Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vốn nên “rót” vào đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

Cấp bách kích cầu 6 tỉ USD

Dự kiến Chính phủ sẽ đưa gói kích cầu nền kinh tế lên đến 6 tỉ USD từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là kích vào đâu, cho ai và kèm theo đó là thực hiện theo cơ chế nào… Tuổi Trẻ sẽ cung cấp nhiều góc nhìn khác nhau từ những người cần được “thụ hưởng” từ gói kích cầu trên.

Bài 1: 

Vốn nên “rót” vào đâu?

Lãi suất, vốn vay, chính sách thuế, thị trường tiêu thụ… là những vấn đề mà doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn nhất và cần được “tháo ngòi” cấp bách trong tình hình hiện nay. 

Chế biến hàng thủy hải sản xuất khẩu đang gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng, giá cả thu mua và xuất khẩu chậm (ảnh chụp tại Công ty Cafatex Hậu Giang) – Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Hàng loạt DN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã phải cắt giảm sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa xưởng sản xuất vì những lý do trên.

Giảm sản lượng vì sức mua yếu

Ông Cao Lương Tri, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên (An Giang), ngồi nhìn công nhân xúc cá dưới hầm lên cân buồn rầu cho biết đợt cá này đã ký hợp đồng với một số nhà máy chế biến với giá 16.400 đồng/kg. Tuy nhiên đến kỳ thu hoạch nhưng không DN nào mua. Nay cá đã quá trọng lượng, mỗi con lên tới 2kg thì DN đề nghị do giá thị trường xuống thấp, tình hình xuất khẩu khó khăn nên mỗi bên chịu lỗ một nửa và họ đưa ra giá mua là 15.000 đồng/kg. “Với mức giá trên tính ra mỗi ký cá lỗ 2.000 đồng. Sơ sơ bán cá đợt này được khoảng 500 tấn thì tôi lỗ… 1 tỉ đồng!” – ông Tri nói với giọng đau khổ.

Thêm việc làm, tăng thu nhập là một trong những mục tiêu của gói kích cầu. Trong ảnh: sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Hợp tác xã Hiệp Lực (Đồng Nai) – Ảnh: Lê Sơn

 

Ông Đỗ Đức Định (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế – xã hội VN):

Vốn cần vào nơi đầu tư hiệu quả nhất

DN trong lúc khó khăn rất trông đợi vào điều hành vì thực tế, điều hành vĩ mô có thể giảm nhưng cũng có thể tăng những thách thức và cơ hội cho DN. Gói kích cầu 6 tỉ USD được giới doanh nhân đặt rất nhiều kỳ vọng. 

Có tiền đã khó, tiêu tốt 6 tỉ USD còn khó hơn. Là giải pháp “cứu”, là gói tiền “mồi” trong lúc DN đang cực kỳ khó khăn nên nó phải đạt hơn 100% hiệu quả. Khoản tiền này vì từ ngân sách, nên nếu chi chỉ cần kẽ hở nhỏ sẽ là cơ hội cho một vài người giàu lên và chắc chắn người thật sự cần giúp đỡ lại không được. Trong lúc khó khăn, điều hành vĩ mô có thể tăng cơ hội cho diện rộng DN nhưng cũng rất dễ chỉ đem lại lợi ích cho số ít. Việc này cần hết sức tránh vì nó sẽ triệt tiêu khả năng tiếp cận thị trường, khả năng “lớn lên” của DN vừa và nhỏ. Vì vậy, vốn cần được tập trung vào khu vực có khả năng đầu tư hiệu quả nhất chứ không phải công trình lớn nhất.

C.V.Kình ghi

Theo ông Nguyễn Văn Đạo – tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang), công ty có ba mặt hàng chính gồm: cá ba sa, nghêu và mực xuất sang châu Âu, nhưng từ tháng 10 đến nay giá trị xuất khẩu đã giảm 30-40% dẫn tới lượng hàng hóa chế biến tồn kho rất lớn, nhà máy phải giảm công suất khoảng 20%. Dù chưa đến mức cho công nhân nghỉ việc nhưng lương cứ “teo tóp” dần. “Những năm trước, tháng 11-12 là có hợp đồng mới ký đến tháng ba năm sau, nhưng năm nay hợp đồng ký trước hầu như không có” – ông Đạo lo lắng.

