Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vòng xoáy giảm giá của thế giới và cơ hội cho Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lo lắng của các nhà đầu tư về tốc độ phục hồi kinh tế chậm trên toàn cầu đã tăng lên rất cao trong tuần qua, đặc biệt khi gói kích thích kinh tế QE2 của Mỹ sắp kết thúc.
Các nhà đầu tư lớn đã bán mạnh hàng hoá để chốt lời tạo ra một vòng xoáy giảm giá trên khắp các thị trường. Đà tăng giá hàng hoá đã bị chặn lại và khó có thể tái diễn trong thời gian tới. Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để kiềm chế lạm phát và nhập siêu.


Giá hàng hoá nhập khẩu sẽ giảm nhanh, nhất là với những hàng hoá thiết yếu như giá xăng dầu làm giảm tình trạng lạm phát cao ở trong nước.

 

Tuần qua, thế giới chứng kiến một đợt bán tháo tồi tệ nhất trên các thị trường hàng hoá trong hai năm gần đây. Giá bạc chứng kiến sáu phiên giảm điểm liên tiếp, mất 32,92%, từ mức đỉnh 49,51 USD ngày 28.4.2011 xuống mức 33,21USD ngày 6.4.2011. Giá vàng giảm mất 7,16% từ mức 1575,49 USD ngày 2.5.2011 xuống còn mức 1.462,67 USD trong ngày 5.5.2011. Dầu thô cũng đã giảm mạnh mất gần 17 USD trong tuần, xuống còn 97,18 USD/thùng. Sự sụt giảm mạnh giá hàng hoá còn diễn ra trên các thị trường khác như càphê, đồng, cao su v.v. Sự giảm mạnh của các loại hàng hoá chủ chốt khiến cho các chỉ số tài chính như Dow Jones, Stoxx500, Nikkei 225 cũng bị giảm theo do lo ngại lợi nhuận các công ty trong các lĩnh vực này bị ảnh hưởng.
Dấu hiệu đầu cơ
Sự bán tháo mạnh trên các thị trường hàng hoá trong tuần qua thể hiện tính chất đầu cơ mạnh mẽ trên các thị trường này trong thời gian vừa qua. Giá bạc đã tăng 2,5 lần từ tháng 9.2010 đến mức đỉnh 49,51 USD ngày 28.4.2011. Giá vàng cũng chỉ tăng mạnh từ tháng 9 năm ngoái, từ mức 1.250 USD/oz lên mức đỉnh 1.575 USD/oz. Còn dầu thô cũng chỉ tăng giá mạnh từ đầu 2011 trở lại đây.
Kể từ tháng 9.2011 tới hết tháng 4.2011, một loạt các tin tức hỗ trợ cho giá hàng hoá đã được các nhà đầu tư lớn tận dụng như gói kích thích kinh tế lần 2 của Mỹ, các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng cao, lạm phát gia tăng trên khắp thế giới v.v. Với vàng và dầu thô, giá được đẩy lên cao còn do sự bất ổn chính trị ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư lớn đã bắt đầu nhìn thấy các tin tức bất lợi cho giá hàng hoá. Trước hết là việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu bắt đầu thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát leo thang. Các nước mới nổi trên khắp thế giới đã thực hiện dần dần chính sách thắt chặt từ cuối năm 2010. Nhưng diễn biến đáng kể nhất là khi ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất cơ bản lên 1,25% vào đầu tháng 4.2011, và bỏ ngỏ khả năng sẽ nâng lãi suất lần 2 vào tháng 7.2011. Trong khi đó Fed đã đưa tín hiệu rõ ràng về việc kết thúc gói kích thích kinh tế QE2 đúng hạn vào tháng 6.2011.
Giá hàng hoá thế giới tăng cao đã làm ảnh hưởng lớn đến lạm phát của Việt Nam do hiệu ứng nhập khẩu lạm phát. Nhưng khi giá hàng hoá thế giới bắt đầu có xu hướng giảm thì tình hình lại ngược lại.
Trước nguy cơ sự sụt giảm của cầu và tiền tệ thắt chặt, nhiều quỹ đầu cơ đã bán tháo hàng hoá, tranh thủ lúc giá còn cao và tránh rủi ro.
Giảm sức ép lạm phát
Giá hàng hoá thế giới tăng cao đã làm ảnh hưởng lớn đến lạm phát của Việt Nam do hiệu ứng nhập khẩu lạm phát. Nhưng khi giá hàng hoá thế giới bắt đầu có xu hướng giảm thì tình hình lại ngược lại. Giá hàng hoá nhập khẩu sẽ giảm nhanh, nhất là với những hàng hoá thiết yếu như giá xăng dầu làm giảm tình trạng lạm phát cao ở trong nước.. Giá dầu thế giới cuối tuần trước đã giảm về mức 97,18 USD/thùng, thấp hơn mức giá dầu tại thời điểm Petrolimex tăng giá xăng lên 21.300 đồng/lít (104,79 USD/thùng). Giá dầu giảm có thể là một trong những lý do quan trọng mà bộ Tài chính chưa đồng ý với đề xuất tăng giá xăng của các doanh nghiệp xăng dầu dù đã qua hơn 30 ngày điều chỉnh giá. Hơn nữa, nếu giá hàng hoá thế giới giảm thì giá trị nhập khẩu sẽ giảm mạnh hơn so với xuất khẩu, giúp cho nhập siêu giảm nhanh hơn.
Những nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở bởi tình hình lạm phát và nhập siêu tại thời điểm này gần tương tự với thời điểm giữa năm 2008. Khi giá của hầu hết các hàng hoá thế giới đều giảm, trong đó có giá dầu thô thì CPI cũng giảm mạnh. CPI tính theo tháng của năm 2008 thể hiện xu hướng giảm dần từ tháng 6 khi đà tăng giá dầu thô bắt đầu chững lại và giảm từ tháng 7.2008. Thâm hụt cán cân thương mại hàng tháng trong năm 2008 cũng đã bắt đầu giảm từ sau tháng 5 góp phần làm giảm cơn sốt ngoại tệ vào tháng 6.2008 ở trong nước. Tỷ giá giảm lại làm giảm giá hàng hoá nhập khẩu giúp giảm lạm phát và nhập siêu, góp phần giảm lãi suất huy động VND đang ở mức cao.
Như vậy, giá hàng hoá giảm vào thời điểm này sẽ là điều kiện thuận lợi hỗ trợ quá trình chống lạm phát và bình ổn tỷ giá trên thị trường của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước trong nhiều tháng qua. Cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt bắt đầu có hiệu quả thì lạm phát tính theo năm của Việt Nam sẽ sớm đạt đỉnh trong 1 – 2 tháng nữa. Nếu nhập siêu được cải thiện thì ngân hàng Nhà nước có thể duy trì tỷ giá ở mức ổn định, trong khi vẫn có thể mua ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối.
Nguyên Minh Cường / SGTT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)