Câu chuyện đạo đức của người thầy đặt ra tại hội thảo “Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay” sáng 8-6 vừa qua tại Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM được soi xét ở nhiều góc độ đào tạo, quản lý, dạy và học để quy về một kỳ vọng lớn dành cho người thầy – cố gắng rèn luyện để làm người thầy “có tâm”.
Em Lương Hoàng Gia Phương đọc tham luận về nguyện vọng học sinh
Tiếng “bốp” ám ảnh
Ngồi giữa nhóm thầy cô từ nhiều trường đợi giờ hội thảo khai mạc, một thầy giáo tiểu học tâm tư, thương học trò lắm mà những khi trò hư, do trò nhỏ quá nói trước quên sau có một lỗi nhắc hoài, cứ muốn khẽ tay một cái cho trò nhớ mà không tái phạm.
Nhưng khi một cô giáo ngồi cạnh hỏi nếu con thầy đi học mà bị thầy cô của con thầy khẽ tay như vậy thì cha con thầy cảm được tình thương của thầy cô không hay chỉ mặt bạo hành, thầy lặng lẽ thở dài.
Những chuyện thầy giáo tát học trò, cô giáo hằn học câm nín, cô giáo buộc bạn tát bạn hai trăm cái mà báo chí từng đăng tải lần lượt được dẫn lại trong hội thảo. Sự báo động lóe lên ở những cái tát “bốp” trút xuống trò.
PGS.TS Trần Thị Mai Phương, ĐH Sư phạm Hà Nội nói cô làm nghề “thầy của thầy” cả đời, nay 62 tuổi ngồi hội thảo để phân tích những câu chuyện buồn này, cô cảm thấy thực sự đau xót.
Câu chuyện về đạo đức người thầy dần dần bám víu vào lòng yêu thương học trò, khả năng kiềm chế cảm xúc và tự chủ trong những giờ giảng, để khi đối mặt với những thử thách bất ngờ, thầy kiềm chế được hành vi quá giới hạn.
Thầy có tâm là “nghiêm khắc nhưng đừng dữ”
Chị Xuân Hoa, một phụ huynh dự hội thảo nói năm lớp 10 vừa qua con chị học tốt nhất ở ba môn văn, sử và hóa. Chị nói, người khác nhìn vào thấy ba môn không vào một khối, nhưng với con chị là có, đó là khối môn được thầy cô thương yêu và tận tình dạy bảo, giúp nữ sinh phấn đấu không mệt mỏi, đạt điểm vượt kỳ vọng. Cô bé kể thầy cô nghiêm nhưng không dữ, sẵn lòng lắng nghe và giải đáp cho trò mà không la mắng.
Em Lương Hoàng Gia Phương, học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực (TP.HCM) bày tỏ, đi học em mong nhất là gặp được người thầy hiểu cảm xúc của trò, giúp em cảm thụ hạnh phúc khi tới trường. “Bây giờ tụi con học từ nhiều nguồn chứ không chỉ học từ thầy, nhưng yêu thương và dẫn dắt tụi con thì thầy vẫn là quan trọng nhất” – em phát biểu. Như môn tiếng Anh, Phương bắt đầu học giỏi từ đầu cấp 2 vì gặp được cô giáo mà em mô tả là “dễ thương và vui vẻ”, khiến em cảm nhận mỗi giờ học đều vui và đầy khám phá, môn học không khó như trước nữa.
Em nói rằng em cảm nhận đạo đức của thầy chính là sự “có tâm”. Em viết đầy cảm xúc trong tham luận: “Hạt giống tình thương của những người cô, người thầy len lỏi vào tim tôi rồi nảy nở thành những hy vọng và ước mơ. Và tôi tin rằng mọi học sinh đều có quyền được hưởng phép mầu này”.
Cô Võ Diệu Thanh, Trường Tiểu học B Chợ Vàm (Phú Tân, An Giang) hoàn toàn đồng ý với em. Cô nói, bằng tình yêu thương, người thầy kết nối với trò và kết nối các trò với nhau, “cùng nương nhau mà đi tới”.
Một khi có lòng yêu thương thì giáo viên sẵn sàng đương đầu với cái khó, thuận hòa với phụ huynh, bao dung với học sinh, góp phần biến học sinh thành những công dân tích cực – thầy Nguyễn Hữu Long, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam – phân viện miền Nam tin tưởng.
Thầy Ngô Phan Anh Tuấn, Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TP.HCM kể, trong một lớp tập huấn giáo viên, thầy đã cùng các thầy cô xây dựng bảng các giá trị và chuẩn mực ứng xử của nhà giáo đối với học sinh, gồm các giá trị như cẩn ngôn, kiên nhẫn, tôn trọng và lương tâm, kèm theo các tiêu chí liên quan. “Riêng có chuẩn mực về lòng yêu thương và sự nghiêm khắc chúng tôi đều cùng đề ra nhưng vẫn tranh luận không hồi kết về phần mô tả cụ thể, cuối cùng đành để ngỏ cho bối cảnh của từng trường và sự đồng hành của phụ huynh. Ví dụ ở một trường mà phụ huynh đa phần đi làm ăn xa để con cái ở với ông bà, họ nhờ cậy thầy cô nghiêm khắc uốn nắn con mình, các tiêu chí sẽ khác một trường nơi đa phần học sinh là con cưng” – thầy Tuấn nói.
ThS. Nguyễn Thị Phước
Bình luận (0)