HS Trường THPT Sơn Tịnh 1 trong giờ tan trường. Ảnh: I.T |
Thời gian qua, tại Quảng Ngãi xôn xao thông tin Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tịnh 1 thuộc tỉnh này đã ra quyết định buộc thôi việc một giáo viên (GV) của trường mình.
Gặp ông Nguyễn Tân Cảnh, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tịnh 1 tại phòng làm việc, ông đưa cho chúng tôi xem tất cả những quy trình làm việc để đi đến kỷ luật buộc thôi việc đối với GV kia. Tất cả quy trình làm việc này đều chặt chẽ và thể hiện sự công bằng, dân chủ, đúng theo quy định của ngành, của pháp luật. Điều đó cho thấy, giá trị đạo đức của thầy giáo này đang là vấn đề đặt ra đối với cán bộ, GV và các em HS của trường THPT Sơn Tịnh 1.
Tìm hiểu một cách độc lập và khách quan, chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với GV và phụ huynh, những người dám nói thẳng, nói thật về thầy giáo này. Trong các cuộc nói chuyện, chúng tôi yêu cầu được ghi âm, tất cả đều đồng ý và chịu trách nhiệm những điều mình nói ra. Theo họ, đó là sự thật, là điều quan trọng để gìn giữ phẩm chất đạo đức của nhà giáo.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Hòa, GV dạy toán, vừa là chủ nhiệm lớp chọn 10A1 của Trường THPT Sơn Tịnh 1 kể lại sự việc do chính những HS của lớp mình phản ánh. Vào tiết 1, sáng thứ bảy ngày 17-8-2013, sau khi dạy xong tiết vật lý cho lớp 10A1, thầy Lê Vân đã nhận xét vào sổ đầu bài của lớp là “Thu Hương 0 điểm, Tâm không trung thực, lớp không học bài”. Cả lớp đều không đồng tình với cách nhận xét của thầy Lê Vân về tiết học. Sau khi cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Mỹ Hòa tìm hiểu, các em HS đã trình bày sự việc. Em Nguyễn Thị Thu Hương đã trả lời đúng 2/3 câu hỏi mà thầy Lê Vân đưa ra nhưng vẫn bị điểm 0. Sau khi cho điểm 0, thầy Lê Vân hỏi em Đoàn Thị Thanh Tâm ngồi bên cạnh: “Theo em thì bạn Hương có học bài không?”. Em Tâm trả lời là bạn Hương có học bài. Và em Tâm bị thầy “phán” cho một câu: “Như vậy là em không trung thực”. Sau đó thầy viết nhận xét vào sổ đầu bài là cả lớp không học bài và bị giờ C. Lời phê của thầy Lê Vân làm cho các em HS lớp 10A1 bị ức chế và không đồng ý. Không dừng lại ở đó, sau khi cho Nguyễn Thị Thu Hương 0 điểm, thầy Lê Vân còn gọi em Hương lên bảng, xin số điện thoại của ba em. Sau khi có số điện thoại, thầy Lê Vân ngồi trên lớp gọi trực tiếp cho phụ huynh em Hương và nói rằng: “Anh đừng có nghĩ con anh vào lớp chọn là giỏi, thực chất không như anh nghĩ đâu”?
Chúng tôi gặp ông Lê Khắc Sinh, phụ huynh của em Lê Trần Vũ để tìm hiểu về thầy Lê Vân. Ông Sinh cho biết, ông có 3 con trai, tất cả đều học trường này, nhưng vì con đang học nên ông không mạnh dạn nói lên sự thật. Chỉ khi con ông không còn học ở trường nữa ông mới mạnh dạn kể: “Thầy Lê Vân ra bài tập với 25 bài, con tui làm được 19 bài, nhưng thầy vẫn cho điểm 0. Con tui to khỏe nhưng bị sốc và ngã quỵ ngay trên bảng. Chuyện xảy ra hồi tháng 3 năm vừa rồi”. Khi được hỏi đánh giá về thầy Lê Vân, ông Sinh cho biết: “Nếu nói về đạo đức, khiêm tốn nhất thì tôi cũng phải nói rằng là thầy quá kém”!
Còn tại biên bản họp Tổ vật lý – công nghệ tuần 12, học kì 1 năm học 2013-2014 của Trường THPT Sơn Tịnh 1 ngày 29-10-2013 có ghi lại đầy đủ ý kiến của các thầy cô giáo trong tổ, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, đại diện Chi ủy, đại diện Ban giám hiệu nhà trường. Đã có rất nhiều ý kiến của các thầy, cô trong tổ đề cập đến những sai phạm mà thầy Lê Vân mắc phải trong thời gian qua. Đó là, vi phạm quy chế chuyên môn, vi phạm nghĩa vụ viên chức, vi phạm quy chế cơ quan, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Biên bản kiểm điểm kiểm phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật thầy Lê Vân đã ghi rõ điều này. Trong 12 phiếu thì đã có 5 phiếu buộc thầy Lê Vân nhận hình thức kỷ luật buộc thôi việc, 7 phiếu còn lại: Cảnh cáo.
Tại báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại của ông Lê Vân và quyết định số 86 ngày 9-11-2013 của Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tịnh 1 của Ban Thanh tra nhân dân có nêu rõ: “Thái độ quá khích, mang tính côn đồ của ông Lê Vân đối với lãnh đạo nhà trường…, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỷ cương, kỷ luật cũng như uy tín của tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường và thể hiện sự vi phạm nghiêm đạo đức nhà giáo của ông Lê Vân”. Báo cáo cũng nêu rõ: “Hành động ngồi tại bàn GV, dùng điện thoại di động gọi điện thoại cho cha mẹ HS, lời lẽ có tính chất đe dọa ngay trước mặt HS cả lớp là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, xúc phạm cha mẹ HS, làm mất niềm tin của cha mẹ HS đối với Hội đồng sư phạm nhà trường”.
Dạy HS không đơn thuần là dạy kiến thức mà còn dạy cho các em cách sống, cách làm người. Điều đó đòi hỏi thầy giáo phải là người có đạo đức, sống và làm việc theo chuẩn mực đạo đức. “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng cho HS noi theo” đó là câu khẩu hiệu mà ngành giáo dục đặt ra và đang hướng tới. Qua sự việc của Trường THPT Sơn Tịnh 1 cho thấy, nhà trường đã rất cương quyết để loại trừ những cá nhân không đủ phẩm chất đạo đức đứng trên bục giảng. Chỉ có người thầy tốt mới đào tạo ra những con người tốt. Nếu như du di với những điều xấu, mục đích rèn trí luyện người của ngành giáo dục sẽ không đem lại kết quả.
Thái Cương
Bình luận (0)