Tương tự, bà Cao Thị Kim Lan, giám đốc Công ty Thủy sản Bình Định – Bidifisco (một trong những công ty xuất khẩu cá ngừ lớn của VN), cho biết: giá trị xuất khẩu trong tháng 12-2008 chỉ còn 1 – 1,2 triệu USD so với khoảng 2 triệu USD các tháng trước đó do giá cả và mức tiêu thụ giảm mạnh.

Đặc biệt, nhiều khách hàng đề nghị hủy đơn hàng đã ký trước, trong đó có tới 20-30% đơn hàng xuất sang châu Âu. “Nhu cầu của khách hàng vẫn còn nhưng do biến động của kinh tế thế giới nên họ chủ động ngừng mua hàng để chờ đợi thị trường thế giới xác lập mức giá mới. Dự kiến giá xuất khẩu các mặt hàng năm 2009 có thể giảm 30-40% so với năm nay” – bà Lan cho hay.

Phải “gãi” đúng chỗ ngứa

Để đối phó với khó khăn, trước mắt nhiều DN đã thực hiện hàng loạt biện pháp tiết kiệm nhằm giảm chi phí. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đạo cho rằng để cứu các DN trong tình hình hiện nay, vốn là một trong các giải pháp cấp thiết nhất, trong đó lãi suất ngân hàng nên giảm xuống còn khoảng 10%/năm.

Ông Phan Văn Dũng, giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu – chuyên sản xuất thép ống, cho rằng nếu được “nằm trong diện ưu đãi kích cầu”, bản thân công ty ông cần vay khoảng 10 triệu USD để bổ sung nguồn vốn cho sản xuất vì hiện nay để tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng không phải chuyện đơn giản. “Chúng tôi vừa có thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu nên nhu cầu về vốn rất cấp thiết. Nhưng với lãi suất như hiện tại không phải là mức lãi suất mà DN kỳ vọng” – ông Dũng nói.

Cũng trong tình cảnh khát vốn tương tự, phó giám đốc Nguyễn Văn Nhân – Công ty NTN chuyên sản xuất sản phẩm composit xuất khẩu (Đồng Nai) – nói dù lãi suất đã giảm nhưng nếu được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ gói kích cầu của Nhà nước, công ty sẽ có cơ hội phát triển hơn. “Chúng tôi đang tính xây dựng thêm một khu nhà xưởng nhưng vừa rồi gặp lạm phát, tiếp đến là những khó khăn của nền kinh tế nói chung nên đã tạm hoãn đầu tư. Nếu được Nhà nước hỗ trợ trong việc vay ưu đãi, chúng tôi sẽ làm ngay nhà xưởng mới”.

L.N.MINH – V.NGHI – T.MẠNH

Kích cầu bằng thuế

Hoàn thuế chậm, chuyện xưa như trái đất nhưng đến nay sự trì trệ của nó khiến DN nghĩ nếu cải thiện được tốc độ thì cũng coi như một biện pháp kích cầu. Ông Lê Hồng Thắng, giám đốc phụ trách khối sản xuất Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành (TP.HCM), cho rằng để giúp DN gỡ bớt một phần khó khăn trong bối cảnh hiện nay là “một chính sách hành chính nhất quán, đặc biệt là các thủ tục trong vấn đề hoàn thuế”. Theo ông Thắng, đối với những DN nghiêm túc và có thành tích trong việc đóng thuế, nên có những cách thức ưu tiên trong việc hoàn thuế. “Chẳng hạn, thay vì phải chờ thẩm tra để hoàn thuế 100% cho DN, nên chăng tự động hoàn 50% cho DN trước, sau đó tính đến chuyện kiểm tra, xác minh” – ông Thắng đề xuất.

Cũng là vấn đề thuế, ông Trần Tuấn Anh – tổng giám đốc Công ty TNHH thang máy Thái Bình – yêu cầu “làm thế nào có sự bình đẳng cạnh tranh trong môi trường kinh doanh thông qua chính sách thuế, đặc biệt những công ty trong nước đang hoạt động ở một số lĩnh vực đặc biệt”. Là một trong số rất ít DN đầu tư vào ngành sản xuất thang máy của VN, nhưng ông Tuấn Anh cho rằng các DN trong nước sẽ rất khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, hoặc với các DN có vốn đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực này bởi chính sách thuế phi lý đến mức khó hiểu. “Trong khi nhập khẩu linh kiện thì thuế suất ở mức 10-25%, còn nhập thành phẩm thì thuế suất chỉ 5-10%. Chính sách thuế như vậy làm sao khuyến khích DN đầu tư sản xuất” – ông Tuấn Anh phân tích.

V.Nghi – L.N.Minh (TTO)

Bình luận (0)