Tòa soạnThư đi – tin lại

Vụ 14 giáo viên trung tâm khuyết tật đồng loạt nghỉ dạy: Có phải “hội chứng” số đông?

Tạp Chí Giáo Dục

Các GV của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật “đình công” sáng 17-2
Không chấp nhận những nguyên tắc được cho là khô cứng, không phù hợp với môi trường giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, gây xáo trộn mất đoàn kết nội bộ… 14/19 giáo viên (GV) của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (sau đây gọi tắt là trung tâm), đường Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM đã đồng loạt “đình công”.
Bất ngờ
Sau khi “âm thầm” thông báo cho phụ huynh về kế hoạch “đình công” của nhóm và đề nghị phụ huynh cho con em nghỉ học “vô thời hạn” tại nhà, sáng sớm 17-2, với những khẩu hiệu phản đối được in trên giấy khổ lớn cầm trên tay và dán tại bảng thông báo, ngoài cổng… 14 GV yêu cầu phải điều chuyển Phó giám đốc trung tâm là bà Đàm Thị Tâm ngay tức thì.
Giám đốc trung tâm là thầy Nguyễn Thanh Tâm, hoàn toàn bị động trước sự việc này, thuyết phục không được, nhóm GV “yêu cầu” thầy Tâm phải gọi điện cho đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT và được trao đổi mới không làm lớn chuyện thêm. Thầy Tâm đã gọi điện cho lãnh đạo sở và sau đó mới tạm thời vãn hồi được trật tự. Nguyên nhân của vụ việc này được cô Đoàn Nguyên Trân, đại diện nhóm GV “đình công” cho biết: “Trung tâm là nơi can thiệp sớm và hỗ trợ hòa nhập cho trẻ khuyết tật (TKT), khi vào đây công tác, GV luôn muốn làm những điều tốt nhất cho TKT, bên cạnh đó GV phải có chuyên môn, trình độ giáo dục đặc biệt. Phải có tấm lòng chia sẻ, yêu trẻ, nhiệt tình với phụ huynh… đây là điều kiện cần và đủ để làm việc với phụ huynh và TKT! Tuy nhiên, sau khi nhận kỷ luật của Sở GD-ĐT TP và về làm Phó giám đốc trung tâm từ tháng 5-2013, bà Đàm Thị Tâm đã gây xáo trộn công việc, tình cảm của tập thể GV, nhiều GV bất an khi dạy TKT, làm giảm hiệu quả công việc. Hội nghị trù bị cán bộ công chức năm học 2013-2014 phải làm ba lần mới thống nhất”. Thầy Phan Hùng Dương (Tổ trưởng Tổ bồi dưỡng chuyên môn – giáo dục hòa nhập của trung tâm) cũng cho rằng: “Bà Tâm đã có những chỉ đạo mang tính chủ quan, áp đặt, can thiệp, đánh giá và góp ý không phù hợp, “quấy nhiễu” công việc chuyên môn của GV. Không chuyện này thì chuyện khác, hầu hết các thầy cô giáo tại đơn vị đều có những “va chạm” với bà Tâm. Khi GV góp ý thì bị bà Tâm mời “làm việc riêng”, thậm chí còn mời cả phụ huynh vào để đối chất…”. Theo thầy Dương, không chỉ gây bức xúc cho GV, bà Tâm còn làm tổn thương cho cả phụ huynh. Cụ thể, bà Tâm đã dọa đuổi học khi trẻ mới nghỉ học hai ngày (do bị ốm). Em B.Q.T – một trẻ 20 tháng tuổi bị hội chứng down, qua đời; trong lúc tang gia đang rối bời thì bà Tâm một mực đòi phụ huynh phải có đơn xin ngừng chương trình hỗ trợ. Trường hợp khác nữa: Khi phụ huynh sinh nở, xin cho trẻ nghỉ một thời gian, bà Tâm đồng ý, nhưng sau hai tuần lại buộc phải cho trẻ đi học lại, nếu không sẽ… cắt, khiến phụ huynh hoang mang…
