Cuộc chiến căng thẳng giành bản quyền truyền hình giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam cũng đã đến hồi kết, sau khi AVG hứa hẹn nhượng lại cho VPF.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều qua 20/4, diễn ra sau cuộc họp sơ kết lượt đi mùa giải 2011-2012 với chủ tịch của 24 trong tổng số 28 đội bóng, phó chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên cho biết AVG (An Viên Group) đã chính thức đồng ý chuyển giao bản quyền truyền hình cho VPF khai thác. Sau cuộc họp vào chiều thứ hai tuần sau 23/4 giữa VFF, AVG và VPF, các bên có thể sẽ ký kết chính thức.
Ông bầu Nguyễn Đức Kiên.
Trước khi đi đến thỏa thuận với AVG, VPF đã chính thức dừng khiếu kiện vấn đề bản quyền truyền hình lên Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cấp cao hơn là Tổng thanh tra Chính phủ.
Theo ông Kiên nếu tiếp tục kéo dài chuyện kiện tụng sẽ không có lợi cho bóng đá Việt Nam. Vì thế, ông nhấn mạnh trong cuộc chiến này không ai là người thắng và không ai là kẻ thất bại, mà là làm thế nào để có lợi nhất cho bóng đá nước nhà.
Đối với bản quyền các trận đấu của đội tuyển quốc gia, ông nói: "Sau khi nghe các kế hoạch khai thác vấn đề bản quyền truyền hình của chúng tôi, phía An Viên cũng muốn chuyển giao toàn bộ bản hợp đồng đã ký với VFF, bao gồm cả các đội tuyển quốc gia, nhưng chúng tôi chưa nhận lời. Trước mắt chúng tôi chỉ nhận những gì chúng tôi nắm trong tay thôi".
Bầu Kiên khẳng định AVG đã chuyển giao bản quyền cho VPF hoàn toàn miễn phí.
Ông cũng cho biết thêm rằng VPF đã có cuộc làm việc với đại diện của VTV, VTC và AVG để bàn về các vấn đề liên quan sau khi VPF nhận lại hợp đồng khai thác từ An Viên. Các kế hoạch dự kiến hoàn tất trong một tuần tới (trước vòng đấu thứ 15).
Khi nhận quyền chuyển giao từ AVG, phía VPF cam kết sẽ khai thác được tối thiểu 50 tỷ đồng mỗi năm từ bản quyền truyền hình. Thậm chí, họ còn hướng đến cái đích 100 tỷ đồng ở năm 2013 và 300 hay 500 tỷ đồng vào những năm sau nữa.
Với số tiền này VPF mong muốn các đội tuyển quốc gia sẽ không phải sử dụng ngân sách, các câu lạc bộ sẽ yên tâm hơn về nguồn thu từ quảng cáo.
"Trong quá khứ, các đài truyền hình hầu như không khai thác được quảng cáo đáng kể trong các trận đấu ở giải vô địch quốc gia. Ngay như AVG cũng đang chịu lỗ những năm vừa qua. Không có tiền, bóng đá Việt Nam khó phát triển. Bóng đá Việt Nam cần nhiều tiền. Chúng tôi sẽ thành lập Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam gồm 10 doanh nghiệp lớn, có uy tín xã hội và lợi nhuận tối thiểu là 1000 tỷ đồng một năm. Họ chính là những người đầu tư cho bóng đá Việt Nam và cái họ thu được sẽ là quảng cáo".
"Chúng tôi muốn các đài truyền hình dành cho chúng tôi khoảng 20 phút quảng cáo mỗi trận, trong đó nguồn thu 15 phút sẽ thuộc về VPF và 5 phút còn lại để các nhà đài trang trải chi phí sản xuất chương trình".
Tất cả những thông tin trên mới chỉ là khẳng định một chiều của VPF. Một số nghi ngờ cho rằng đó mới chỉ là thỏa thuận miệng và mọi chuyện vẫn có thể thay đổi khi các bên chưa chính thức ký kết.
Bản thân ông Phạm Nhật Vũ – Chủ tịch AVG – cũng tỏ ra thận trọng khi được hỏi về các tuyên bố của bầu Kiên. Ông cho rằng việc thỏa thuận mới chỉ là bước đầu và đôi bên cần đàm phán nhiều hơn nữa. AVG chưa sẵn sàng chuyển giao và nếu có cũng không có chuyện chuyển giao vô điều kiện. AVG muốn VPF phải cam kết và chứng minh được phương án đem lại nguồn lợi tối đa cho bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Kiên vẫn nhấn mạnh: "Tôi đã nói với ông Phạm Nhật Vũ của AVG rằng trong kinh doanh lời nói đôi khi quan trọng hơn chữ ký".
Doãn Mạnh (theo vnexpress)
Bình luận (0)