Nhiều nơi ở châu Á đang phải chịu đựng cái nóng trên dưới 40 độ C, thậm chí trên 50 độ C
Tại nước láng giềng Malaysia, báo The Star ngày 23-4 dẫn lời Sở Y tế tỉnh Sabah cảnh báo người dân giữ an toàn trong mùa nóng bằng cách sử dụng mũ, dù, quần áo phù hợp khi ra đường, uống nhiều nước, dùng thiết bị làm mát, hạn chế caffein, rượu… Malaysia xác định một đợt nắng nóng là khi nhiệt độ vượt quá 37 độ C trong 3 ngày liên tiếp.
Cục Khí tượng Ấn Độ cảnh báo thời tiết khó chịu do độ ẩm cao và nóng nực gia tăng ở bang Kerala trong ngày 23-4, với mức nhiệt khoảng 36-39 độ C, có những nơi tăng tới 2-4 độ C so với bình thường.
Người dân che nắng khi dừng đèn đỏ giữa cái nóng 45,4 độ C đo được ở Bangkok – Thái Lan hôm 22-4. Ảnh: Reuters
Theo các cơ quan khí tượng khắp châu Á, nhiệt độ khắc nghiệt bủa vây cùng lúc nhiều nước, từ Nam Á, Đông Nam Á đến Trung Quốc, hiện tại là do một vòm nhiệt rộng lớn.
Trong tuần trước, khu vực Tây Nam và phía Đông nước Mỹ cũng chịu cái nóng bất thường do một vòm nhiệt khác khiến thời tiết nóng như giữa mùa hè kèm theo nỗi lo cháy rừng.
Theo Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA), vòm nhiệt xảy ra khi sức nóng thiêu đốt được giữ lại tại một khu vực bởi điều kiện khí quyển mạnh, áp suất cao kết hợp với ảnh hưởng từ hiện tượng La Nina.
Một nhóm nhà khoa học từ chương trình MAPP của NOAA chỉ ra nguyên nhân của vòm nhiệt ở Mỹ chính là "độ dốc" của nhiệt độ đại dương ở khắp vùng nhiệt đới Thái Bình Dương trong mùa đông trước đó.
Tức là, việc Tây Thái Bình Dương ngày một nóng hơn và chênh lệch nhiệt độ với Đông Thái Bình Dương trong vài thập kỷ qua do biến đổi khí hậu, dẫn đến chênh lệch áp suất, đảo lộn quá trình đối lưu. Kết quả là gió di chuyển không khí nóng hơn về một chỗ và đẩy về phía lục địa, tạo ra các vòm nhiệt. Vì vậy, các vòm nhiệt không chỉ xảy ra thường xuyên mà còn dữ dội hơn trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu tăng và thay đổi về kiểu thời tiết từng khu vực đang tạo ra các điều kiện hỗ trợ sự hình thành của chúng.
Báo cáo Tình trạng Khí hậu toàn cầu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhân ngày Trái đất (22-4) cho biết 8 năm qua là 8 năm nóng nhất từng được ghi nhận, trong đó mực nước biển và sự nóng lên của đại dương đã đạt mức cao mới. Mức độ khí nhà kính kỷ lục đã gây ra "những thay đổi quy mô hành tinh trên đất liền, trong đại dương và trong bầu khí quyển".
Theo Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas, dân số toàn thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, bao gồm hạn hán liên tục ở Đông Phi, lũ lụt chưa từng thấy ở Pakistan, các đợt nắng nóng kỷ lục ở Trung Quốc và châu Âu… ảnh hưởng đến an ninh lương thực, thúc đẩy di cư hàng loạt, gây thiệt hại hàng tỉ USD…
WMO lặp lại lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres về việc cắt giảm khí thải sâu hơn, nhanh hơn để hạn chế việc tiến tới mốc tăng nhiệt độ "tử thần" 1,5 độ C, cũng như mở rộng quy mô đầu tư vào việc thích ứng và khả năng phục hồi trước thảm họa khí hậu, đặc biệt là đối với các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất nhưng lại ít góp phần vào khủng hoảng khí hậu nhất.
Theo Anh Thư/NLĐO
Bình luận (0)