Đặt câu hỏi: Kỷ luật một tập thể, cá nhân phải đúng qui định của pháp luật, của ngành, Sở GD-ĐT phải làm đúng qui trình này và thời gian có khi phải kéo dài trong một tuần, một tháng, vậy các thầy cô có đi dạy lại? Không đắn đo, giáo viên cho biết sẽ nghỉ dạy đến khi nào bà Tâm phải bị điều chuyển đi mới quay trở lại việc dạy.
“Người ngoại đạo”
Không bất ngờ trước vụ việc này, cô Tâm cho biết: “Ngày về trung tâm, tôi đã được nếm trái đắng khi bước chân vào văn phòng, một tờ giấy khổ A4 in bài viết về việc kỷ luật tôi được dán trên CPU, tôi đã bật khóc và báo cáo với Giám đốc trung tâm”. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Cô Đàm Thị Tâm được phân công về làm Phó giám đốc trung tâm kể từ tháng 5-2013, phụ trách chương trình can thiệp sớm. Việc thay đổi cách quản lý công việc, nề nếp, hồ sơ sổ sách, biểu mẫu khá nguyên tắc của cô đã bị GV phản ứng”. Thầy Tâm khẳng định: “Sau khi biết vụ việc qua báo cáo của cô Tâm, bản thân đã điều tra ra một nhân viên của văn phòng làm việc này và cho biết lý do: Báo giấy và báo mạng có đầy bài viết về cô Tâm nên in ra dán cho mọi người xem. Tôi đã nhắc nhở và yêu cầu nhân viên này gỡ bỏ tờ giấy đó xuống”. Nhận định về những bức xúc của GV và thời gian cô Tâm làm việc tại trung tâm, thầy Tâm nhận xét: “Cô Tâm là người làm việc có trách nhiệm, chịu khó, nhiệt tình nhưng duy ý chí, luôn cho mình là đúng, không làm theo ý người khác nên đã không tạo được sự đồng thuận”.
Thầy Tâm cũng cho biết: “Tôi về nhận nhiệm vụ Giám đốc trung tâm từ năm 2011, chúng tôi (gồm cả cô Tâm) đều bị áp lực là “người mới –  ngoại đạo” và cũng bị đánh giá là người không có chuyên môn. GV phản ứng thẳng: Thầy đừng áp dụng mô hình của cơ quan cũ (nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu – PV) vào cơ quan mới. Tôi phải hòa nhã, khiêm tốn để từng bước khẳng định mình cho GV nhìn thấy và tin tưởng, chấp nhận”. Cô Tâm cũng giãi bày: “Khuyết điểm lớn nhất của tôi là quá nhiệt tình với công việc nên có những cái quá cứng và đúng nguyên tắc, tin người vội vàng”.
Qua tiếp xúc với cán bộ quản lý, người bị phản đối và những GV “đình công”, người viết thấy một số vấn đề cần được các cấp lãnh đạo, Sở GD-ĐT suy xét: Chuyện đúng sai của GV, cán bộ quản lý sẽ có kết quả cuối cùng sau buổi làm việc của đoàn thanh tra sở. Tuy nhiên, điều đáng buồn cần phải bàn tới đó là thái độ của người quản lý và phản ứng của GV! Cơ quan nào cũng phải có nội qui, qui định rõ ràng nhưng ở trung tâm này chủ yếu chỉ là “miệng”, vì vậy khi muốn áp dụng nội qui, qui định cần phải được ban hành bằng văn bản và có sự đồng thuận của cấp dưới. Làm được việc này sẽ không có chuyện kiện cáo, nói xấu người này, hạ thấp người khác.
