoa học mà chỉ là tên thương hiệu. Vì vậy nên ai thích sử dụng chữ “quốc tế” cũng được!
TS Vũ Thị Phương Anh nhận định hiện nay trên thế giới, nhiều trường ĐH có xu hướng sử dụng tên quốc tế nhưng hầu hết những trường ĐH đó đều là trường yếu kém về chất lượng đào tạo hoặc là trường mới thành lập, dùng tên quốc tế nhằm chiêu dụ người học. Trong khi đó, những trường ĐH có đẳng cấp quốc tế thì lại không cần sử dụng tên quốc tế.
Không chỉ ĐH Hồng Bàng đổi tên thành quốc tế, gần đây cũng nổi lên hiện tượng đua nhau lập trường ĐH quốc tế nhưng không có cơ sở pháp lý nào để thể hiện đây là loại hình trường quốc tế!
Thiếu quy chuẩn
Một cán bộ lãnh đạo Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết: Hiện chưa có văn bản quy định nào trong việc hình thành ĐH quốc tế. Tuy vậy, ngay khi trường ĐH quốc tế ra đời cũng phải tự tuân theo những tiêu chuẩn cần thiết để đào tạo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, về đội ngũ giảng dạy, thời gian đầu nhà trường phải đạt ít nhất 40% cán bộ giảng dạy là giảng viên nước ngoài. Sinh viên tuyển đầu vào phải đạt chuẩn tiếng Anh và được giảng dạy bằng tiếng Anh. Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nghiên cứu phải được đáp ứng…
Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo còn nhiều hạn chế, việc thực hành, thực tập của sinh viên cũng hạn chế. Các cơ sở của trường rải rác khắp TP, nhiều cơ sở xa trung tâm khiến sinh viên phải “chạy đua” khắp nơi để theo kịp lịch học… Khi trường đổi tên quốc tế, nhiều sinh viên còn tỏ ra mắc cỡ thay vì tự hào.
Như vậy, qua việc Trường ĐH Dân lập Hồng Bàng đổi tên thành quốc tế cho thấy sự thiếu quy chuẩn, thiếu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý.
Cần quản lý chặt chẽ
TS Vũ Thị Phương Anh cho rằng trên thế giới những trường ĐH mang tên quốc tế hoạt động trên hai lãnh thổ khác nhau nên thường thoát ra sự kiểm duyệt pháp luật của cả hai nước. Còn người học ở đất nước kém phát triển thì lại dễ bị lóa mắt trước cái tên quốc tế. Vì vậy, vấn đề là cần có bàn tay quản lý của Nhà nước. Bộ GD-ĐT cần siết chặt quản lý những trường sử dụng “vô tội vạ” thương hiệu quốc tế để bảo vệ người học vốn ở thế yếu và chịu thiệt thòi nhất. Việc dễ dãi cho phép và sử dụng thương hiệu quốc tế để lòe bịp người học mà thiếu quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến hiện tượng phát sinh tràn lan các trường đại học mang tên… quốc tế nhưng chất lượng thì còn quá thấp.
Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, có thể nói việc quản lý các hoạt động giáo dục mang thương hiệu quốc tế vẫn chưa thực sự hiệu quả nếu không muốn nói là gần như hoàn toàn bỏ ngỏ.
TS Vũ Thị Phương Anh đề xuất ngành giáo dục cần sớm điều chỉnh hoặc thiết lập một hành lang pháp lý phù hợp để tạo điều kiện bảo vệ quyền lợi của người học. Về phía người học, cũng phải biết xử lý các thông tin để đưa ra những quyết định đúng đắn, cảnh giác và tự bảo vệ mình trước những trường ĐH chỉ chú tâm lòe bịp.
Khốn đốn vì hai chữ… quốc tế
Gặp nhiều sinh viên tại ký túc xá của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, nằm ở tầng trên cùng tại số 521/22A Thống Nhất, quận Gò Vấp-TPHCM, chúng tôi chứng kiến nhiều em rơi nước mắt khi được hỏi về tình hình học tập tại trường.
L.T, sinh viên năm thứ hai ngành tài chính ngân hàng, nói: “Em không dám gọi điện về nhà vì ba mẹ hỏi thì không biết phải trả lời sao. Trong năm học vừa rồi, có tháng, tụi em thường xuyên phải ở nhà vì không có lịch học”. Em cho biết thêm đã học hết năm thứ nhất nhưng nhà trường chưa bố trí học nổi đến 10 môn vì giảng viên không có, phòng học cũng không.
T.H, sinh viên năm thứ nhất ngành kế toán – kiểm toán, cho biết mới đây em vừa phải thi hết môn ở cơ sở Ngô Quyền từ lúc 16 giờ đến 18 giờ 30 phút, nhưng lịch học môn tiếng Anh ở cơ sở Gò Vấp lại bắt đầu lúc 18 giờ 15 phút. do đó thi xong, em vội vàng đến lớp tiếng Anh nhưng thầy giáo không cho vào vì đến trễ, mà trường quy định nếu bỏ học hai buổi là cấm thi.
Việc sắp xếp lịch học, lịch thi cũng hết sức vô lý. T.H cho biết các bạn trong lớp của em đều giật mình khi nhận được lịch học môn giáo dục thể chất và giáo dục pháp luật trùng buổi, trùng ngày. Nhiều sinh viên tại ký túc xá xót xa: “Trường đã lừa sinh viên bằng mác “quốc tế”. Trường quốc tế học phí cũng “quốc tế” khiến sinh viên tụi em khốn đốn”.
T.Vinh
 Bài và ảnh: Xuân Hương (NLĐ)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)