Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vụ Càphê Buôn Ma Thuột: Có căn cứ để khởi kiện ra toà

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Với việc đăng ký bảo hộ độc quyền 2 nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột, doanh nghiệp Trung Quốc không chỉ gây nhầm lẫn về nguồn gốc địa lý của càphê Buôn Ma Thuột, mà còn ngăn chặn việc xuất khẩu càphê từ Việt Nam có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột vào Trung Quốc.

Giới luật gia cho rằng, UBND tỉnh Đắc Lắc có đầy đủ bằng chứng pháp lý để khởi kiện, yêu cầu phía Trung Quốc huỷ bỏ hiệu lực đối với 2 nhãn hiệu trên.

“Mất bò”

Theo phát hiện của Cty CP sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự (Hà Hội), có hai nhãn hiệu càphê Buôn Ma Thuột đã bị một DN tại Quảng Đông, Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền. Nhãn hiệu thứ nhất có hình ảnh thương hiệu là 3 chữ Hán ở trên và dòng chữ “Buon Ma Thuot” bằng chữ Latin ở dưới, số đăng ký 7611987, nhóm phân loại hàng hóa số 30

Thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền. Ảnh: Đ.T.K

Nhãn hiệu thứ hai có hình ảnh thương hiệu là một logo có tách càphê bốc khói và dòng chữ “Buon Ma Thuot Coffee 1896”, số đăng ký 7970830, phân loại hàng hóa cùng nhóm. Sau khi nghiên cứu, trao đổi với đồng nghiệp tại Trung Quốc, Cty CP sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự xác định 2 hai nhãn hiệu này đã được cấp đăng ký bảo hộ độc quyền 10 năm kể từ ngày 14.11.2010 và ngày 14.6.2011 tương ứng. Việc làm này đã gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho công chúng về nguồn gốc địa lý Buôn Ma Thuột gắn liền với sản phẩm càphê nổi tiếng của Việt Nam.

Chủ thể đăng ký còn có thể dùng quyền độc quyền để ngăn chặn việc xuất khẩu càphê từ Việt Nam có tên gọi xuất xứ Buôn Ma Thuột vào Trung Quốc. Ngoài ra, Cty CP sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự cũng xác định thương hiệu “Dak Lak” gắn liền với sản phẩm càphê cũng đã bị đăng ký tại Pháp bởi ITM Enterprises và có thể hậu quả cũng tương tự.

Trên thực tế, chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng bạ số 00004 cho tỉnh Đắc Lắc, công nhận bảo hộ quốc gia từ năm 2005. Nhưng từ đó cho đến nay, Đắc Lắc đã chậm trễ trong việc quản lý, sử dụng và đầu tư phát triển nhãn hiệu này.

Mãi đến tháng 8.2011, Sở Khoa học và Công nghệ Đắc Lắc mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột cho 8 thành viên của Hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột. Các doanh nghiệp này chỉ có diện tích 8.852ha, sản lượng 26.000 tấn/năm, trong khi vùng chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột được xác định có tổng diện tích 100.000ha và sản lượng lên đến khoảng 325.000 tấn/năm. Nghĩa là còn một diện tích rất lớn trong vùng chỉ dẫn địa lý chưa được sử dụng chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Ma Thuột.

Có căn cứ để khởi kiện

Theo nhận định của luật sư Lê Quang Vinh – Cty CP sở hữu trí tuệ Borss và Cộng sự – thì Luật Nhãn hiệu của Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Luật Sở hữu trí tuệ của VN. Luật này cũng quy định nếu một địa danh nước ngoài đã được công chúng Trung Quốc biết đến rộng rãi thì không được phép đăng ký và sử dụng làm nhãn hiệu.

Về bằng chứng pháp lý, Đắc Lắc có Quyết định 806/QĐ – SHTT ngày 15.10.2005 về việc cấp chứng nhận đăng bạ số 0004, các tài liệu chứng minh nguồn gốc lịch sử, danh tiếng của Buôn Ma Thuột gắn liền với càphê và doanh thu, uy tín của sản phẩm càphê Buôn Ma Thuột…

Do vậy, Đắc Lắc có căn cứ để khởi kiện yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ hiệu lực đối với 2 nhãn hiệu này. Nhưng giới luật gia cũng dự báo, thời gian để giải quyết tương đối dài, thông thường mất 24 – 36 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc mới đưa ra phán quyết. Tuy nhiên, sau 2 cuộc họp với các sở, ngành liên quan, hiện UBND tỉnh Đắc Lắc vẫn chưa quyết định giải quyết vụ “mất bò” thông qua con đường ngoại giao hay khởi kiện ra tòa án nước sở tại.

Đặng Trung Kiên

Theo Lao Động
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)