Tiệm photocopy là nơi “tiếp tay” cho giới sinh viên, học viên vi phạm bản quyền tác giả. Ảnh: I. |
Sáng ngày 5-3, Trường Doanh nhân Đắc Nhân Tâm (Dale Carnegie Việt Nam) đã tổ chức họp báo “Công bố vụ khởi kiện đầu tiên về vi phạm quyền tác giả của Dale Carnegie tại Việt Nam”. Người bị kiện là ông Lê Như Hiếu, nguyên là giảng viên của trường, hiện đang làm việc ở Công ty TNHH Tư vấn và đào tạo NHR. Đơn khởi kiện đã được Tòa án Nhân dân TP.HCM tiếp nhận vào ngày 13-2-2014 và đang trong quá trình thụ án.
Vi phạm tràn lan
Theo đó, Trường Doanh nhân Đắc Nhân Tâm được thành lập từ năm 2007 và được Trường Đào tạo doanh nhân của Mỹ (Dale Carnegie Traning) – do chính Dale Carnegie, tác giả hai cuốn sách nổi tiếng Đắc nhân tâm và Quẳng gánh lo đi mà vui sống thành lập từ năm 1912 – nhượng quyền về hệ thống, chương trình, giải pháp, phương pháp huấn luyện… Ông Lê Như Hiếu là một trong 15 chuyên gia huấn luyện của trường ngay trong thời điểm đầu tiên tham gia giảng dạy các khóa học về kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lãnh đạo dành cho người quản lý, lợi thế bán hàng… Tuy nhiên, đến năm 2010, khi vẫn còn làm việc với Dale Carnegie Việt Nam thì ông Hiếu đã tiến hành làm việc riêng với một số khách hàng của trường và sử dụng các sản phẩm của Dale Carnegie để tổ chức giảng dạy bên ngoài. Sau nhiều lần nhắc nhở nhưng không được đáp ứng, trường đã quyết định chấm dứt hợp đồng với ông Hiếu. Năm 2011, ông Hiếu thành lập Công ty TNHH Tư vấn và đào tạo NHR và sử dụng đến 99% sản phẩm của Dale Carnegie Việt Nam từ bộ giáo trình, quy trình, bài giảng, tài liệu cho đến cách thức tổ chức website. Trên trang web của công ty, ông Hiếu cho công bố phương pháp huấn luyện gần như tương tự với phương pháp của Dale Carnegie; giống 4 trong 5 hệ thống giá trị cốt lõi, giống cách trình bày quy trình… Theo đại diện của Dale Carnegie Việt Nam, việc vi phạm quyền tác giả của ông Lê Như Hiếu khiến Dale Carnegie Việt Nam bị tổn hại rất lớn cả về kinh tế lẫn tinh thần, ảnh hưởng đến văn hóa của công ty và niềm tin của khách hàng, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong môi trường kinh doanh giáo dục mang tính hệ thống.
Vụ việc khởi kiện của Dale Carnegie Việt Nam chỉ là một trong rất nhiều các vụ kiện về vi phạm bản quyền, tác quyền trong vài năm gần đây ở Việt Nam. Theo ông Nguyễn Mạnh Quý – Trưởng đại diện cơ quan phía Nam Cục Bản quyền tác giả – thực trạng vi phạm bản quyền, sao chép lậu ở nước ta đang diễn ra tràn lan trong mọi lĩnh vực, nhiều nhất phải kể đến lĩnh vực nghệ thuật, truyền hình. Dù công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam tháng 6-2004, Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) và mới đây nhất, nghị định xử phạt hành chính vi phạm tác quyền trong đó quy định mức xử phạt cao nhất có thể lên tới 500 triệu đồng đối với tổ chức và 250 triệu đồng đối với cá nhân được thực thi song thực trạng vi phạm bản quyền vẫn không có dấu hiệu suy giảm, thậm chí người vi phạm còn vô tư trước hành vi của mình. Thế mới có chuyện, nghệ sĩ cả mấy năm mới ra album một lần, giảng viên thì “để mắt” xem học trò có copy nghiên cứu của ai vào bài tốt nghiệp khóa luận hay không. Trong năm 2013, Cục Bản quyền tác giả đã cho kiểm tra 105 doanh nghiệp phần mềm thì có hơn 80 doanh nghiệp bị xử lý vi phạm, gỡ bỏ 3 trang web có sự sao chép trong lĩnh vực điện ảnh.
Khó xử lý triệt để
Dù thực trạng vi phạm quyền tác giả xảy ra tràn lan nhưng rất ít vụ việc được gửi đến cơ quan pháp luật để xử lý. PGS.TS khoa học luật Nguyễn Văn Nam nhận định: Việc xử lý các vụ vi phạm tác quyền ở Việt Nam không được rốt ráo, hình thức xử phạt, chế tài vẫn còn rất nhẹ khiến người ta không sợ. Để được bồi thường thiệt hại, cá nhân bị xâm phạm bản quyền buộc phải kiện ra tòa, đưa ra bằng chứng và phải chứng minh được giá trị tổn thất mà họ bị mất mát. Tuy nhiên, với qui trình thủ tục hành pháp rắc rối, lòng vòng như hiện nay, người bị hại thường có tâm lý ngại, rồi bỏ cuộc giữa chừng do mất quá nhiều thời gian, công sức trước khi tìm được công bằng cho bản thân. Hoặc, nếu được xử lý cũng chỉ theo hướng… hòa cả làng, tự thỏa thuận, hòa giải trước tòa bằng một mức hành chính tượng trưng chứ ít khi bị xử lý đến nơi đến chốn. Trong khi cùng hành động đó, ở một số quốc gia như Mỹ, Canada, Úc…, người vi phạm sẽ bị chế tài rất nặng, thậm chí là phải ngồi tù nếu việc ăn cắp bản quyền gây tổn thất nặng nề cho bên khởi kiện. Với vụ việc trên, nếu khởi kiện ở Việt Nam, Dale Carnegie chỉ có thể yêu cầu ông Hiếu chấm dứt hành động vi phạm, yêu cầu cam kết không tái phạm và xin lỗi công khai trên một số phương tiện thông tin.
Cũng theo PGS. Nguyễn Văn Nam, một nguyên nhân dẫn đến các vụ việc vi phạm quyền tác giả diễn ra tràn lan là do tâm lý người Việt Nam còn chưa hiểu rõ về quyền tác giả. Để rồi khi những đứa con tinh thần bị động chạm, họ mới bắt đầu tìm hiểu luật, nhờ giới truyền thông làm rùm beng chỉ để người vi phạm chấm dứt hành vi, tự thỏa thuận hành chính chứ ít khi đem ra cơ quan pháp luật để xử lý. Trong khi đó, những lỗi vi phạm hiện nay thường biến tướng phức tạp, đa dạng, gây khó khăn cho các nhà làm luật trong việc xác định căn cứ đo mức thiệt hại của các vụ vi phạm quyền tác giả để chế tài, giải quyết tận gốc, triệt để hành vi vi phạm quyền tác giả.
Linh Vy
Bình luận (0)