Với người lao động, nguồn vốn tín dụng chính sách được coi là cứu cánh để thoát nghèo. Tuy nhiên, để vốn đến đúng đối tượng cần có sự linh hoạt giữa bên cho vay và cả ý thức trách nhiệm của người vay mới mang lại hiệu quả.
Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội TP.Đà Nẵng tạo sinh kế cho nhiều người lao động khó khăn
Hộ trung bình khó tiếp cận vốn vay
Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp rất nhiều người nghèo trên địa bàn TP.Đà Nẵng có điều kiện tạo sinh kế. Tuy nhiên đối với những lao động có mức sống trung bình, việc tiếp cận nguồn vốn chưa được như mong muốn. Chị Lê Thị Ly Na – tổ 51 phường Thuận Phước, quận Hải Châu – cho biết, gia đình chị có ba người con, cháu lớn nhất chuẩn bị vào lớp 10, còn một cháu chuẩn bị vào lớp 3 và cháu út đang học mẫu giáo. Chị Na làm giúp việc theo giờ, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm “thợ đụng”, ai kêu gì làm nấy. Thời điểm dịch bệnh kéo dài khiến thu nhập của gia đình càng khó khăn hơn.
Chị Na chia sẻ: “Tôi muốn tiếp cận nguồn vay để sắm chiếc xe nước mía bán vào buổi tối. Rồi con vào lớp 10 cũng cần có chiếc xe đạp điện để đi học. Chưa tính bao nhiêu khoản khác như áo quần, sách vở… cho các con vào năm học mới. Nhưng theo quy định vì gia đình tôi là hộ trung bình nên việc xin vay tín dụng chính sách cũng khó mà được duyệt”.
Anh Văn Phú Nguyên Lai – Tổ trưởng tổ 51 phường Thuận Phước – cho biết, tổ có nhiều hộ nghèo, thu nhập trung bình. Bà con có nhu cầu vay vốn để buôn bán, trang trải các chi phí học hành cho con, chữa bệnh, sửa chữa nhỏ nhà cửa, mua sắm phương tiện đi lại… rất nhiều. Nhưng chính sách cho vay ưu đãi với hộ có mức sống trung bình thì hiện chưa có nên bà con cũng gặp khó khăn.
Theo kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 của UBND TP.Đà Nẵng và Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã đưa ra giải pháp hoàn thiện các chính sách, giảm nghèo bền vững. Trong đó có đề cập đến việc cần nghiên cứu, xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ có mức sống trung bình để qua đó thực hiện thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP.Đà Nẵng – cho biết, theo chuẩn của Trung ương, chưa có chính sách tín dụng ưu đãi nào dành riêng cho hộ có mức sống trung bình. Riêng hộ có mức sống trung bình theo chuẩn của địa phương được quy định tại Nghị quyết 76 của HĐND TP.Đà Nẵng, hiện vẫn chưa có chính sách tín dụng ưu đãi.
Trách nhiệm với nguồn vốn vay
Thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội TP.Đà Nẵng cho thấy, tính đến 30-6-2022, chủ tịch UBND cấp xã, phường đã quản lý tổng nguồn vốn tín dụng chính sách là 3.739,1 tỷ đồng, tăng 235,7 tỷ đồng so với 2021; đồng thời ký xác nhận vay vốn cho 15.269 lượt khách hàng với tổng doanh số cho vay đạt 868 triệu đồng, thu nợ 502 tỷ đồng. Tổng dư nợ 3.729,8 tỷ đồng, đạt 94,9% kế hoạch, tăng 365,3 tỷ đồng so với năm 2021. Bên cạnh đó, tích cực tổ chức, củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, tổ chức chỉ đạo đôn đốc, xử lý nợ đến hạn, nợ khó đòi kịp thời. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh toàn TP còn 2.074 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,054% tổng dư nợ.
Thời gian qua các phường, xã rất sát sao trong việc giải ngân nguồn vốn, giám sát sử dụng nguồn vốn. Điều này mang lại hiệu quả tốt.
Ông Thân Đức Minh – Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu – cho biết, phường Hòa Khánh Nam có 2.420 hộ được vay vốn. Tổng dư nợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội TP từ 53 tổ tiết kiệm và vay vốn của phường hiện nay đạt hơn 116 tỷ đồng, dư nợ bình quân 51,76 triệu đồng/khách hàng vay và tăng trưởng đều qua các năm. Phường không có nợ quá hạn, nợ khoanh trong nhiều năm.
Phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ cũng đã kiện toàn và chỉ đạo tổ thu hồi nợ phường đi vào hoạt động; trong đó chú trọng công tác thu hồi nợ quá hạn, hạn chế nợ quá hạn phát sinh, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ quá hạn về mức 0%. Lãnh đạo phường, các tổ chức đoàn thể cũng nắm bắt kịp thời những trường hợp vay bán nhà, bỏ đi khỏi địa phương, mắc tệ nạn xã hội, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội quận để có giải pháp thu hồi nợ kịp thời.
Người lao động có mức sống trung bình rất cần nguồn vốn vay để phát triển kinh tế
Tương tự, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu cũng lập danh sách các hộ vay trên địa bàn để theo dõi. Nhìn chung bà con đều sử dụng vốn đúng mục đích và thực hiện các kỳ trả nợ, trả lãi cho ngân hàng đúng hạn. Vốn tín dụng căn bản đáp ứng được nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nhiều hộ nhờ vốn vay học sinh, sinh viên đã tạo điều kiện cho con em học đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. Bên cạnh đó, vốn vay từ chương trình giải quyết việc làm cũng giúp người lao động tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn chuyển đổi phương thức làm ăn, mạnh dạn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Để tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận nguồn vốn vay, phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh – Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội TP.Đà Nẵng – cũng đã đề nghị các phường, xã chỉ đạo và triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng. Chỉ đạo tổ dân phố, thôn, tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác quản lý chặt chẽ vốn tín dụng, giúp đỡ người vay sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Đặc biệt là trong hai năm 2022-2023 khi Chính phủ có chủ trương hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 36.
Ông Minh cũng lưu ý các địa phương, đơn vị tập trung triển khai xử lý các trường hợp tồn đọng sau đối chiếu, phân loại nợ, đặc biệt là quản lý hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác, không để phát sinh trường hợp khách hàng còn dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng đi khỏi địa phương không có thông tin. Xác minh địa chỉ để tiếp tục thu hồi nợ đối với các khách hàng đi khỏi nơi cư trú.
Phan Lệ
Bình luận (0)