Tòa soạnThư đi – tin lại

Vụ bé trai 3 tuổi bị bạo hành dã man: Nạn nhân vẫn đi ăn xin

Tạp Chí Giáo Dục

Trịnh Nguyễn Thành Đức được người dân đưa về nhà ngủ vào lúc 2 giờ 30 sáng 29-10
Mặc dù chính quyền địa phương nỗ lực tìm kiếm nhưng đến 11 giờ ngày 2-10, cuộc giải cứu nạn nhân vẫn chưa thành vì kẻ chăn dắt thoắt ẩn thoắt hiện.
Những ngày qua, dư luận bàng hoàng, phẫn nộ vì người lớn bóc lột sức lao động, đánh đập tàn nhẫn, bắt ép một đứa trẻ đi ăn xin về nuôi cả nhà. Điều đau lòng là nạn nhân không ai khác ngoài máu mủ ruột rà của họ (Giáo Dục TP.HCM số ra ngày 1-11 đã có bài phản ánh). Người dân hết sức lo lắng vì có thể cháu Đức không được ở bên mẹ mà Hòa (cậu ruột của Đức) đã đưa đến một nơi nào đó để hành hạ mỗi khi “phê” keo chó. Nếu như vậy, cuộc sống của Đức thật bi đát.
Số phận hẩm hiu
Kể từ sáng 30-10, cháu Trịnh Nguyễn Thành Đức (sinh 2010) bị chính cậu ruột là Trịnh Đắc Hòa (sinh 1998) đánh đập tàn nhẫn vì không đi ăn xin đã được mẹ ẵm ra khỏi nhà. Hòa cũng đã trốn biệt từ đêm 29-10. Số phận của đứa bé lên 3 như sợi chỉ mành treo chuông.
Chúng tôi trở lại khu nhà nơi gia đình bà Trần Thị Nguyệt (sinh 1960, bà ngoại của Đức) và các con, cháu thuê trọ trong chiều tối 1-11. Trong căn nhà trọ chỉ duy nhất bà Nguyệt đang sửa soạn chuẩn bị đi làm từ thiện?! Bà Nguyệt ăn mặc sang trọng, môi son, má phấn. Hỏi thông tin về mẹ con cháu Đức cũng như Hòa, bà Nguyệt lắc đầu, nói: “Tụi nó đi đâu hai hôm rồi không thấy về”. Bà Nguyệt tỏ ra rất bình tĩnh và khôn khéo trước các câu hỏi của chúng tôi. Chỉ vài câu, bà từ chối không tiếp tục cuộc trò chuyện vì bận đi làm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Nguyệt hành nghề bói toán dạo tại khu vực chùa Linh Quang (Q.4). Dù có “nghề” nhưng cái ăn, cái mặc của người lớn trong gia đình lại phụ thuộc vào công việc ăn xin của Đức.
Dư luận vẫn chưa thôi lên án, chỉ trích hành vi vô nhân tính của bà Nguyệt và con trai (Trịnh Đắc Hòa). Theo phản ánh của người dân, bà Nguyệt chính là người xúi Hòa chăn dắt cháu Đức đi xin để mang tiền về nuôi cả gia đình. Không ít người cho quần áo thằng bé nhưng bà Nguyệt và Hòa không cho cháu mặc quần để người đi đường thấy vậy mà động lòng, cho tiền. Những hôm cháu Đức xin không được tiền hoặc được ít, cậu và ngoại bỏ đói và không cho Đức vô nhà, mặc dù đã 2-3 giờ sáng, trời mưa tầm tã.
Cũng trong chiều 1-11, chúng tôi đã tìm đến quán cơm Nụ Cười (cơm 2.000 đồng, đường Nguyễn Khoái, Q.4), cầu Kênh Tẻ và các ngã tư thuộc P.12, Q.4) để tìm mẹ con Đức và Hòa nhưng không thấy. Quán cơm 2.000 đồng là nơi Trịnh Thị Tuyết Nở (sinh năm 1991, mẹ của Đức) thường đến ăn. Và các ngã tư là nơi Hòa dắt Đức đi xin. Có thể vì bị “động” mà Hòa đã đổi địa bàn.
Lẩn trốn và kiếm tìm

