Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Vụ cá mập tấn công kinh hoàng nhất lịch sử

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 1945, tàu Hải quân Mỹ USS Indianapolis đã bị tàu ngầm Nhật Bản đánh chìm. Tuy nhiên, chìm tàu chỉ là khởi đầu của cơn ác mộng đối với các thủy thủ Mỹ.

Tàu USS Indianapolis làm nhiệm vụ chở các bộ phận quan trọng của quả bom nguyên tử đầu tiên có thể hoạt động tới một căn cứ hải quân trên đảo Tinian ở Thái Bình Dương. Ngày 6/8/1945, vũ khí dự kiến sẽ được dùng để san phẳng Hiroshima của Nhật Bản.
Ngày 28/7, tàu USS Indianapolis bắt đầu đi từ đảo Guam mà không có tàu hộ tống để tới gặp tàu chiến USS Idaho ở vịnh Leyte thuộc Philippines, chuẩn bị cho một cuộc xâm chiếm của quân Nhật.
Ngày hôm sau, mọi chuyện đều im ắng. Tàu USS Indianapolis đã đi với vận tốc khoảng 20 km/h qua những con sóng cao từ 1 đến 2 mét trên Thái Bình Dương tưởng như kéo dài vô tận. Khi mặt trời lặn, thủy thủ đoàn chơi bài, đọc sách. Một số nói chuyện với linh mục trên tàu.

Người sống sót được đưa về đảo Guam.

Sau nửa đêm, đột nhiên một quả ngư lôi của Nhật Bản đâm trúng mũi tàu USS Indianapolis ở mạn phải, thổi bay gần 20 mét mũi tàu xuống mặt biển, khiến thùng chứa hơn 13.000 lít nhiên liệu máy bay bốc thành một cột lửa khổng lồ cao hàng chục mét. Sau đó, một quả ngư lôi khác cũng từ tàu ngầm đó đã lao vào vị trí gần giữa tàu, trúng các thùng nhiên liệu và kho thuốc súng, kích hoạt một loạt các vụ nổ dây chuyền.

Ác mộng giữa bầy cá mập
Con tàu USS Indianpolis “uống” một lượng nước khổng lồ và chìm trong 12 phút. Trong số 1.196 người có mặt trên tàu, 900 người còn sống khi bị rơi xuống nước. Và cơn ác mộng bắt đầu.
Khi mặt trời lặn ngày 30/7, những người sống sót nổi bồng bềnh trên mặt biển. Bè cứu sinh không có nhiều. Người còn sống tìm người chết trong nước và lấy áo phao của họ cho người sống mặc. Họ tìm cách tạo thành các nhóm có trật tự, có nhóm chỉ vài người, có nhóm hơn 300 người. Không lâu sau, họ bắt đầu kiệt sức vì cơn khát và lúc đó, cá mập xuất hiện.
Chúng kéo đến sau khi nghe thấy tiếng nổ, tiếng tàu chìm và ngửi thấy mùi máu trong nước. Mặc dù có nhiều loài cá mập sống trong vùng biển đó nhưng không loài nào hung dữ hơn loài cá mập vi trắng đại dương. Thông tin từ người còn sống cho thấy lũ cá mập có xu hướng tấn công nạn nhân còn sống gần mặt biển, do đó các chuyên gia tin rằng phần lớn người thương vong là do bị cá mập vi trắng đại dương tấn công.

Một số thủy thủ trên tàu USS Indianapolis trước khi tàu bị đánh chìm.

Đêm đầu tiên, lũ cá mập chỉ tập trung vào xác người nổi lềnh bềnh. Tuy nhiên, do người sống vật lộn dưới nước nên ngày càng có nhiều cá mập lao tới. Cá mập có thể cảm nhận các chuyển động cách đó vài trăm mét thông qua các tế bào giác quan dọc cơ thể. Khi lũ cá mập chuyển hướng sang người sống, đặc biệt là người bị thương và đang chảy máu, các thủy thủ tìm cách tránh xa bất kỳ ai đang có vết thương hở. Khi có người chết, họ nhanh chóng đẩy xác ra xa, hi vọng rằng xác chết đó sẽ trì hoãn lũ cá mập tấn công mình. Nhiều người sống sót tê liệt vì sợ, không thể ăn hay uống số thức ăn ít ỏi họ lấy được từ tàu. Một nhóm người mắc sai lầm khi mở một lon thịt hộp Spam. Trước khi họ có thể ăn hộp thịt, mùi thịt tỏa ra đã khiến một bầy cá mập bu quanh họ. Họ bỏ khẩu phần thịt đề phòng cá mập sẽ kéo tới nhiều hơn.

Cuộc giải cứu muộn mằn
Bầy cá mập no nê trong vài ngày liền mà không có dấu hiệu có người đến giải cứu. Tình báo hải quân đã chặn được một tin nhắn từ tàu ngầm Nhật Bản đã phóng ngư lôi đánh chìm tàu USS Indianapolis. Tin nhắn mô tả việc họ đánh chìm một tàu chiến Mỹ dọc tuyến đường mà tàu USS Indianapolis đi qua. Tuy nhiên, người Mỹ coi tin nhắn là một chiêu dụ tàu cứu hộ Mỹ vào ổ phục kích.
Trong khi đó, các thủy thủ sống sót ở vị trí giữa nhóm có nhiều cơ may sống sót nhất. Những ai ở bên rìa hoặc một mình dễ trở thành mồi cho cá mập. Nhiều ngày trôi qua, nhiều người chết vì sức nóng mặt trời và khát, chết vì chứng ảo giác khiến họ uống nước biển và bị nhiễm độc muối. Những ai chịu được cơn khát thì trở nên điên dại, bọt mép sủi đầy, lưỡi và môi sưng phồng.

Tàu USS Indianapolis.

Sau 11 giờ vào ngày thứ tư vật lộn trên mặt biển, một máy bay Hải quân phát hiện ra họ và gọi người cứu. Chỉ trong vài giờ, một thủy phi cơ do đại úy Adrian Marks điều khiển đã tới hiện trường, thả bè cứu sinh và trang thiết bị cần thiết. Khi đại úy Marks nhìn thấy người sống sót bị cá mập tấn công, anh đã hạ cánh trên mặt biển nhung nhúc cá mập và bắt đầu cho thủy phi cơ trượt trên mặt biển để giúp người bị thương và người tụt lại phía sau vốn dễ bị cá tấn công nhất.

Sau nửa đêm, tàu USS Doyle đã tới hiện trường và giúp đưa những người cuối cùng lên khỏi mặt biển. Trong số 1.196 người trên tàu USS Indianapolis, chỉ có 317 người còn sống. Số người chết do bị cá mập tấn công là vài chục đến 150 người. Thảm cảnh mà những người sống sót gặp phải được coi là thảm họa hàng hải kinh hoàng nhất lịch sử hải quân Mỹ. Vụ việc đã khiến quân đội Mỹ nhanh chóng rót tiền cho nghiên cứu về các biện pháp xua đuổi cá mập.
 

Thùy Dương/ Tin tức
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)