Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vốn cho ngành hàng cá tra: ngân hàng làm mặt lạnh!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong cuộc họp về sản xuất và tiêu thụ cá tra ở Cần Thơ (ngày 22.7), không có “ nhà băng” nào mặn mà với việc cho vay vốn ngành hàng này, dù đó là nhu cầu rất lớn. 

 Ảnh: minh họa – Internet
Năm ngoái, xuất khẩu cá tra mang về cho đất nước trên 1,5 tỉ USD. Năm nay, dù có nhiều biến động, nhưng chắc chắn ngành hàng này tiếp tục mang về lượng ngoại tệ không nhỏ.
Cục nuôi trồng thủy sản cho biết: Đến cuối tháng 6., tổng diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL trên 3.980ha, tăng 385 ha so cùng kỳ năm ngóai, sản lượng lũy kế từ đầu năm đên thời điểm này là 597.324 tấn. Nếu tính giá xuất bình quân 3 USD/ kg và mục tiêu trên 1 triệu tấn cá, hơn 60% trong số này được chế biến xuất khẩu, nguồn vốn kếch sù đang nằm trong ngành hàng cá tra.
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra, vốn vay từ ngân hàng đầu tư khâu nuôi, chế biến xuất khẩu chỉ khoảng 10.000 tỉ đồng.
Ngân hàng "ghẻ lạnh"
Thứ trưởng bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, khi điều hành cuộc họp về sản xuất và tiêu thụ cá tra ở Cần Thơ (ngày 22.7), mong có đại diện ngân hàng để có thể nghe được thông điệp về tín dụng cho ngành hàng cá tra, nhưng không có “ nhà băng” nào mặn mà với sự quan tâm của ông, dù đó là nhu cầu rất lớn.
Ông Dương Nghĩa Quốc, giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất ĐBSCL với 1.188 ha, cho biết dư nợ ngân hàng chỉ có 3.549 tỉ đồng, dù lãnh đạo ngân hàng Nhà nước tại Đồng Tháp thừa nhận nợ xấu rất thấp.
Nhu cầu vốn tối thiểu cho mỗi ha nuôi cá tra khoảng 4-4,5 tỉ đồng. Trong khi đó ngân hàng cho vay thế chấp tài sản, khách hàng thân thuộc thì được vay 70%, uy tín “ tràn trề” thì mới có thể vay 100%. Hộ cá thể thường được vay rất thấp so nhu cầu. HTX phải có pháp nhân, phải có tài sản thế chấp, nhưng gom giấy đỏ xin vay vốn ngân hàng, nếu 1 hộ không trả thì các thành viên phải chịu, nên không ai đồng ý chuyện này.
Người nuôi cá luôn dựa vào doanh nghiệp tiêu thụ cá, dựa vào đại lý bán thức ăn để bảo toàn vốn. Mấy năm nay các nhà máy tự đầu tư vùng nuôi, tự chủ 70-80% nhu cầu nguyên liệu; đại lý bán thức ăn thủy sản không muốn bán chịu (nợ) vì mỗi ha nuôi khoảng 300 tấn cá (để có 1 kg tăng trọng cần 1,5-1,7 kg thức ăn) cần chi phí rất lớn. Theo ông Quốc, ngân hàng vận hành giống như… tiệm cầm đồ, thông thường cho vay dựa vào đánh giá tài sản thế chấp, trong khi người nuôi mong muốn khối lượng vốn phù hợp nhu cầu phát triển sản xuất. Hạn mức vay đã quá lạc hậu, làm sao ngân hàng có phương thức mới để nguồn vốn đóng góp vào sự phát triển ngành hàng cá tra?
Hiện nay, An Giang nuôi 787 ha cá tra, Cần Thơ: 665 ha, Hậu Giang: 160 ha, Kiên Giang: 16,95 ha… Mức vay tối đa ngân hàng cấp huyện chỉ khoàng 2 tỉ đồng/ha/hộ nếu có tài sản thế chấp ngoài đất nuôi cá hoặc tối đa 250 triệu đồng/ha/hộ nếu sử dụng đất nuôi cá để thế chấp.
