Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Vòng nguyệt quế của ý chí

Tạp Chí Giáo Dục

 

Phạm Anh Duy nhận giải nhì cuộc thi Giải toán bằng máy tính Casio – Vinacal cấp quốc gia

 

Con người nếu biết vượt qua sóng gió trong đời thì chắc chắn chiến thắng được nghịch cảnh. Có những học sinh (HS) dù đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã làm nên điều kỳ diệu đó.
Gần kết thúc năm học nhưng tại lớp 11A2 Trường THPT Hồ Đa (thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) thường vắng mặt một nam sinh. Đó là em Phạm Anh Duy – một trong những HS giỏi trong lớp – bị bệnh ung thư máu phải nằm viện.
Vượt qua thần chết
Các thầy cô luôn quan tâm hỏi thăm và lo lắng cho tình hình sức khỏe của Duy, không biết em có vượt qua được một “biến cố” lớn về sức khỏe hay không? Vậy mà như có sức mạnh diệu kỳ, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và nỗ lực từ chính bản thân mà Duy đã hoàn thành tốt chương trình học tập của mình, không thua bất cứ bạn nào trong lớp. 
Duy kể: “Năm đó em bị sốt liên tục nên ba mẹ đưa em đi khám ở bệnh viện (BV) huyện rồi lên BV tỉnh nhưng không tìm được nguyên nhân của bệnh. Sau đó ba đưa em vô BV Chợ Rẫy (TP.HCM) mới phát hiện em bị ung thư máu”. Bất hạnh đó như bao trùm lên toàn bộ ngôi nhà của cậu HS Trường Hồ Đa khi em là đứa con trai duy nhất trong gia đình. Thế nhưng niềm hi vọng về sự sống dần được hồi sinh khi em được các bác sĩ ở BV Huyết học TP.HCM quyết định ghép tủy bằng cách cấy tế bào gốc. Một bài toán hóc búa lại đến với hội đồng giám định y khoa khi tế bào của bệnh nhân không phù hợp với tế bào của những người khác. Chính vì thế họ đã đi đến quyết định lấy tế bào gốc của em tạo nên tế bào mới để giành giật lại sự sống cho em. Đây cũng là khoảng thời gian ba mẹ Duy phải bỏ hết mọi việc ở nhà để lặn lội vào Sài Gòn chăm nuôi cậu con trai nằm trên giường bệnh. Tuy đi lại vất vả và ca mổ tốn kém trên 1 tỷ đồng nhưng chính tình cảm của người thân trong gia đình là nguồn động viên rất lớn để giúp Duy vượt qua những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Thay cho những giọt nước mắt buồn tủi khổ đau là nụ cười và ánh mắt hi vọng dần lóe sáng trên khuôn mặt từng thành viên trong gia đình. Không thể để cậu con trai dừng bước trên con đường học hành, ba mẹ Duy đã quyết định cho em ở lại với người chị gái đang học ĐH Sư phạm TP.HCM. Đây cũng là phương án tối ưu để em được ở gần BV, thuận bề tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ. Mặc dù đã nghỉ tròn một năm học nhưng khi được đi học trở lại ở Trung tâm GDTX quận 1, TP.HCM, Phạm Anh Duy bắt đầu lấy lại “phong độ” của mình. Các môn khoa học tự nhiên, nhất là môn toán và hóa vẫn là niềm đam mê của cậu học trò lớp 12A1. May mắn hơn, em lại được học với cô Vũ Thị Hiếu Thảo – một GV có nhiều kinh nghiệm trong bồi dưỡng đội tuyển học viên giỏi của trung tâm.
Bước tiếp đường học hành
Chỉ sau 1,5 tháng bồi dưỡng Duy đã lọt vào danh sách 5 học viên của trung tâm đi thi học viên giỏi giải toán bằng máy tính Casio – Vinacal cấp thành phố năm học 2011-2012. Và vinh dự hơn khi Duy là một trong các thành viên của đội tuyển thành phố dự thi cấp quốc gia. Tuy nhiên, do sức khỏe kém nên đôi lúc Duy cũng “chạnh lòng” muốn bỏ cuộc. Thế nhưng với nghị lực sẵn có trong một cơ thể ốm yếu em đã gạt bỏ mọi ý nghĩ “yếu đuối” thoáng qua và vẫn đeo đuổi đến cùng lớp bồi dưỡng. Phải chăng nhờ có được sức mạnh tinh thần đó mà trong kỳ thi cấp quốc gia em đã giành được giải nhì.
Trò chuyện xung quanh việc học, Duy cho biết muốn là “thần dân” của các môn khoa học tự nhiên thì phải có các tố chất cần thiết như nắm vững công thức cơ bản, chịu khó “vật lộn” với nhiều dạng bài nâng cao mới đủ sức “đối đầu” với những bài tập khó. Tuy bước đầu giành được vòng nguyệt quế khiêm tốn nhưng Duy vẫn ao ước và tìm cách phấn đấu được như “nữ thủ lĩnh” Việt Thị Phương Quyên học cùng lớp. 
“Phương Quyên cũng đang mắc một căn bệnh nan y như em (rối loạn động mạch não) nhưng bạn ấy lại học giỏi toàn diện”, Duy nói trong sự khâm phục. Cũng giống như những học trò thiếu may mắn khác mà tôi đã từng gặp, Phạm Anh Duy đã làm nên vòng nguyệt quế cho nghị lực và ý chí của mình.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Chính tình cảm của người thân trong gia đình là nguồn động viên lớn giúp Duy vượt qua những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)