Theo thống kê năm 2006 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mù do bệnh võng mạc tiểu đường chiếm 4% trong tổng số các nguyên nhân gây mù. Đây là một trong những bệnh có tỷ lệ gây mù loà ngày càng tăng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Số liệu của WHO, trên thế giới có đến 90% những người bị tiểu đường trên 10 năm bị tổn thương ở võng mạc. Bệnh võng mạc tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính gây mù lòa ở các nước có nền “kinh tế trung bình” (chiếm 5%-10% tổng số mù). Riêng tại Việt Nam, hiện chưa có thống kê cụ thể và đầy đủ về bệnh này. Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành y tế, trong vòng 30 năm qua, tần số bệnh tiểu đường ở nước ta đã tăng lên từ 6-12 lần
Hiện nay Việt Nam chỉ có 6 bệnh viện có khả năng cung cấp dịch vụ điều trị laser cho bệnh nhân bị võng mạc tiểu đường (Bệnh viện Mắt TW, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng và Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Mắt Sài Gòn-Hà Nội) trong số đó chỉ có Bệnh viện Mắt TW và Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh có dịch vụ cắt kính.
|
Theo BS Nguyễn Thị Nhất Châu (BV Mắt TW): Tỷ lệ bệnh võng mạc tiểu đường phụ thuộc chủ yếu vào thời gian bị tiểu đường và mức độ kiểm soát bệnh tiểu đường.Qua theo dõi các bệnh nhân mắc bệnh trên tại BV cho thấy sau 20 năm bị tiểu đường, hầu hết bệnh nhân tiểu đường týp 1 và hơn 60% các trường hợp tiểu đường týp 2 mắc bệnh võng mạc tiểu đường. Đây là bệnh biến chứng vi mạch hay gặp nhất của bệnh đái tháo đường. Cũng theo các nghiên cứu dịch tễ học, bệnh võng mạc tiểu đường Wisconsin (WESDR), 3,6% bệnh nhân khởi phát khi trẻ (thể 1) và 1,6% bệnh nhân khởi phát ở lứa tuổi lớn hơn (thể 2) bị mù. Hiện nay, phương pháp điều trị ngoại khoa hiệu quả bệnh võng mạc tiểu đường là sử dụng laser đúng thời điểm và cắt dịch kính. Điều trị nội khoa hiệu quả nhất cho bệnh võng mạc tiểu đường là điều chỉnh lượng đường máu bệnh nhân đái tháo đường và kiểm soát huyết áp đối với bệnh nhân bị cao huyết áp.
Cũng theo BS Nguyễn Thị Nhất Châu, phần lớn bệnh nhân bị tiểu đường khi tới khám tại BV Mắt TW đều chưa được điều trị bệnh lý võng mạc tiểu đường một cách có hệ thống, không được phát hiện bệnh sớm nên không được điều trị bằng laser kịp thời, và lúc đó bệnh đã chuyển sang tình trạng rất nặng, nên dễ gây chảy máu trong phẫu thuật và hạn chế hiệu quả của phẫu thuật. Một trong những nguyên nhân khiến việc phát hiện bệnh võng mạc tiểu đường muộn do giai đoạn đầu của bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt. Tỷ lệ BS có trình độ cũng như số BVcó phương tiện để phát hiện bệnh còn ít. Điển hình như ở Nghệ An, toàn tỉnh có 120.000 người bị tiểu đường nhưng hiện tại cũng mới chỉ có 25.000 người được phát hiện và điều trị bệnh trên. Đây là một trong những tỉnh nhận được sự hỗ trợ của ORBIS trong việc kiểm soát bệnh võng mạc tiểu đường nên số bệnh nhân được phát hiện, điều trị và quản lý mới được như vậy, chứ ở nhiều tỉnh, đến các bệnh về mắt thông thường nhưng chưa được quan tâm chứ nói gì đến bệnh võng mạc tiểu đường. Do đó việc kiểm tra mắt thường xuyên để phát hiện sớm các giai đoạn có thể điều trị được là rất quan trọng. Theo khuyến cáo cả BS Châu, bệnh nhân tiểu đường từ 10 tuổi trở lên cần được khám mắt 3-5 năm sau khi bệnh khởi phát, còn bệnh nhân tiểu đường týp 2 nên được kiểm tra mắt sớm ngay sau khi phát hiện bệnh. Những bệnh nhân đái đường chưa có biến chứng võng mạc nên được khám mắt hàng năm để phát hiện bệnh. Đối với những bệnh nhân bị võng mạc tiểu đường không tăng sinh mức trung bình đến nặng nên được khám mắt thường xuyên hơn để xác định khi nào thì bắt đầu điều trị. Bệnh nhân bị tiểu đường cần miêu tả rõ lịch sử bệnh cho bác sĩ khi được khám mắt.
Minh Ngọc (Theo GD&TĐ)
Bình luận (0)