Kết thúc mùa tuyển sinh năm nay, kết quả xét tuyển 3 nguyện vọng, nhiều trường đã khiến dư luận không khỏi giật mình khi phải công bố tạm ngừng đào tạo một số ngành do không tuyển đủ số thí sinh cần thiết để mở lớp. Thực trạng tuyển sinh bi đát năm nay tiếp tục phản ánh thực chất việc thi tuyển ĐH trong những năm qua. Mặc dù Bộ GD&ĐT khẳng định số thí sinh đạt điểm thi từ điểm sàn trở lên cao hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh nhưng vì sao các trường vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu?
Mới chỉ điểm qua đã thấy một loạt các trường phải đóng cửa ngành học vì quá ít hoặc không đủ thí sinh trúng tuyển. Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) đã phải đóng cửa ngành học Tài chính – Ngân hàng vì duy nhất một thí sinh thi đỗ vào ngành này trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay. ĐH Huế có nhiều ngành chỉ tuyển được vài thí sinh như ngành Song ngữ Nga – Anh chỉ có 1/24 chỉ tiêu, Khoa học nghề vườn 1/12 chỉ tiêu, Địa chất công trình và địa chất thủy văn 1/12 chỉ tiêu, Hán Nôm 1/41 chỉ tiêu, Ngôn ngữ học 1/42 chỉ tiêu… Đáng buồn hơn, tại Trường ĐH Đà Lạt đến hết ngày 10/10 vẫn còn 6 ngành “trắng” hồ sơ. Trong năm học này, trường phải đối diện với việc hàng loạt ngành phải ngưng mở lớp đào tạo vì thiếu người học trầm trọng.
Vì lượng hồ sơ quá ít so với chỉ tiêu cần tuyển nên ĐH Đồng Tháp đã đóng cửa 4 ngành: Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, Khoa học thư viện và Công nghệ thiết bị trường học. ĐH Thái Nguyên có tổng chỉ tiêu xét tuyển NV3 nhiều nhất của cả nước khi các trường thành viên cần tuyển gần 1.800 chỉ tiêu nhưng đến nay mới nhận được chưa tới 150 hồ sơ. ĐH An Giang sẽ đóng cửa 3 ngành: Sư phạm Hóa học, Địa lý và Lịch sử. Còn nhiều ngành học và trường phải đóng cửa ngành học không thể liệt kê ra hết…
Mặc dù các trường đều cho biết là những thí sinh trúng tuyển nhưng do không đủ số lượng thí sinh phải đóng cửa ngành học sẽ được chuyển qua ngành khác cùng khối theo nguyện vọng của thí sinh, nhưng xét cho cùng, người thiệt thòi ở đây chính là các thí sinh khi họ đã chọn ngành học là có sự đầu tư công sức, tiền bạc cho tương lai, thậm chí cả sự kỳ vọng của gia đình, dòng họ, nhưng tất cả sự phấn đấu, kỳ vọng ấy không thể thực hiện được chỉ vì nhiều trường mở các ngành học tràn lan mà không tính được nhu cầu của xã hội. Từ chủ động chọn ngành, nghề, các thí sinh hoàn toàn bị động và chịu sự sắp đặt của nhà trường.
Năm ngoái, hàng loạt trường đại học đã phải đóng cửa ngành học vì không tuyển đủ thí sinh. Đơn cử ĐH Đông Đô đóng cửa 2 ngành là Điện tử viễn thông và Thông tin học; ĐH Lương Thế Vinh đóng cửa các ngành Thú y, Cơ khí, Nuôi trồng thủy sản, Bảo vệ thực vật, Văn hóa du lịch; ĐH Hồng Đức tạm dừng đào tạo 3 ngành Chăn nuôi thú y, Nuôi trồng thủy sản, Bảo vệ thực vật… và thực trạng đó vẫn đang tiếp tục tái diễn cho kỳ tuyển sinh năm nay.
Để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho đất nước, lâu nay, nước ta đã đưa ra chủ trương mở rộng giáo dục đại học. Tuy nhiên, số lượng trường ĐH-CĐ đã được mở ra ngày càng nhiều, nhưng dường như chất lượng nhân lực chưa tăng, chất lượng sinh viên ra trường vẫn còn thấp. Không ít các chuyên gia giáo dục đã lên tiếng về việc nhiều trường đã mở ngành học theo phong trào trong khi đó có những ngành đáng lẽ ra phải chú trọng đầu tư lại không được quan tâm.
Việc Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp để đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục của các trường là siết chặt đầu vào là đúng nhưng chưa đủ nếu công tác tuyển sinh ĐH, CĐ không được cải tiến, không kiểm soát được việc mở các ngành nghề đào tạo theo kiểu phong trào, không có một sự thẩm định nhu cầu thực sự của xã hội thì thực trạng tuyển sinh bi đát của nhiều trường vẫn sẽ tiếp tục tái diễn, gây lãng phí lớn cho xã hội và thiệt thòi cho chính những thí sinh dự thi.
Theo Thành Phong
(suckhoedoisong)
Bình luận (0)