Cuộc chơi mới
Người nuôi cá và các doanh nghiệp chế biến đang đứng trước yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn bền vững, khiến việc đầu tư nhiều hơn. Đó là không phải là cuộc chơi “xóa đói giảm nghèo”!
Nếu đầu tư xây dựng vùng bưởi năm roi đạt chuẩn Global Gap tốn khoảng 50.000 USD, việc xây dựng vùng nuôi cá đạt chuẩn Global Gap cho thủy sản cũng không rẻ hơn. Cuối tháng 3.2011, có 53 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào EU. Tổng khối lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu được các trung tâm vùng thuộc Cục nuôi trồng thủy sản kiểm tra và cấp chứng thư trong 6 tháng đầu năm nay là 261.938,7 tấn.
Bộ NN-PTNT vừa ban hành quy chuẩn nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (Vietgap). Hiện nay, có 49/155 doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn bền vững. Ông Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch hội nghề cá cho rằng ra đời nhanh tiêu chuẩn của Việt Nam, giúp chúng ta có hàng rào cơ bản. Từ nay đến cuối năm cần tạo bước nhảy về chứng nhận tiêu chuẩn bền vững làm điểm tựa trở lại EU.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, nuôi cá ven sông Hậu, thuộc địa phận Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, là dân kinh doanh xăng dầu đầu tư nuôi cá, nói: “Lâu nay, nếu chỉ dựa vào ngân hàng thì không thể mở rộng diện tích được”.
Nạn thiếu vốn xuất hiện từ khâu đầu tiên là con giống tới khâu tiêu thụ. Tình hình khan hiếm giống cá tra cục bộ, dù có khoảng 136 cơ sở nhân giống, 2.000 ha diện tích ương, sản lượng 1,25 tỉ con giống. Con giống sản xuất không đúng quy chuẩn vẫn tham gia thị trường, nhiều chủ cơ sở nói họ thiếu vốn đầu tư kỹ thuật. Và, vì vậy người nuôi dù chạy tiền vẫn phải mua và chấp nhận giá 2.000-3.000đ/con giống, tỷ lệ hao hụt 20% được xem là thành công.
Ông Nguyễn Văn Kịch, giám đốc Cafatex, giả định: nếu việc tổ chức thị trường, nuôi và cách tiêu thụ vô trách nhiệm…, ngân hàng đổ vốn lớn vô thì sẽ phá sản hàng loạt khi giá cá tra từ 28.000 – 29.000 đ/kg xuống dưới giá thành.
Ngân hàng không dám bỏ vốn vô ngành hàng cá tra, nhiều nhà máy thấy cá rẻ không dám bỏ vốn vô nữa sau khi thu hoạch. Sẽ có lúc, các tập đoàn nước ngoài như CP đầu tư vùng nuôi, nông dân sẽ làm gì khi thực trạng này xảy ra, ông Kịch nói.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng Chính phủ đưa cá tra vào sản phẩm chiến lược, sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng công nghiệp, ngành sản xuất có điều kiện. Tới đây, người nuôi phải có hợp đồng trước khi sản xuất; không đủ điều kiện thì không nuôi nữa. Bên cạnh đó, Bộ sẽ đề nghị ngân hàng Nhà nước kiểm tra việc cho vay vốn, hạn mức vay…và đề nghị VASEP cùng các địa phương điều tra, thẩm định những trường hợp cụ thể doanh nghiệp lợi dụng tình trạng người nuôi nóng lòng bán cá đã chiếm dụng vốn 5-6 tháng; thậm chí lấy hàng rồi trốn mất.
Theo Hoàng Lan
Sài Gòn Tiếp Thị

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)