Ví đựng tiền được coi như cái “bần phú biểu” của chồng. Bởi thế nên các bà vợ hay âm thầm mở xem để biết anh chàng của mình đang sống ra sao.
Tìm lại chữ “yêu”
Hằng, em họ mình, kể: Trước khi giặt đồ em hay để mắt tới cái ví của ông xã, coi như một công hai chuyện. Thứ nhất, ví có gì “lạ” không. Tờ 2 đô em tặng hôm tết để “lấy hên” có còn nguyên hay là… đem cho “con nào” rồi. Thứ hai là coi thử ví phồng xẹp thế nào. Nếu hẻo lắm, chỉ vài chục ngàn bạc lẻ chẳng hạn, thì em… chậc lưỡi cho vào đấy tờ năm trăm. Dù sao thì hắn cũng vừa nộp gần đủ tiền lương tháng này.
Với lại, đàn ông không có vài trăm ngàn trong túi, lỡ bạn bè rủ uống bia “campuchia” (hợp tác), tới lúc… gom phiếu mà gãi đầu thì quê chết. Lúc đó dù thương mình cách mấy thì chả cũng… rủa thầm là đồ ki bo.
“Mà em chán ảnh lắm anh ơi. Ai đời bỗng dưng thấy tiền trong ví mà cứ tỉnh bơ, không hỏi em lấy một câu là tiền ấy từ đâu ra. Cứ cười cười nhìn em, con mắt “xạo” lắm. Lần khác, thấy cái ví trớt huớt, em bỏ vô, cũng chừng ấy, kèm tờ giấy ghi: “Bia campuchia ít thôi. Để dành đổ xăng”. Có ký tên đàng hoàng. Mấy bữa sau lục ví, em thấy chả ghi bên dưới: “Cám ơn vợ yêu Thúy Hằng/500 chỉ đủ tiền xăng đi làm”.
Thấy thương thương, em bấm bụng bỏ vô thêm một tờ năm trăm nữa. Nhưng anh nghĩ coi, lương thợ điện của ảnh tháng 6 triệu, tuần nào em cũng bỏ vào ví ảnh 2 tờ thì ảnh còn nuôi ai trong cái nhà này được nữa? Em thì anh biết rồi, bán tạp hóa kiếm đồng ra đồng vô chứ lời lãi gì lắm đâu?”, cô em họ kể.
Hằng được nước nói tiếp: “Ảnh cũng ghê lắm anh. Tháng trước, thiệp cưới tới tấp. Thấy ảnh làm thinh, em tưởng cha này “tự xử” được rồi. Ai dè ảnh thả vô ví tờ giấy: “Gửi người vợ đẹp như mơ/Sáu cái đám cưới… anh chờ em chi”. Đang uống ngụm bia, mình cười thiếu điều muốn sặc”.
Mình nói hai đứa bay “bút đàm” chi cho mất công. Cứ nói thẳng với nhau đỡ mất thì giờ. Hằng cười, nói tụi em khắc khẩu anh à. Hễ giở chuyện tiền nong ra mà nói thì thế nào cũng cãi lộn. Nên em chọn “kênh” thông tin bằng cách viết cho nó lành. Với lại “kênh” này cũng hay lắm anh. Nhờ nó mà em mới tìm lại chữ “em” ngọt ngào, chữ “vợ yêu” ngọt lịm, chữ “Thúy Hằng” ngọt thanh. Còn văn nói hả, đời nào! Một là ảnh nói trổng, hai là kêu “bà nó”, hên lắm thì “má nó” là cùng.
“Ngân hàng” khó tính
Bữa nọ mình gặp Tịnh, chồng Hằng. Rủ nó vô quán bia, mình để ý thấy nó rờ ví rồi gãi đầu. Mình nói uống với anh không có chuyện “campuchia” đâu mà sợ. Tịnh giật mình, nói vợ em “tâu” với anh hết rồi hả? Hơi đâu anh nghe cái “ngân hàng” gửi tiền rồi… mất hút đó. Mình ra chiều thông cảm nên đến lon thứ tư thì cu cậu lè nhè “khai” ra hết. Kể cũng tội!
Nó nói nhiều khi cái ví của em chỉ là… ví dụ thôi chứ tiền nong gì. Kể ra Hằng cũng có đôi lần rót vào ví em vài “xị”. Nhưng chỉ là cho mượn thôi anh ơi. Ở đời… không ai cho không ai cái gì. Lãnh lương là em trả đủ, chỉ ngắt cái ngọn vài xị tiêu vặt thôi.
“Nói anh nghe, vợ em không phải… dạng vừa đâu. Vừa rồi cô ta ngang nhiên móc ví em lấy tới mấy triệu bạc. Chị ruột em ở nước ngoài gửi cho em 200 đô (USD). Em đổi ra tiền Việt được hơn 4 triệu. Ví phồng chưa được một ngày thì xẹp. Em kiểm tra thì thấy tờ giấy: “Em lấy 3 triệu rưỡi vì: Tụi nhỏ sắp nhập học. Tháng tới có ba đám cưới trong họ. Cuối tuần còn về quê thăm mẹ ốm. Thông cảm nhé. Vợ yêu của anh”.
Em choáng. Nhưng nghĩ cũng phải. Căn nhà gác lửng. Hai chiếc xe máy. Ba đứa con học hành tử tế. Hiếu hỉ trọn vẹn hai bên gia đình… Không nhờ cái… ngân hàng khó tính này chắc gì được vậy”, Tịnh nói mà cặp mắt rất vui.
Trần Cao Duyên (TNO)
Bình luận (0)