Tòa soạnThư đi – tin lại

Vụ 7 HS Trường THCS Lý Thánh Tông (Q.8) mất tích: Lúng túng trong xử lý tình huống

Tạp Chí Giáo Dục

HS cần cẩn thận hơn đối với người lạ (ảnh chụp trong giờ ra về của HS Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8 sáng 3-9)
Vừa qua, dư luận xôn xao với việc 7 học sinh (HS) Trường THCS Lý Thánh Tông (Q.8, TP.HCM) mất tích vào chiều ngày 28-8 và tối cùng ngày đã về được địa phương. Điều đáng quan tâm là việc giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường những năm gần đây đã được chú trọng, tuy nhiên các HS này vẫn không đề phòng trước người lạ.
Mất tích bí ẩn
Chiều ngày 28-8, 9 HS Trường THCS Lý Thánh Tông đang chơi đá bóng ở khu vực  chung cư gần trường thì có hai người lạ mặt đến hỏi thăm. Sau khi nghe lời mật ngọt của hai người lạ này là đi phỏng vấn cho công ty này, công ty nọ rồi được tặng quà, được uống nước ngọt, 9 HS này liền đi theo. Tuy nhiên, vẫn có một số em phân vân, nghi ngờ liền mượn máy điện thoại của hai người lạ này gọi về xin phép bố mẹ. Em Dương Đình Đức, HS lớp 9/7 kể: “Lúc đó em còn phân vân, chưa muốn đi thì chị lạ mặt cho em mượn điện thoại gọi về nhà. Em gọi xin phép mẹ đi phỏng vấn và nhận quà một chút, mẹ chưa kịp nói gì thì em bị lấy lại điện thoại. Lúc đó, em cảm thấy hơi phân vân nhưng không hiểu vì sao vẫn theo họ”.
Nhóm HS này cho biết, ban đầu có 9 bạn cùng đi, 5 bạn được 2 người này chở bằng 2 chiếc xe máy, 4 bạn còn lại đi 2 chiếc xe đạp nhưng có hai bạn đuổi theo không kịp. Đến Q.Bình Thạnh, các em không nhớ rõ ở số nhà bao nhiêu hay đoạn đường nào mà được dẫn đến một ngôi nhà rất lớn. Ở đây, họ cho các em ăn, uống nước, các em bắt đầu cảm thấy sợ và đòi về nhưng họ không chịu, bắt các em phải trả lời phỏng vấn xong. Sau đó, các em được đưa lên tầng 2 và bị… phỏng vấn. Em KaNaPy (người dân tộc Chăm, lớp 8/3) cho biết: “Họ hỏi tụi em có bị bệnh gì không? Mùi vị của nước uống, thức ăn mà họ đã cho chúng em sử dụng như thế nào…”. Sau khi trả lời xong những câu hỏi này, khoảng 21 giờ 30 những người lạ mặt này đã chở các em về chợ Ba Đình (phường 10, Q.8) và các em phải đi bộ một đoạn đường khá xa để về nhà.
Về phía phụ huynh, khi nghe một số em gọi điện về xin phép đi phỏng vấn mà không rõ đến đâu, gọi điện đến số máy lạ đó thì bị tắt máy. Họ hốt hoảng đến công an trình báo. Lúc đó, cả gia đình, nhà trường, khu phố ai cũng hoang mang, lo lắng cho số phận các em này, rất may các em đã trở về bình an. Tuy nhiên, ngay sau khi xuống xe, nhiều HS cho biết cả 7 bạn đều bị nôn ói và chóng mặt.
Kỹ năng sống của HS chưa cao
Ngay sau khi nhận được tin báo 7 HS của trường bị mất tích, giáo viên và Ban giám hiệu Trường THCS Lý Thánh Tông rất lo lắng và cũng có mặt cùng phụ huynh tại công an phường. Thầy Vũ Hồng Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khi các em trở về, chúng tôi liền đến thăm hỏi các em, đồng thời cũng tổ chức họp với phụ huynh 7 em này để rút kinh nghiệm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức họp  để nhắc nhở các bậc phụ huynh cần gần gũi, chia sẻ với các em nhiều hơn để khi có việc gì xảy ra, các em dễ dàng tâm sự như những người bạn”.
Về phía nhà trường, thầy cũng nhận thiếu sót trong việc giáo dục kỹ năng sống cho HS chưa sâu. “Thời gian thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho HS ở trên lớp chưa nhiều, chủ yếu là mang tính chất giới thiệu, phân tích và hướng dẫn cho các em. Trong khi đó, những tiết thực hành, tạo tình huống thực tiễn như gặp người lạ thì phải ứng xử thế nào để các em có cơ hội được trải nghiệm, từ đó hình thành phản xạ thì chưa nhiều. Vì thế, các em chưa có “sức đề kháng”, phản xạ nhanh với những tình huống như trên”, thầy Vũ Hồng Sơn chia sẻ.
Lý giải về nguyên do khiến các em mất tích như vậy, ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng: “Việc đồng ý đi với những người lạ là do các em thiếu các kỹ năng xã hội như kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng từ chối vì các em có thể không muốn đi nhưng lại không mạnh dạn từ chối hay chưa biết cách từ chối. Nếu có kỹ năng xử lý tình huống, các em có thể gọi điện hỏi ý kiến bố mẹ, thầy cô… Trong trường hợp này, một số em đã ý thức được gọi điện về nhà xin phép bố mẹ, nhưng kỹ năng xử lý tình huống lại chưa hoàn thiện, tức là các em chỉ thông báo thông tin mà không đưa dữ liệu đầy đủ là đi với ai, đến đâu, làm việc gì… Nếu các em nói rõ hơn thì người lớn chắc chắn sẽ đưa ra quyết định đúng đắn cho các em”.
Bài, ảnh: Dương Bình
 
“Trẻ em ra đường nếu người lạ hỏi thăm, cần giúp đỡ thì chỉ giao tiếp ở mức giới hạn như nếu người lạ hỏi đường thì chỉ đường đi cho họ, không nên tiết lộ các thông tin về cá nhân mình. Trong trường hợp nếu các em cảm thấy đối tượng có vẻ “khả nghi” (bề ngoài không lịch sự, dùng ngôn ngữ không chuẩn mực) thì tốt nhất là các em không nên tiếp xúc và bình tĩnh tìm về nơi an toàn, gọi điện cho người lớn… Các thầy cô và cha mẹ cũng nên thường xuyên nhắc nhở các em cẩn thận với những lời mời mọc, dụ dỗ vì không có tổ chức, cá nhân danh chính ngôn thuận nào lại đi tiếp cận với trẻ mà không xin ý kiến của người thân các em như bố mẹ, thầy cô…”, ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ.
 

Bình luận (0)