Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vụ 4 sinh viên chết tại phòng trọ: Tự thí nghiệm tại nhà rất nguy hiểm

Tạp Chí Giáo Dục

SV Lê Văn Hạ, Khoa Điện – Điện tử Trường ĐH Bách khoa TP.HCM may mắn sống sót sau vụ cháy nổ ở nhà trọ mới đây được điều trị tại bệnh viện
Vụ 4 sinh viên (SV) Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tử vong mới đây được cho là do tự chế pháo tại nhà gây cháy nổ. Các chuyên gia cho rằng, chế pháo hay làm bất cứ thí nghiệm gì trong điều kiện không đảm bảo an toàn như vậy đều rất nguy hiểm.
Về nguyên tắc, hóa chất không được mang ra khỏi phòng thí nghiệm của các trường để đảm bảo an toàn nhưng SV lại dễ dàng mua được bên ngoài. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều mối lo ngại đối với việc mất an toàn khi SV sử dụng hóa chất…
Dễ mua hóa chất bên ngoài
Nhiều SV tại TP.HCM thừa nhận việc mua hóa chất bên ngoài hiện khá dễ dàng. Chỉ cần bỏ tiền và nói tên loại hóa chất cần mua, các chủ cửa hàng đều có thể cung cấp. TS. Đặng Văn Sử, Phó trưởng khoa Công nghệ hóa học Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết không chỉ SV mà cả giảng viên hay học viên cao học ở nước ta hiện nay cũng đến các cửa hàng để mua hóa chất phục vụ thí nghiệm, nghiên cứu. Giá cả từng loại hóa chất có khác nhau nhưng không quá đắt nên SV hoặc nhóm SV hoàn toàn đủ khả năng mua được.
Tuy nhiên, theo ông Sử, trừ một số loại hóa chất không mang tính độc hại dùng pha chế nước tẩy rửa có thể tự thực hiện tại gia, còn lại tất cả các thí nghiệm đối với những loại hóa chất khác đều phải thực hiện trong phòng thí nghiệm, nơi có đủ điều kiện đảm bảo an toàn.
Để đảm bảo an toàn, các trường ĐH hiện nay quy định rất nghiêm ngặt hoạt động thí nghiệm của SV. Cụ thể, các em phải mặc áo blouse, đeo kính, không được đùa giỡn hay ăn uống trong phòng thí nghiệm, không được mang hóa chất hay dụng cụ của phòng thí nghiệm ra ngoài…
Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, PGS.TS Trần Thị Tửu, Trưởng khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm, cũng cho biết ngoài những yêu cầu chung trên, trường còn quy định luôn phải có ít nhất hai SV trong mỗi lần cùng thí nghiệm tại phòng, dưới sự giám sát của cán bộ hướng dẫn nhằm hỗ trợ kịp thời những trường hợp không may xảy ra hỏa hoạn. “Đặc biệt, nếu SV không chuẩn bị bài sẽ bị cấm làm thí nghiệm. Vì SV làm thí nghiệm trong khi không nắm chắc bài vở nguy cơ mất an toàn rất cao. Nhất là với một số hóa chất dùng để làm pháo, nếu không trộn đúng tỷ lệ sẽ gây ra hiện tượng nổ bất kỳ lúc nào”, bà Tửu nhấn mạnh.
Không “tự chế” theo công thức trên mạng
Vì có thể gây tác hại khôn lường khi an toàn không được đảm bảo nên SV ngành hóa tại các trường ĐH luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, nhất là việc không mang hóa chất hay thí nghiệm với hóa chất bên ngoài phòng thí nghiệm.
PGS.TS Trần Thị Tửu lý giải, đã là hóa chất thì SV không được mang về nhà hay làm ở bất kỳ nơi nào ngoài phòng thí nghiệm. Vì với trình độ các em chưa thể nắm bắt hết công dụng hay tác hại của chúng. Chưa kể, việc SV mua hóa chất rồi tự làm theo công thức trên mạng còn có thể gây nguy hiểm. Bởi, các công thức trên mạng thường chỉ đề cập ở mức cơ bản. Và dù mạng có hướng dẫn chia đúng tỷ lệ thì khi kết hợp vẫn có thể xảy ra tai nạn nếu hóa chất mua trên thị trường không đảm bảo chất lượng.
Bà Tửu khuyến cáo, SV không nên chủ quan mà cần phải biết kỹ càng tác dụng của hóa chất khi muốn sử dụng. Các em dự định làm thí nghiệm hay trò chơi hóa học cần có cán bộ hướng dẫn hoặc chuyên gia, không nên tự bản thân hoặc một nhóm mày mò làm trong điều kiện không đảm bảo. Thực tế, theo PGS.TS Trần Thị Tửu, cả những người làm pháo hay giảng viên hướng dẫn thí nghiệm đều phải trải qua khâu tập huấn hết sức kỹ càng.
“Tôi đề cập điều này bởi có những thí nghiệm sau khi được học, được hướng dẫn, SV tỏ ra rất thích thú, tò mò muốn tự mình làm trong khi chưa hiểu hết được tác dụng, tác hại của hóa chất. Hoặc các em chưa phân biệt được tác dụng của hóa chất tinh khiết dùng làm thí  nghiệm tại trường và hóa chất mua trên thị trường”, bà Tửu lưu ý. Thông thường, hóa chất nhà trường dùng cho SV thí nghiệm được mua ở những địa chỉ đáng tin cậy. Trong khi đó, việc mua bán hóa chất trên thị trường hiện nay khá dễ dàng nên chất lượng cũng khó kiểm soát.
TS. Đặng Văn Sử cũng cho rằng, những thí nghiệm có khí thoát ra hoặc hơi axít và hóa chất độc hại thì nhất thiết phải thực hiện trong điều kiện có tủ hút khí độc. Một số ít thí nghiệm khác còn phải thực hiện trong môi trường có trang bị kính chịu lực. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bắt buộc SV phải thí nghiệm ngay tại phòng thí nghiệm. “Quy định không cho phép làm thí nghiệm tại nhà, nhất là đối với các chất gây cháy nổ, độc hại…”, ông Sử khẳng định.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Hỗ trợ toàn bộ chi phí cho SV gặp nạn
PGS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết trường cùng ĐH Quốc gia TP.HCM, UBND phường 14 và UBND quận 10 đã hỗ trợ toàn bộ chi phí an táng và điều trị cho các SV bị nạn. Đại diện nhà trường cũng đã thăm hỏi, chia buồn cũng như cử lực lượng hỗ trợ gia đình các SV việc an táng.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)