Học sinh Mỹ có kỳ nghỉ hè lâu nhất thế giới |
Mời gọi vui chơi, lôi cuốn ngao du, quyến rũ biếng lười được xem là đặc tính riêng của mùa hè. Thế nhưng, học sinh khắp thế giới nghỉ hè không giống nhau.
Có lẽ chúng ta đã quen với việc tận hưởng những ngày nghỉ khi kết thúc một năm học. Song chúng ta lại không biết mùa hè vì sao lại có. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà học sinh khắp thế giới lại có được những ngày hè vui!
Thực tế, kỳ nghỉ hè chỉ bắt đầu xuất hiện trong đời học sinh từ nửa cuối thế kỷ 19 – như một đặc quyền của trẻ em để bác bỏ, chống lại chính sách giáo dục cưỡng bức, bắt buộc mọi trẻ em phải đi học của các nước phương Tây.
Tại Mỹ trước năm 1840, các trường học hoạt động theo hai niên khóa nhưng không hề có nghỉ hè. Ở vùng nông thôn, năm học được chia thành học kỳ hè và học kỳ đông, để cho trẻ em được nghỉ phụ giúp cha mẹ vào mùa xuân gieo trồng và mùa thu gặt hái. Trong khi đó, học sinh thành thị phải học tới 48 tuần/ năm, xen kẽ với những đợt nghỉ sau mỗi quý.
Đến năm 1840, các nhà cải tổ giáo dục mới nhập hai niên khóa làm một vì lo ngại rằng lượng học sinh vùng nông thôn đi học quá ít còn học sinh thành phố với áp lực học tập quá nhiều sẽ gây rối loạn thần kinh. Mùa hè trở thành lựa chọn hợp lý vì các nhà cải tổ cho rằng dồn học sinh chen chúc trong lớp học nóng bức vào mùa hè là có hại cho sức khỏe. Nhiều chứng bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, bộc phát trong mùa này.
Nghỉ hè giữa mùa đông!
So với thế giới, học sinh ở Mỹ có kỳ nghỉ hè dài nhất – trọn vẹn ba tháng. Kỳ nghỉ hè thường bắt đầu từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8 hoặc từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9, tùy theo khu vực địa lý và khí hậu vùng miền. Hầu hết các nước đều cho học sinh nghỉ hè trong khoảng thời gian này, chỉ khác là kỳ nghỉ ngắn hơn. Tại Pháp, học sinh chỉ được nghỉ hè hai tháng – 7 và 8.
Còn ở Philippines, kỳ nghỉ hè cho các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học lại bắt đầu vào nửa cuối tháng 3 và kết thúc vào đầu tháng 6 cho phù hợp với mùa hè nhiệt đới của nước này. Tuy nhiên các trường cao đẳng và đại học Philippines lại tận dụng thời gian hè để mở nhiều khóa học thêm cho học sinh yếu hoặc dạy trước chương trình năm tới cho các học sinh khá.
Malaysia thì khác, tháng 10 là tháng của những kỳ thi cuối khóa hoăc tốt nghiệp nên niên học thường kết thúc vào giữa tháng 11. Niên học mới sẽ khai giảng khoảng một tuần lễ sau Tết Tây cho nên học sinh – cả mẫu giáo, tiểu học và trung học – sẽ nghỉ hè từ giữa tháng 11 đến hết tháng 12.
Kỳ nghỉ hè ở Úc lại khá muộn! Thời gian nghỉ chính thức kéo dài từ cuối tháng 12 đến cuối tháng 1, trùng với những ngày lễ Giáng sinh và Tết Tây. Nghỉ hè ở Úc tức là nghỉ lễ Giáng sinh và Tết! Thời gian nghỉ có vẻ ít nhưng thực tế học sinh Úc còn có thêm kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào tháng 4 và hai kỳ nghỉ khác vào tháng 6 và 9. Tính ra, học sinh Úc mỗi năm được nghỉ từ 12 đến 20 tuần.
Láng giềng với Úc, học sinh tiểu học New Zealand thường bắt đầu kỳ nghỉ hè từ ngày 20 tháng 12 đến ngày 7 tháng 2. Học sinh THCS nghỉ hè trước học sinh tiểu học một tuần và học sinh THPT bắt đầu nghỉ hè từ nửa cuối tháng 11 cho đến đầu tháng 1 năm sau. Singapore cũng có kỳ nghỉ hè thời gian tương tự với học sinh THPT nước New Zealand.
Có nên kéo dài kỳ nghỉ?
Mỹ là quốc gia có kỳ nghỉ hè dành cho học sinh lâu nhất thế giới, mỗi năm các bạn chỉ đến trường trung bình 180 ngày trong khi học sinh các nước châu Á một năm phải đến trường từ 240 đến 250 ngày! Thế nhưng, tại Mỹ cũng có khá nhiều quan điểm phản đối việc nghỉ hè quá nhiều, viện cớ rằng đó là nguyên do khiến kỹ năng toán và tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh nước này giảm sút – bị xếp hạng dưới trung bình – tỷ lệ này được căn cứ theo hai báo cáo về giáo dục quốc tế năm 2007.
Hiện nay, một số tiểu bang Mỹ đã áp dụng chính sách giáo dục quanh năm, không cho học sinh kéo dài kỳ nghỉ hè liên tục ba tháng mà chỉ được nghỉ xen kẽ giữa các quý. Nhưng những người ủng hộ quan điểm cho học sinh nghỉ hè lại cho rằng buộc học sinh phải học quanh năm là vi phạm… quyền trẻ em. Những người này cũng nói rằng các nước châu Á có những giá trị cũng như sự ưu tiên vì điều kiện địa lý, phong tục tập quán, văn hóa – xã hội rất khác với các nước Âu Mỹ nên không thể ép buộc học sinh Mỹ phải học nhiều như thế!
Yên Nhạn (tổng hợp)
Bình luận (0)