Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Vơ vét thí sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nay với lý do kết quả thi thấp, khó khăn về nguồn tuyển, hàng loạt trường đã xin Bộ GD&ĐT cho phép áp dụng khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh theo Điều 33 của Quy chế tuyển sinh.
Điều 33 đang là cái “phao” được nhiều trường ĐH, CĐ trông chờ để có thể bấu víu nhằm cải thiện tình hình tuyển sinh. Bởi với việc áp dụng Điều 33, các trường sẽ dễ dàng “vét” thí sinh, khi thí sinh chỉ cần 7 điểm là ung dung vào ĐH. Còn hệ CĐ còn thấp hơn rất nhiều, khi chỉ cần 4 điểm cả ba môn là trở thành tân sinh viên.
Trong khi đó, theo tính toán của Bộ GD&ĐT, kỳ thi năm nay hệ ĐH còn 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn không trúng tuyển nguyện vọng 1. Đây là nguồn tuyển nguyện vọng 2, 3 dồi dào cho các trường thiếu nguồn. Bởi lẽ chỉ riêng khối A đã có 77.311 thí sinh trên sàn, trong khi chỉ tiêu chỉ 46.084; hay khối B chỉ cần thêm 3.995 chỉ tiêu nhưng thí sinh trên sàn đến 85.874… Điều cốt yếu là các trường phải biết nâng chất lượng đào tạo của mình. Với những trường chất lượng có đủ uy tín sẽ hút được nhiều thí sinh. Những trường chưa tạo được uy tín thì cho dù nhiều thí sinh bằng hoặc trên điểm sàn, họ cũng không vào học.
Nên chăng Bộ GD&ĐT cần khảo sát kỹ hiệu quả của việc giãn điểm ưu tiên để tuyển sinh. Vì với mức điểm đầu vào thấp như vậy, liệu có đảm bảo chất lượng đào tạo? Và liệu những thí sinh trúng tuyển nhờ giãn điểm có thật sự yêu thích ngành, trường mà mình trúng tuyển và theo học đến cùng để có nghề nghiệp cho tương lai hay họ chỉ tìm chỗ trú chân. Một số thí sinh có thể lợi dụng chủ trương này để tìm cách tạm trú trong các trường ĐH, chờ mùa tuyển sinh sau lại tiếp tục đi thi ĐH. Khi đó, chính các trường đã xin giãn khoảng cách điểm ưu tiên lại mất sinh viên.
Theo QUỐC DŨNG
(Phapluattp)

Bình luận (0)