Vết thương do Hòa châm thuốc lá trên đùi, chân Đức
Tin từ Công an P.Tân Hưng cho biết, ngay trong sáng 1-11, Cục Bảo vệ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã có văn bản chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vào cuộc cùng giải cứu nạn nhân. Thực hiện chỉ đạo, hiện Công an P.Tân Hưng đang khẩn trương phối hợp với Công an Q.4, nơi Nở và Hòa thường xuyên lui tới để tìm và giải cứu cháu. Khi tìm được, sẽ đưa cháu vào nhà tạm lánh hoặc Trung tâm Bảo trợ xã hội.
Thông tin từ người dân cung cấp, khoảng 0 giờ ngày 2-11, Nở có dắt cháu Đức về nhà. Hòa cũng về nhà trong đêm. Nhận tin báo, công an đã đến nhà giải cứu cháu Đức nhưng bất thành. Cũng trong sáng 2-11, chúng tôi cùng bà Lưu Thị Bích Hợp, Phó chủ tịch UBND P.Tân Hưng đã đến nhà bà Nguyệt. Tuy nhiên, cả Nở, Hòa và Đức đều ra khỏi nhà vào lúc 5 giờ sáng. Bà Nguyệt cũng đã đi chùa lúc 7 giờ. “Người ngợm thằng bé mệt mỏi, dơ dáy vì cả 2, 3 ngày không được tắm rửa. Sáng sớm lại dắt đi, do thiếu ngủ nên mặt lờ đờ trông thảm hại”, một người hàng xóm cho biết.
Trưa 2-11, khi chúng tôi đang trao đổi với hàng xóm thì một người dân về thông tin vừa gặp Hòa ở khu vực chùa Giác Nguyên (Q.4). Người này còn cho biết Đức cũng đang xin ăn gần đó. “Tôi có nắm áo của Hòa hỏi: “Mày lại dắt thằng nhỏ đi ăn xin phải không?”. Hòa trả lời: “Thằng Đức được mẹ nó dắt đi đâu không biết” rồi vụt chạy. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Đặng – chủ đất mà gia đình bà Nguyệt thuê trọ – cho rằng: “Mẹ con Nở đã đi Gia Lai”. Chính bà Đặng đã về nhà lấy búa đến phá khóa cửa nhà bà Nguyệt để chúng tôi vào tìm hiểu. Bên trong căn nhà trên dưới 10m2 không có vật dụng gì giá trị. Góc bếp nhỏ xíu, hôi hám đặt ngay dưới nền nhà, nồi cơm nguội đậy hờ. Cầu thang dã chiến lên căn gác gỗ có dấu hiệu mục nát là nơi mà Hòa đã thực hiện hành vi đánh đập Đức. Trên dưới mùi ẩm mốc, phân mèo xộc lên mũi đến nôn ói. Chỉ tay vào những bao quần áo cũ, bà Đặng nói: “Đó, quần áo mà bà Nguyệt gom để làm từ thiện!?”. Theo những người thuê trọ, bà Đặng luôn miệng bênh vực gia đình bà Nguyệt. Kể cả người cung cấp thông tin cho báo chí và chính quyền địa phương cũng bị bà chửi mắng thậm tệ. Chúng tôi phải vào vai nhà hảo tâm đến cho tiền mẹ con Nở, lúc này bà Đặng mới nhỏ nhẹ: “Để tụi nó về tui sẽ báo”.
Những ngày qua, dư luận cũng tỏ ra bức xúc vì sự chậm trễ trong công tác triển khai giải cứu cháu Đức của chính quyền địa phương. Hiện sự sống của Đức đang trông chờ vào những người có trách nhiệm.
Luật sư nói gì?
Luật sư Nguyễn Thế Thông (Đoàn luật sư TP.HCM) thông tin: Hành vi đánh đập, bỏ đói, bắt ép con đi ăn xin, có dấu hiệu ngược đãi có thể chịu hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ 3 tháng đến 3 năm theo điều 151 Bộ luật Hình sự. Theo luật sư Thông, quy định là vậy nhưng chỉ xử lý hình sự khi đối tượng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà tái phạm hoặc có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng.
Trường hợp Trịnh Đắc Hòa, người trực tiếp hành hung cháu Đức chưa đủ tuổi vị thành niên nên áp dụng chế tài theo nghị định 114/NĐ-TTg, ngày 3-10-2006 về xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em. Riêng Trịnh Thị Tuyết Nở, mẹ của Đức nếu thực sự có hành vi trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con cái có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình theo điều 10, nghị định 87/NĐ-CP ngày 21-11-2001.
Cơ quan chức năng cũng cần phải làm rõ trách nhiệm và hành vi của bà Nguyệt, người bị “tố” là chỉ đạo Hòa chăn dắt bé Đức đi xin. Ở đây, bà Nguyệt đã nhiều lần bỏ đói, không cho Đức về nhà, không phản ứng khi Hòa đánh đập, hành hung Đức, không cho mặc quần… để người đi đường thấy tội nghiệp mà cho tiền. Theo điều 104 Bộ luật Hình sự, trường hợp này, bà Nguyệt có thể bị xử lý tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác.
Giáo Dục TP.HCM sẽ tiếp tục thông tin diễn biến của vụ việc.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Trung tá Nguyễn Thành Tài – Trưởng công an P.Tân Hưng, Q.7 cho biết đang theo dõi đối tượng Hòa. Hiện Công an P.Tân Hưng cũng phối hợp với công an một số phường ở Q.4 để tìm kiếm đối tượng Hòa và cháu Đức. Nếu bắt được Hòa công an phường sẽ xin ý kiến cấp trên đưa Hòa đi giáo dưỡng.
 

Bình luận (0)