Tại cuộc họp Hội đồng thể thao ĐNÁ ngày 30/5, các đại biểu đã nhất trí đưa Vovinam (quốc võ của Việt Nam) vào chương trình thi đấu của SEA Games 26 năm 2011 tổ chức ở Indonesia.
Sau chuyến công tác của Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF) Võ Danh Hải, đại diện lãnh đạo Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) gồm Chủ tịch Nguyễn Danh Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hoàng Vĩnh Giang, Phó Tổng cục trưởng TC TDTT Lê Quý Phượng đã đến Jakarta (Indonesia) từ 28 đến 30/5, họp bàn với các thành viên của Hội đồng thể thao Đông Nam Á về các công tác chuẩn bị cho SEA Games 26 vào năm sau 2011.
Có Vovinam, thêm cơ hội giành huy chương cho TTVN tại SEA Games 26. |
Trong cuộc họp này, cùng với một số môn thể thao khác như thể hình, Muay Thái…, Vovinam đã được các quốc gia thành viên của Hội đồng thể thao Đông Nam Á giới thiệu vào chương trình thi đấu của SEA Games 26.
Ban đầu, Philippines và Malaysia phản đối sự xuất hiện của Vovinam ở SEA Games 26 nhưng sau khi Việt Nam có cuộc vận động hành lang và nhận được sự ủng hộ từ phía nước chủ nhà Indonesia, quyết định sau cùng đã được đưa ra.
Với việc Vovinam được đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games 26, Đoàn TTVN có điều kiện để gia tăng số lượng huy chương, cải thiện vị trí trên bảng tổng sắp.
Đây cũng là cơ hội để Thể thao Việt Nam ngày càng hòa nhập với thể thao khu vực, châu lục cũng như thế giới.
Vovinam – Việt Võ Đạo là môn võ được võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1936 nhưng lúc này hoạt động âm thầm, đến 1938 mới đem ra công khai, trên cơ sở võ học cổ truyền Việt Nam, đồng thời ông đề ra chủ thuyết "Cách mạng Tâm Thân" để thúc đẩy môn sinh luôn luôn canh tân bản thân, và hướng thiện về thể chất lẫn tinh thần.
Vovinam là cách viết tắt của cụm từ "Võ Việt Nam" để dễ đọc. Bên cạnh việc tập luyện võ thuật, binh khí, các võ sinh còn tập luyện nhuyễn công, khí công và coi trọng việc trau dồi nhân tính. Vovinam có đòn bay cao kẹp cổ nổi tiếng, luôn có mặt trong các buổi biểu diễn.
Trong các môn võ của Việt Nam, Vovinam Việt Võ Đạo được phát triển quy mô và rộng lớn nhất với nhiều môn sinh ở nhiều nơi trên thế giới như Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch, Đức, Mỹ, Maroc, Na Uy, Nga, Pháp, Romania, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Singapore, Uzbekistan, Thái Lan, Ý, Úc,…
Vovinam bao gồm phần võ thuật như những thế đấm, đá, gạt, đỡ, lao, gối, chỏ, vật, đòn chân,… và phần binh khí như việc sử dụng và chống đỡ kiếm, đao, côn, thương, dao găm, súng ngắn, súng dài,… Tiếp đó là việc luyện tập ngạnh công, nhuyễn công, khí công giúp dưỡng sinh và bảo tồn sức khỏe.
Đòn thế Vovinam được đưa vào hệ thống "Một phát triển thành Ba" nên tất cả các đòn thế được tập luyện từ thế căn bản (tấn công, phản đòn, khóa gỡ,…), qua đơn luyện (quyền pháp, chiến lược,…) và đến các dạng đa luyện (song luyện, đối luyện, tam đấu, tứ đấu,…). Võ thuật Vovinam đa dạng và thức thời, phù hợp với nhiều lứa tuổi.
|
Chí Lâm (theo vietnamnet)
Bình luận (0)