Bức xúc của GV là có thật; bản thân cô Tâm làm việc còn cứng nhắc, áp dụng chưa đúng với thực tế của cơ quan mới là có; Giám đốc giải quyết sự việc từ nhỏ đến lớn chưa quyết liệt, thấu đáo (không kỷ luật người in bài báo với mục đích: Tuyên truyền, bôi xấu lãnh đạo – chỉ nhắc nhở)… Với cương vị là thủ trưởng đơn vị, để GV bức xúc, cán bộ quản lý tủi thân… bản thân có phải đã hoàn thành nhiệm vụ chưa? 14 thầy cô giáo ai cũng tâm huyết với nghề nhưng với việc treo băng rôn, biểu ngữ trong khuôn viên trường để phản đối có phải là hành động thái quá, “hội chứng” số đông? Nói đã “mở lòng” nhưng tâm lý kì thị, coi lãnh đạo của mình là “người ngoại đạo” như vậy đã thật sự: Tất cả vì tập thể – tập thể vì cá nhân?
Tất cả chúng ta sống và làm việc phải theo Hiến pháp và pháp luật, nhất là với những người làm công tác giáo dục thì càng phải tuân thủ nghiêm. Bởi thầy cô giáo chính là tấm gương cho học sinh noi theo, xã hội coi trọng!
Bài, ảnh: Quang Huy
Nội bộ bất đồng, đấu đá
Vụ việc 14 GV của trung tâm “đình công” là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất đoàn kết nội bộ, chia bè kết phái đấu đá – tố cáo lẫn nhau đang diễn ra tại đây. Ngày 17-2 diễn ra vụ “đình công” của GV thì ngay sáng hôm sau 18-2Giáo dục TP.HCM tiếp nhận “Đơn xin cứu xét” do cô Phạm Thị Lam Kiều – GV của trung tâm đứng tên. Đơn được kí ngày 9-1-2014 đã gửi cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM với nội dung phản ánh về nhóm 14 GV này trong đó khẳng định: Cô Lê Thị Thu Hồng – Chủ tịch Công đoàn của trung tâm (một trong 14 GV kí tên trong “Đơn xin cứu xét”) đã lập bè phái, gây áp lực với lãnh đạo trung tâm về việc phải “đuổi” bằng được cô Tâm (Phó giám đốc). Nội dung đơn được liệt kê từ ngày 30-8-2013 đến 2-1-2014 về những phản ứng của 14 GV, kèm theo đĩa CD ghi âm, quyết định, văn bản liên quan. Cô Kiều cho rằng: “Nếu cô Tâm xúc phạm GV, phụ huynh như trong đơn GV nêu thì Chủ tịch Công đoàn phải tập hợp ý kiến lại để góp ý với Giám đốc trung tâm kiêm Bí thư Chi bộ để Giám đốc góp ý với cô Tâm. Đó là cách làm tế nhị để tránh cho người quản lý không phải chịu sự sỉ nhục trước mặt cấp dưới. Chuyện không có gì lớn nhưng Ban Chấp hành Công đoàn lại khuếch đại, thổi phồng sự việc, cho rằng cô Tâm phạm một “đại tội – trời không dung đất không tha”, phải “tấn công” tiêu diệt cô Tâm cho bằng được…!”.
 
Chiều 18-2, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: “Thông tin 14 GV của trung tâm đã gửi “Đơn xin cứu xét” tới lãnh đạo Sở GD-ĐT hai lần nhưng không được giải quyết là chưa chính xác. Vì đến sáng 17-2 sau khi xảy ra sự việc của các thầy cô này, lãnh đạo sở mới biết được vụ việc! Sau đó, sở đã cử đoàn thanh tra, Công đoàn xuống làm việc với 14 thầy, cô và Ban Giám đốc của trung tâm để nắm rõ tình hình trong buổi sáng 18-2. Dự kiến, trong ngày hôm nay 19-2, đại diện lãnh đạo sở sẽ tiếp tục có buổi làm việc trực tiếp với cả hai bên. Từ kết quả của những buổi làm việc này, sở sẽ có văn bản báo cáo lãnh đạo UBND TP để có kết luận cuối cùng”.
 
 

Bình luận (0)